CÂY CÓ CỘI, NƯỚC CÓ NGUỒN, CHIM CÓ TỔ, NGƯỜI CÓ TÔNG.

Mùa sen về thăm Huế

Mỗi khi nhắc về Huế, tim tôi thường rộn lên nhiều cảm xúc lẫn lộn, có lẽ vì lần nào thăm cố đô cũng lưu lại trong tôi những thoáng bâng khuâng khó tả. Trở lại thăm vùng đất này trong không gian xanh thắm của tiết xuân hè, tôi như ôm Huế vào lòng với thoang thảng đâu đây mùi hương của bao cánh sen tỏa ra ngan ngát.


Sen ở các hồ trong Kinh thành Huế.

Trên đường đi vào trung tâm thành phố, tôi cảm nhận khá rõ cái nắng tháng 4 khá gắt gay khi trời vào chính ngọ. Tuy vậy, những hàng me xanh tỏa bóng mát hai bên đường đã giúp đôi mắt tôi không bị chói chang bởi tia lấp loáng của ông mặt trời đang nhảy múa. Từ phố Tây, tôi tà tà xuôi thẳng ra bờ sông Hương ngắm cảnh, kế bên sông là con đường Lê Lợi yên ả phẳng lặng thản nhiên chào đón mọi du khách qua lại cùng hàng cây xanh um bóng lá. Huế dịu mát và nên thơ bởi còn bảo tồn được khá nhiều cổ thụ có độ tuổi hàng trăm năm, điều này đã tạo được nhiều cảm hứng cho các nhiếp ảnh, họa sỹ đổ xô về Huế để ghi lại những khoảng khắc đẹp.

Xa xa, hình ảnh của hai chiếc cầu Tràng Tiền - Phú Xuân cần mẫn làm nhiệm vụ giúp bao người “từ bên ni qua nớ, bên nớ qua ni”. Trên mặt sông Hương, khá nhiều thuyền rồng của các công ty du lịch Huế nằm lặng im bên bờ trong màu nước lục nhạt, nhìn khá giống như những chú cá say say ngoi ngóp vì nắng. Thả bộ xuôi dọc, tôi tiếp tục băng cầu Tràng Tiền, dạo chợ Đông Ba với ước mong tìm lại chút Huế xưa mà nhạc sĩ Minh Kỳ từng xúc cảm viết tặng cho đời một bài ca bất hủ.


Sông Hương thơ mộng.

Chợ Đông Ba có khá nhiều cửa hàng bày bán quốc hoa của Việt Nam, kèm các chế phẩm như trà sen, mứt sen, nhị sen, ngó sen, củ sen, lá sen và món chè sen cung đình nức tiếng. Vào hè, người dân Huế chuộng mua sen về bày cúng Phật và tổ tiên nhiều hơn các loại hoa khác. Ngoài ra, các o, mệ Huế khi đi chợ cũng không quên vài xâu hạt sen tươi để làm món chè giải nhiệt cho cả nhà. Ghé vào một quán chè Huế bên đường, tôi bị bất ngờ khi biết một mệ già bán chè này đã có hơn nửa thế kỷ gánh chè sen đi bán khắp trong kinh thành Huế. Ngồi một mình, tôi tì tì một lúc 3 chén chè sen Tịnh bọc long nhãn Huế ngọt thơm mùi đường phèn. Dường như, vị bùi thơm ngọt của chè sen làm cho tinh thần sảng khoái hơn hẳn. Chợt bật cười khi nghe những câu đối đáp đậm chất phương ngữ Huế của mệ già bán chè, tôi lẩn thẩn nghĩ: Giọng nói ngọt ngào của phụ nữ xứ Huế có được chắc nhờ ăn chè này nên âm điệu chi mà ngọt ngào như rứa! Tạm biệt mệ già, tôi mua một bó hoa sen vừa đi vừa ngắm cảnh và tìm đường đến thăm Đại Nội.

Để đến được Đại Nội, tôi đi bộ hơn 3km, băng xuyên qua những ô cửa của bức tường thành dày hơn 20m được Vua Minh Mạng cho xây dựng với mục đích bảo vệ kinh thành khỏi sự tấn công của quân thù. Chạm tay vào những dấu tích này, lòng tôi chợt bồi hồi khôn tả: Người xưa đã đi về một cõi vô biên và tất cả rồi cũng phôi pha. Nay chỉ còn lại vài kiến trúc cho hậu thế đến chiêm ngưỡng và lắng nghe bao giai thoại lễ nghi cung đình vô cùng oai nghiêm của xa xưa bên bức tường thành rêu phong lặng lẽ.


Vào mùa hè, hoa sen cũng phủ đầy các hồ thuộc Hoàng thành Huế.

Thăm Đại Nội, tôi không quên dạo bước tìm đến Tịnh Tâm Hồ - vốn được lưu danh là địa điểm vãn cảnh nổi tiếng của giới cung đình triều Nguyễn. Theo sử sách xưa, Tịnh Tâm Hồ có chu vi ước tới 1.500m với ba đảo mang tên Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu với các nhà thủy tạ hóng mát được thiết kế vô cùng hoàn hảo. Khi nhà Nguyễn còn thịnh trị, đây là nơi dành riêng cho Vua cùng các vương gia ngắm cảnh. Vì vậy, các quan lại chuyên về bài trí vườn Ngự Uyển đã dày công săn lùng và thả trồng ở Tịnh Tâm Hồ một giống sen trắng đặc biệt, loại sen này có hương thơm ngạt ngào và nhân hạt thì có hương vị tuyệt ngon vô cùng quý hiếm. Nghe kể lại, các cung phi muốn được Vua yêu chiều đã ra sức chăm sen để Vua đi dạo sẽ bất chợt thấy mình đang thả tóc hoặc hái sen trong khung cảnh tuyệt như tranh.Thậm chí có vương phi còn ra sức canh hứng những giọt sương đọng trên lá sen để nấu trà dâng cho Vua ngự.

Điển tích xưa là thế nhưng hiện tại, trên mặt hồ này đầy dẫy rau muống cùng sen trộn lẫn. Đã vậy các di tích bị đổ nát trông rất xác xơ. Hỏi thăm một người dân đang loay hoay cắt rau, tôi được biết, Tịnh Tâm Hồ bị bỏ hoang khá lâu và không có nhân lực nạo vét hồ cùng đổ bùn nên sen cũng lụi tàn đi khá nhiều. Dù được các cấp chính quyền xem xét và tôn tạo lại hồ để xứng tầm là một di tích Quốc gia nhưng việc tiến hành vẫn còn chậm nên nơi đây vẫn chưa là một địa danh được du khách tán thưởng.


Bến đò cạnh chùa Thiên Mụ.

Trên chiếc xích lô cà rịch cà tang dạo chơi trong màu nắng vàng óng, nhìn sang bên kia sông là phố xá hiện đại, riêng Kim Long vẫn lưu giữ được nét tĩnh lặng hiền hòa. Bỗng nhiên, trong khoảng xanh trong bỗng có một áng mây xám là đà nhẹ kéo theo một cơn mưa thả nhẹ màn sương trắng xuống Huế, màn mưa bay lất phất trong nắng làm con đường nho nhỏ có một màu trắng mờ bao bọc. Ngắm cảnh này tôi mới hiểu: Khi Trịnh Công Sơn về Huế, nhờ đứng bên sông Hương ngắm mưa mà ông đã cảm tác viết nên những câu ca tuyệt diệu: “Em đi về đường mưa ướt áo, đường phượng bay mù không lối vào…” làm bao con tim phải ngơ ngẩn.

Sau Kim Long, tôi đến thăm chùa Thiên Mụ tọa lạc trên một ngọn đồi thoai thoải ngay bên sông Hương và ngó lệch một chút là núi Ngự Bình. Đứng ở đây bạn có thể mãn nhãn tận hưởng cảnh quan sông Hương núi Ngự đẹp như tranh. Như bao du khách khác, tôi không quên bấm máy chụp nội ngoại cảnh của chùa, trong đó có cả chiếc xe hơi đã từng chở hòa thượng Thích Quảng Đức đến chỗ tự thiêu để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm.


Chùa Thiên Mụ.

Trở ngược về phố Tây, tôi tiếp tục nhờ bác tài xích lô chở đến làng hoa giấy Thanh Tiên để viếng thăm một nghệ nhân được ghi nhận là người có công chế tác những đóa sen giấy khá tinh xảo. Trò chuyện cùng ông, tôi được hiểu thêm về một làng nghề truyền thống nay đã gần bị mai một mà ông đang ra sức giảng dạy cho con cháu để đừng bị mất những tinh hoa mà tổ tiên để lại. Thật đáng trân trọng cho tấm lòng một họa sỹ.

Ngược xuôi trên sông Hương, những chiếc thuyền du lịch bắt đầu cuộc hành trình tour hò Huế hoặc nhã nhạc cung đình cho các du khách thưởng lãm. Đâu đó trên sông, tôi thoảng nghe âm điệu buồn của một nghệ sỹ đang phục vụ du khách. Điệu hò Huế vốn vương mang vời vợi, dù nhẹ nhàng nhưng cũng đầy lắng sâu như trao gửi nỗi niềm tâm sự như tiếc nuối một thưở vàng son của cố đô đã từng một thời vang danh trong sử sách.

Trưa hôm sau, mua vội vài chục hoa sen giấy đem về tặng người bạn thân, tạm biệt cố đô, tôi tiếp tục cuộc hành trình khám phá động Thiên Đường nằm cách Huế gần 300km. Trong màu nắng vàng nhiệt đới, Huế thản nhiên cùng năm tháng.

Theo Tạp chí Travellive

http://netcodo.com.vn/vi/50/2013/Album-anh/Mua-sen-ve-tham-Hue.html#.X7EU41AxXIU

 

Những tin cũ hơn