CÂY CÓ CỘI, NƯỚC CÓ NGUỒN, CHIM CÓ TỔ, NGƯỜI CÓ TÔNG.

TÂM TÌNH CHIM YẾN PHỤNG

    
     Hễ ai nhắc đến tên em cũng đều có tình cảm, thân mật, và với em, em cũng vinh hạnh về cái tên “Yến Phụng” của mình. Từ xa xưa không rõ ai đặt tên, vừa đẹp vừa có tính dịu dàng. Người Châu Âu đặt tên em là Perruche nghe cũng ra dạng mĩ nữ.

     Theo truyền thuyết của gia tộc, tổ tiên nhà em gốc gác từ một loài chim hoang dã thuộc họ Két, mỏ quắp và có quai hàm rất sắc bén. Thân hình nhỏ hơn chim sẻ, hơi thon, đặt biệt có cái đuôi dài y như Két. Tổ tiên xưa chúng em sống từng đàn, làm tổ trong những hốc cây trong rừng sâu. Màu lông nguyên thủy chỉ độc một màu vàng. Giữa thế kỷ XVIII, từ các lục địa xa xôi hoang dã, hằng năm người ta săn bẫy về từng loạt hàng vạn con, tập luyện, tìm tòi thức ăn thích hợp, nuôi thuần thục thành chim nhà và đóng lồng gởi bán khắp các nước. Những nhà Điểu học mua về thấy giống chim đẹp, dễ nuôi, mau sinh sản, nghiên cứu cách lai tạo cho đến ngày nay thành nhiều giống, ngoài giống lông vàng nguyên thủy còn có các màu lông khác: xanh nước biển, xanh đọt chuối, tím, trắng và xám. Các màu lông thật hài hòa lạ mắt, không bút nào tả được vẻ đẹp óng ả của mỗi sắc lông.

     Chủ em là một cậu bé đánh giày, bố mất sớm, mẹ sang ngang theo chồng. Anh phải bám sống nhờ họ hàng. Hằng ngày xách thùng “nghề” đi kiếm ăn. Cơ duyên làm sao, một hôm vào phục vụ cho một cậu thiếu niên nhà giàu. Cậu này vừa mua chim hót loại đắt tiền. Thời gian trước cậu thích em về cái mã với màu lông nên rất cưng quí, nhưng mãi về sau chị em là loại không biết hót lại nhỏ con, nghĩ bụng tặng em cho chú bé đánh giày để rảnh mắt, tức là chủ em bây giờ. Anh tên Tư, người ta gọi là Tư đen, vì có nước da ngâm ngâm. Tư đem em về nhà mừng hơn trúng số, nhưng phương tiện thiếu thốn tạm nhốt em trong một cái bẫy chuột. Nhìn bốn bề trong khung lưới, thấy số phận mình hẩm hiu, em nhào lộn tìm đường thoát, xơ cả cánh, xước cả đùi, nằm ủ rủ lơ ăn mấy ngày, bỗng một hôm chủ em mua được cái lồng làm bằng tăm sắt sơn xanh, còn mới, rộng rãi khang trang, từ đó em mới được hoàn hồn. Thấy Tư có con chim ngồ ngộ, hằng ngày các em tụ tập đến xem, bỏ mồi cho ăn. Mà ngộ thật, trong cái xóm lao động nghèo nàn này chưa có ai rảnh để chơi chim. Em mặc áo màu xanh nước biển, nhìn đám trẻ, hãnh diện với sắc đẹp của mình. Những ai bắt đầu nuôi Yến Phụng đều phải tìm hiểu đặc điểm, trống mái hình dáng giống nhau như hệt, khi ghép cặp dễ lầm, không thể sinh sản được; chỉ phân biệt ở cái mỏ: chim trống mỏ hồng hoặc xanh, chim mái có mỏ trắng. Khi hên thì cái gì cũng gặp may đem lại. Đứng xem chim, cụ già láng giềng thấy Tư côi cút nghèo khó, mua cho một con trống để có cặp, vì đã nuôi Yến Phụng không ai nuôi đơn độc, thế là từ đó em có chồng. Thức ăn của chúng em đơn giản, chỉ có lúa hoặc hạt kê, và hạt kê là món chính, dễ ưa thích và mau lên cân. Thỉnh thoảng chủ chêm vào mấy ngọn xà lách hoặc hạt bắp non. Tư đen săn sóc chúng em hết mình, có ngày làm không ra tiền phải nhịn bữa để dự trữ lương thực cho chúng em. Hằng ngày chúng em ríu rít mớm mồi cho nhau, khác với một số chị em dữ hay hiếp chồng. Các nghệ nhân kinh nghiệm cho biết Yến Phụng trống nhường nhịn, không bao giờ hiếp mái. Nên ghép nhằm cặp không hợp thì con mái chồm lên mổ đầu, mổ mắt chim trống, cho đến chết ngay từ giờ đầu mới bỏ vào. Ở được mấy tháng thì em đẻ lứa đầu tiên. Chủ đưa vào lồng một cái hộp nhỏ, bằng gỗ, hình chữ nhật gọi là tổ đẻ. Thông thường Yến Phụng đẻ mỗi lứa từ 4 đến 6 trứng. Những chị em sung sức đẻ được 8 đến 10 trứng. Khác với loài gà, đẻ xong thì ấp ngay từ cái trứng đầu tiên rồi ở luôn trong tổ đẻ, mỗi ngày kế tiếp đẻ một trứng cho đến khi hết đẻ và ấp khoảng 18, 19 ngày thì nở con. Trong thời gian ấp trứng, chim trống có nhiệm vụ chun vào mớm mồi. Những nhà kinh doanh nhẩm tính, ở nước ta hiện nay, trung bình nuôi 100 cặp, trừ chi phí xong mỗi tháng kiếm được trên dưới triệu đồng; và phong trào nuôi Yến Phụng xuất khẩu còn khá thịnh hành. Nuôi nhiều phải làm trại lớn, thả năm hoặc mười nghìn cặp, lợi thức ăn, lại lợi công. Đặc biệt, nếu nuôi tập thể, do những tiếng kêu chiêm chiếp liên hồi của những chim con, kích động các chim mẹ càng hăng hái đẻ sai.

     Mới thời gian hai năm chúng em đã góp công xây dựng cuộc sống cho Tư một đàn con, rồi con đẻ cháu, vừa bán vừa làm giống. Tư tính nhẩm bán một chim con đổi được một ký hạt kê, đủ nuôi một cặp chim mẹ trong hai tháng, nên anh vững lòng tin về mặt kinh tế và trở thành một nghề làm ăn.

     Thấm thoát đã giáp vòng hai cái Tết. Mọi người lo rộn rịp đón xuân. Mùa xuân là mùa rạng rỡ hạnh phúc nhất của loài chim. Hai năm sống bên cạnh chúng em Tư đen tìm được ý nghĩa trong cuộc sống đó là tinh thần “lạc quan” và sự “bền chí”. Nó là sức khỏe tinh thần làm cho ta am hiểu cuộc đời dù gặp trở lực, gian truân, rắc rối mà cứ vẫn yêu đời, qua cơn thất bại biết gượng dậy làm lại cuộc sống luôn mãi ý thức những tác động của mình, suy luận, tìm tòi những sáng kiến, cùng ý chí dẻo bền, tự mình điều khiển mình với tinh thần tự chủ. Mấy ngày Tết Tư thảnh thơi sung sướng, dáng vẻ đổi đời. Đi mừng tuổi bà con xa gần, từ cậu bé rách rưới năm nào bạn bè đều đón hỏi, Tư khiêm tốn: thật ra tôi chẳng có gì đáng gọi là phát tài; một kẻ cô đơn, tự mình lập thân đổi sức lao động và mồ hôi kiếm sống để theo bước cùng anh em.
LÊ ĐÌNH PHẤN

Những tin mới hơn