CÂY CÓ CỘI, NƯỚC CÓ NGUỒN, CHIM CÓ TỔ, NGƯỜI CÓ TÔNG.

CƠN ĐÓI

Buổi sáng hôm nay khí trời thật oi bức; thỉnh thoảng mới có cơn gió thoảng qua nhưng là gió Tây Nam chỉ đem hơi nóng lại. Làn không khí như lặng yên làm cho mọi người bứt rứt khó thở.

Ngoài hiên, bên chiếc chỏng tre dưới tán lá xanh um của cây bàng, cu Thìn nằm gọn trong chiếc võng gai mắc vào hai cành cây. Anh nắng len qua kẻ lá chập chờn trên bộ cánh màu xanh mỗi khi có ngọn gió lướt qua. Nghe tiếng bà gọi Thìn ngồi chỏm dậy, bà trao cho đĩa sắn. Thìn biết bà thương yêu lắm nhất là từ năm Thìn được nhận vào làng trẻ mồ côi Hy vọng, bà rất yên lòng.
 
     Thìn mồ côi cả bố lẫn mẹ từ năm lên bốn, không có chú bác, ở với bà. Nhà bà cũng nghèo xơ nghèo xác, chỉ một gian hàng bán vặt cho trẻ con trong làng. Thấy gia đình nghèo côi cút, cậu Tân làm việc xã giới thiệu cho Thìn vào làng Hy vọng từ ba năm qua. Cứ mỗi độ hè, Thìn lại về quê nội nghỉ mát và đỡ đầu bán hàng giúp bà. Nhà bà có khoảng vườn của ông nội để lại nhưng chẳng trồng cây trái gì, chỉ sơ sài mấy vồng khoai lang nhờ tay bà săn sóc đã được xanh tươi. Đằng sau chái bếp một cái thùng phuy bỏ rỗng, đã nhiều chỗ rỉ rét, dáng chừng đây là thùng bà đựng lúa trước kia. Một hôm Thìn tưới rau chợt nghe tiếng sột soạt trong thùng rồi im bặt, nhưng chốc chốc lại có tiếng kêu xào xạc. Thìn buông tay, lại giở nắp thì kìa, một chú chuột khá lớn hiện ra. Con chuột sợ hãi, co ro, lồng ngực thoi thóp, thỉnh thoảng cố vươn mình bò lên để thoát nhưng vì vách thùng đứng nên chỉ việc đi lại loanh quanh. Toàn thân chuột phủ màu lông xám đen, bóng mịn như tấm nhung. Hai ria mép dài hoắt lay động, đôi mắt nhìn lồ lộ và long lanh, bốn chân nho nhỏ, nhất là cái đuôi nhọn dài thườn thượt. Thìn vứt vào thùng một mẩu sắn, chuột sợ hãi nép mình không dám ăn. Thìn trở lại việc tưới rau, thỉnh thoảng ghé đầu vào miệng thùng quan sát, lúc này thấy chú chuột đưa hai chân gải gải, mồm chú húc húc, nhai nhỏ từng miếng một.
 
     Sáng hôm sau, Thìn ra thùng thì thấy làm lạ, trong thùng có mấy mản vỏ đậu phụng, và ít phân chuột từ bao than để kề bên thùng. Thìn nghi ngờ có bạn bè “nhà chuột” đến tiếp tế. Thìn vứt ngay cái rổ trên miệng thùng và đậy lên một tấm thiếc, chấn gạch lên cẩn thận. Được 5, 6 hôm Thìn ra vườn giở nắp xem thấy chú chuột sút đi quá nhiều. Mảng lông mướt dàu lại để bộ sườn lộ ra, ngực thoi thóp đập liên hồi. Đôi mắt lờ đờ uể oải, hai tai và bốn chân lông đã rụng đi nhiều.
 
     Thìn lẩm bẩm: Thây kệ, giống ăn hại, để cho chết luôn!
 
     Thế rồi sau hôm nữa, con chuột bị cụt mất hơn nửa cái đuôi. Thìn băn khoăn, đã có con gì lọt vào cắn chuột? Nhưng, một cảnh tượng rùng rợn khiến Thìn bất giác rùng mình: Con chuột quay đầu lui đằng sau gặm đuôi của nó từng miếng một, mồm chắp chắp liếm máu cách thèm khát. Lòng nhân đạo hiện ra khiến Thìn phải bồi hồi. Thìn khẽ bật nghiêng thùng cho chuột bò ra. Con chuột vùng dậy, yếu ớt chạy đến bên mương nước làm một bụng đầy rồi lủi ngay vào bụi rậm.
 
*
*    *
     Hai tháng hè đã qua, Thìn theo bạn bè trở về làng tiếp tục năm học mới. Lòng cứ mãi bâng khuâng về cảnh tượng: “Con chuột đói tự cắn đuôi mình để ăn nuôi sống” cứ ám ảnh mãi trong trí. Thìn nhớ đã đọc tờ báo năm nào, có hình vẽ một vòi nước nhỏ giọt bên cạnh một hàng người, ôm thùng ngồi gục đầu đợi đến lượt. Vài tổ dân phố theo chủ trương “xóa đói giảm nghèo” tìm danh sách kẻ nghèo khổ để địa phương cứu đói. Lúc đó Thìn sực nhớ đến Bình người đồng cảnh đồng quê trước kia, hơn Thìn những 3, 4 tuổi, thất nghiệp, đang bị cơn đói hoành hành: “có lần anh thấy đói lắm, một sự đói vô cùng tận như trong đời anh chưa thấy bao giờ. Đói như cào ruột từng đoạn, làm người anh lã đi, mắt hoa lên, trông vật gì cũng mờ nhòa như lay động”.
 
     Thìn chặt lưỡi: Thật rùng rợn nếu ai lâm vào cảnh đói khát. Ông bà xưa có nói: “No thành phật thành tiên, đói thành ma thành quỉ”. Lại có câu “đói đầu gối phải bò”. Thìn tự nhủ - mấy năm ta được may mắn nhờ sự chiếu cố của Tổ chức, nhân đạo có miếng ăn thức uống và sách vở để học hành, nếu không học còn than thân thì đòi hỏi gì hơn!
 
 
Hè 2003
LÊ ĐÌNH PHẤN

Những tin cũ hơn