Hè năm 2003, bà Nguyễn Thị Hồng Phúc (trú tại số 16, ngõ Thái Thịnh 2, Phường Thịnh Quang, Quận Đống Đa, Hà Nội) bị đột quỵ do căn bệnh suy tim. Nhịp tim ngày một yếu dần nhưng cụ bà 80 tuổi vẫn đang góp từng hơi thở, từng ngày, từng giờ làm từ thiện.
Từ ngày bị đột quỵ, bà Phúc phải cần đến máy trợ tim. Khoảng thời gian 2 năm đầu sống chung với nhịp đập nhân tạo, cuộc sống của bà là một màu u ám, chán nản. Cho đến một ngày bà xem một phóng sự trên truyền hình về những em nhỏ ,những đôi mắt hồn nhiên vô tư tràn trề nghị lực sống cho dù phải đối mặt với những căn bệnh quái ác, sống trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc. Hình ảnh đó đã hâm nóng sức sống trong trái tim bà.
Niềm vui vượt qua bệnh tật
Không để thời gian ít ỏi còn lại trôi qua một cách vô ích, bà muốn đem lại niềm vui, sự ấm áp cho những gia đình ở những nơi mà cái ăn, cái mặc là cả vấn đề lớn với cuộc sống của họ.
Để giúp bà vượt qua nỗi sợ hãi của bệnh tật, ông Trần Gia Viên (chồng bà) đã dành dụm tiền mua một cái máy khâu đạp điện cho vợ mình may quần áo gửi đi cho trẻ em nghèo khó ở khắp nơi trên cả nước.
Ông Viên cho biết từ số tiền lương hưu ít ỏi của mình, mỗi tháng ông bà trích ra một khoản từ 300- 500 nghìn đồng mua vải và các phụ liệu may quần áo. Cứ vài ngày ông lão nay đã 84 tuổi lại ra chợ lựa vải, gấp cẩn thận, ngăn nắp cho vào làn, đem về để vợ may quần áo cho trẻ em.
“Tôi rất ủng hộ việc bà ấy may quần áo làm từ thiện. Từ ngày bắt đầu công việc này trông bà ấy vui vẻ hẳn lên, sức khỏe cũng khá hơn. Mặc dù mắt bà bây giờ rất kém, một bên mắt không thấy gì, bên còn lại chỉ còn 3/10 nhưng những đường kim, mũi chỉ trên những chiếc áo của bà trông rất gọn gàng và tinh tế” – ông vừa chỉ vào những bộ đồ bà Phúc may vừa nói.
Mỗi ngày bà Phúc dành thời gian lúc khỏe nhất để may quần áo, thường là vào buổi sáng. Thời gian đầu có khi bà phải mất tới một ngày để may xong một chiếc áo, lúc nào mệt bà nghỉ một lát rồi lại tiếp tục may. Cứ thế những bộ quần áo hình thành, mỗi khi may xong bà lại cảm thấy vui, khỏe hẳn lên. Dần dần, bà may được nhiều hơn, mỗi ngày bà có thể may xong 2-3 cái áo trẻ em. Khi nào gom đủ từ 100-150 cái là ông Viên lại cẩn thận đóng vào thùng cát-tông gửi đi những địa chỉ đang cần đến, khi thì gửi cho các cháu bị lũ lụt ở miền Trung, lúc thì gửi cho trung tâm từ thiện, nơi cửa Phật có nhiều trẻ mồ côi.
Gửi gắm tình thương của mình qua từng đường kim, mũi chỉ, bà Phúc cẩn thận và tỉ mỉ từng công đoạn hoàn thành từng chiếc quần, chiếc áo, gửi tình cảm của mình tới hàng trăm, hàng ngàn người trong xã hội. Cụ bà 80 tuổi chia sẻ : “Hãy yêu thương người khác khi còn có thể, hãy gửi trao những tình cảm tốt đẹp nhất đến mọi người khi mình còn nghe được và trái tim còn biết rung động”.
Cả nhà cùng giúp mẹ làm từ thiện
Mặc dù ngày ngày phải chịu những cơn đau do bệnh tim, nhưng sự được sự động viên từ người chồng, niềm vui của những em nhỏ có số phận bất hạnh nhận được những tấm áo bà may đã trở thành động lực để bà thoát khỏi “thần chết” nhiều lần. Cầm trên tay cuốn nhật ký theo dõi nhịp tim hàng ngày của bà Phúc, ông Viên cho biết nhịp tim của bà ngày càng yếu dần. Đầu năm 2012 bà được bác sỹ kết luận máy trợ tim hết pin đồng nghĩa với việc có thể bà sẽ ngừng hơi thở, thế nhưng thật kỳ diệu từ đó đến nay trái tim yếu ớt của bà vẫn có thể tự đập mà không cần đến máy móc.
Bà Phúc bắt đầu công việc may quần áo cho trẻ em nghèo từ năm 2005, tính đến nay đã được hơn 9 năm. Hàng nghìn bộ quần áo tình thương đã được vợ chồng ông, bà Phúc chuyển đi khắp nơi. Một điều đáng chú ý nữa là việc làm từ thiện của bà Phúc được cả gia đình ủng hộ và làm theo. Thời gian đầu chỉ có mình bà tự may, ông đóng thùng gửi đi, một thời gian sau cả con trai và con dâu cùng tham gia vào công việc từ thiện của ông bà. Cậu con trai thì tìm chỗ mua thêm vải đẹp và rẻ cho mẹ, cô con dâu thì tham gia vào việc đính cúc, đính nơ, trang trí thêm chiếc áo vào mỗi buổi tối- những giờ nghỉ ngơi sau thời gian làm việc chính ở công ty.
Hàng xóm nhà bà Phúc tâm sự về nghĩa cử cao đẹp của gia đình ông bà: Họ là những tấm gương đáng kính, để thế hệ trẻ học tập và làm theo. Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh, họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất,in dấu lại trong trái tim người khác và có lẽ vợ chồng ông Viên, bà Phúc đã làm được điều đó.
Trong suốt 9 năm trên con đường thiện nguyện của mình, món quà quý giá nhất đối với vợ chồng ông bà Phúc là những lá thư cảm ơn từ mọi miền của đất nước gửi về. Đó chính là liều thuốc bổ,niềm động viên, khích lệ cho đôi vợ chồng già vượt qua được những khó khăn của bệnh tật, tuổi tác, tiếp tục cống hiến bằng những hành động rất đỗi nhân văn./.