CÂY CÓ CỘI, NƯỚC CÓ NGUỒN, CHIM CÓ TỔ, NGƯỜI CÓ TÔNG.

Tấm lòng bà Phúc với trẻ em nghèo

Bài dự thi “Những tấm gương bình dị mà cao quý”

QĐND Online - Suốt 13 năm chống chọi với bệnh suy tim, 20 năm sống với cặp mắt mù lòa vậy mà bà vẫn bỏ tiền lương mua vải, mua chỉ rồi tự tay may quần áo cho trẻ em nghèo khắp mọi miền. Bà lão có tấm lòng nhân hậu đó là Nguyễn Thị Hồng Phúc, ở số nhà 16, hẻm 50/5, ngõ Thái Thịnh 2, quận Đống Đa, Hà Nội...

Vượt lên bệnh tật, tìm việc làm ý nghĩa

Một buổi sáng năm 2003, ông Trần Gia Viên hốt hoảng khi phát hiện vợ mình bị đột quỵ trong nhà vệ sinh. Từ đó bà Phúc phải sống chung với chiếc máy trợ tim. Hai năm đầu chung thân với “nhịp đập nhân tạo”, cuộc sống với bà là một màu u ám, buồn bã; cơ thể lúc nào cũng trong tình trạng suy kiệt, không có một chút sức lực. Lúc đó bà Phúc nghĩ mình chắc không qua khỏi, tinh thần kiệt quệ, chán nản, không thể ăn ngon, ngủ yên.

Từ khi vợ bị đột quỵ, ông Viên trở thành người phục vụ, giúp đỡ mọi thứ cho bà. Ông tâm sự: “Với tôi bao năm nay, việc nhà như quét dọn, đi chợ, nấu cơm, chăm vợ đã trở nên quá quen thuộc”. Chế độ ăn nghỉ của người vợ bệnh tật cũng được ông nghiên cứu, sắp xếp một cách khoa học. Việc quan trọng nhất hằng ngày đối với ông là ghi nhớ và thực hiện chế độ điều trị, thuốc men đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ông đã lập riêng một sổ theo dõi sức khỏe hằng ngày của bà và luôn cầu mong trái tim của vợ sẽ bớt đau, để niềm vui lại đến.

Để giúp bà vượt qua nỗi sợ hãi của bệnh tật, ông Viên đã mua cho vợ một chiếc máy khâu chạy bằng mô-tơ điện. Có sẵn mấy mét vải, bà bắt đầu tự cắt và may thành những bộ quần áo tặng trẻ em nghèo. Càng may, bà lại càng thấy vui khỏe, hôm nào nghỉ bà lại thấy tiếc và trống vắng. Không chỉ bị bệnh tim quái ác, mà 20 năm qua, bà gần như không nhìn thấy gì, một mắt đã mù, mắt còn lại chỉ còn 3/10 phần thị lực. Bà Phúc tâm sự: “ Mắt tôi bây giờ  kém lắm, tôi chỉ may theo thói quen và quán tính… thôi”.

 Bà Phúc bị suy tim, mắt mờ vẫn miệt mài may quần áo tặng trẻ em nghèo.

Mỗi tháng, hai vợ chồng bà Phúc bỏ ra 300 nghìn đồng từ lương hưu để mua vải, chỉ về may quần áo từ thiện. Hội Chữ thập đỏ của phường cũng tặng quà và tiền cho bà. Tất cả quà, tiền của các tổ chức quyên góp, bà đều bỏ ra để mua vải về may quần áo tặng trẻ em nghèo. Một thuận lợi là bà đã có kinh nghiệm làm may 20 năm ở Nhà may Đức Hạnh (Hàng Trống, Hà Nội) sau đó chuyển về Xí nghiệp May mặc Hà Nội phụ trách khâu kỹ thuật cắt may cho đến lúc nghỉ hưu. Hơn 30 năm trong nghề, người thợ may “cứng” của nhà máy nổi tiếng đất Hà Thành đến giờ vẫn giữ được nét tinh tế trong từng đường kim mũi chỉ.  Tuy mắt kém và bị bệnh tim, bà Phúc vẫn may được 2 đến 3 chiếc áo, quần trẻ con mỗi ngày. Bà thường tranh thủ buổi sáng để ngồi máy may. Theo tâm sự của bà, thì lúc đó sức khỏe và tinh thần của bà tốt nhất, ổn định nhất.

Chúng tôi theo bà vào căn phòng nhỏ, nơi để chiếc máy khâu cũ. Trên đó vẫn có những chiếc váy áo xinh xắn mà bà đang may dở cho các bé gái vùng cao, hoặc nơi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. “Lúc còn khỏe mạnh tôi cùng với chồng đã đi nhiều nơi, biết có nhiều  đứa trẻ vẫn còn khó khăn lắm, ăn còn chẳng đủ, lấy đâu tiền ra mua quần áo mới. Chính vì thế tôi tâm niệm rằng, tự tay mình may những chiếc áo, váy này sẽ mang lại niềm hạnh phúc, vui sướng nho nhỏ cho các cháu. Còn bản thân tôi cũng lấy đó làm niềm vui cuối đời…”, bà tâm sự.

Mỗi khi thấy tinh thần của vợ tốt lên, ông Viên lại tích cóp tiền mua thêm vải về để bà may, đồng thời cùng các tổ chức xã hội, các cá nhân có tấm lòng hảo tâm tìm thêm địa chỉ từ thiện khác để chuyển quần áo tới tặng. 

Tấm lòng nhân ái gửi tới muôn nơi

Ông Viên khoe với chúng tôi về một chiếc thùng đựng hơn 400 chiếc áo ở góc nhà. Đây chính là thùng quần áo mới nhất mà bà đã may xong để dành tặng cho các cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Cứ may được khoảng 100 chiếc, bà lại nhờ ông đóng thùng để gửi cho các cháu. Có nhiều chuyến quà bà chuyển quần, áo lên cho trẻ em miền núi Tây Bắc, hoặc vào Miền Trung chia sẻ hơi ấm mùa đông, hoặc cứu trợ, giúp đỡ các em nhỏ bị lũ lụt. Ở Hà Nội, bà cũng thường xuyên chuyển những thùng quần áo tự may tới các chùa có trẻ nhỏ hoặc Trung tâm chăm sóc trẻ em tại huyện Ba Vì…. Trong những ngày đông rét mướt, ông Viên đã mang theo nhiều bộ quần áo của vợ may, hoặc quyên góp được để đi tặng những mảnh đời lang thang ở khắp đất Hà Thành.

Khoảng 10 năm nay, hàng nghìn bộ quần áo nghĩa tình của bà Phúc đã được chuyển đi khắp mọi miền..., góp cho bọn trẻ tấm áo mới đến trường, phần nào xua đi sự lạnh lẽo mỗi khi đông về. Bà Lê Ngọc Mai, hàng xóm của bà Phúc cho biết: “Mỗi khi bà Phúc đau ốm, đi viện, chúng tôi cùng tổ dân phố, hội phụ nữ lại sang thăm, biếu quà, tiền thì bà Phúc lại dành số tiền đó đưa cho chồng đi mua vải may quần áo dành tặng bọn trẻ. Bà quả là một người phụ nữ giàu lòng nhân ái, được mọi người yêu mến, quý trọng”.

Cầm trên tay những tấm áo, chiếc váy với đường kim mũi chỉ tỉ mỉ, gọn gàng, ít ai có thể nghĩ rằng, đó là thành quả lao động của bà lão đã ngoài 80 tuổi mắt mờ, suy tim… Trong suốt những năm tháng may áo làm từ thiện, món quà quý nhất đối với vợ chồng bà Phúc là những lá thư cảm ơn từ mọi miền Tổ quốc gửi về. Những dòng chữ nghiêng ngả, to nhỏ, mộc mạc…, nhưng mang theo bao lời cảm ơn, tâm sự đầy xúc động của các em nhỏ và người thân, khi nhận được bộ quần áo mới. Mỗi khi đọc lại những lá thư đó, bà Phúc rất cảm động, trào dâng niềm hạnh phúc. 

Bài và ảnh: NGUYỄN THỊ HƯỜNG

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn