Mỗi dịp hè về, cô giáo Kim Anh thăm những bạn thân ở Hội An không quên dừng chân giây lát ở Điện Ngọc, một phường xã hẻo lánh, nơi đây đối với cô tiềm ẩn nhiều kỷ niệm khó quên. Mỗi khi ôn lại trong trí, bất giác cô mỉm cười như tự mình cố khơi lại những niềm vui.
Hồi ấy, 1975, Kim Anh mới 23 tuổi, sau khi học sư phạm Hồng Đức được bổ nhiệm dạy lớp 5 trường Điện Ngọc. Trước quang cảnh và nhiệm vụ mới Kim Anh vô cùng bỡ ngỡ, nhưng mãi rồi thành quen. Ngôi trường xã qua bao năm từ hậu quả chiến tranh để lại với nhiều khó khăn thiếu thốn. Mùa nắng lớp học nóng như thiêu, mùa mưa mái trường lại nhiều chỗ dột. Bàn ghế học sinh gập ghềnh, một số bàn học đã hư hỏng đến tồi tệ. Đã thế học sinh tuy cùng lớp nhưng dộ tuổi và học lực khá chênh lệch, quần áo lại thốc thếch thiếu vệ sinh. Học sinh đa số là con em nhà nông, làm thuê nghèo khó. Có điều Kim Anh vẫn yên lòng do bẩm tính thường yêu thương trẻ em. Gương mặt cô lúc nào cũng thản nhiên, có sắc thái hớn hở, vui với nghề mới. Ngày xưa lúc Kim Anh còn đi học ở một lớp lớn, nhìn các em học sinh lớp dưới với đôi mắt chứa chan tình cảm, có khi vui đùa với các em suốt buổi. Kim Anh nghĩ, nếu quan sát kỹ, sẽ thấy các em tuổi thơ thật ngộ nghĩnh đáng yêu. “Trẻ em là bông hoa của cuộc sống, đã tô điểm cho cuộc sống có ý nghĩa”. Những cảm nghĩ ấy in sâu trong lòng khiến gương mặt Kim Anh lúc nào cũng vui vẻ, yêu đời. Vốn tính siêng năng, thích lao động, những ngày chủ nhật hoặc nghĩ lễ, Kim Anh tham gia cấy mạ nhổ cỏ với nông dân địa phương. Mỗi độ nghỉ hè với chiếc nón lá trên khuôn mặt hồng sậm có duyên, áo cộc nâu, quần xăn vo đến đầu gối, lăn xăn gặt lúa như cô thôn nữ lành nghề. Thế rồi tiếp đến lại một kỷ niệm: Kim Anh vận động phụ huynh học sinh kết hợp với trường lớp mua tranh tre dựng ngôi nhà tập thể cho giáo viên bên cạnh trường. Ngôi nhà tranh 3 gian rộng rãi khá xinh, quanh năm gió lùa thoáng mát. Không đủ tiền để dựng tiếp nhà bếp, Kim Anh cùng vài cô bạn nông thôn trong giới PHHS cắt gốc rạ để đánh tranh, lợp mái, dựng phên. Mới nhìn qua ông Ngót có dáng một cụ già nhưng kỳ thật tuổi tác chỉ độ 34, 35. Người vui tính lúc nào cũng ha hả cười trước rồi mới nói, để lộ hai hàm răng cà sát đến nếu. Tóc anh rủ xuống vành tai, da mặt sậm đen. Đã thế, hai tai có xâu lỗ, sệ xuống. Miệng ngậm điếu thuốc vấn, lớn hơn ngón tay, thỉnh thoảng nhả khói vàng cuộn bay khét rẹt. Lê Ngót có con học lớp 5 do Kim Anh dạy. Đó là Lê Thai. Cậu bé thông minh lanh lợi, chạy như sóc, hay tinh nghịch leo trèo cây cao để hái quả, phá phách ổ chim. Trong túi áo lúc nào cũng có chiếc ná. Mỗi sáng vào lớp thường che dấu một chiếc hộp đầy nhóc những dế. Thỉnh thoảng những con dế kênh nhau, gáy ran ở góc lớp trong giờ học. Thai có ưu điểm học khá tiến bộ. Khi có điều sai cô rầy quở biết vâng lời. Thai có bạn thân là Trần Hớn hợp ý hợp tình bày lắm trò tinh nghịch.
Ông Ngót vốn người Kinh, xưa kia khi Ngót được 18 tuổi. Bố mất sớm, hằng ngày lên miền cao đốn củi cho mẹ bán. Ngót trốn “quân dịch” của chế độ miền Nam lúc bấy giờ, lên vùng trung du Quảng Nam, dần dà đến Đăctô, Đăclây. Tuổi trẻ ham vui, thích phiêu lưu nơi phóng khoáng, dần dần lên đến rừng sâu. Nơi đây, cảnh đẹp núi rừng dễ ngây ngất lòng người. Ngót làm quen với một vài thanh niên dân tộc rồi ở luôn trong bản. Ba bốn năm sau Ngót được kết hôn với Xì Ngưn một cô gái trong bản, sinh đứa con đầu lòng đặt tên là Y Thai. Xì Ngưn vợ Ngót bị bệnh qua đời, sau ngày giải phóng Ngót đưa con vào Quảng Nam xin vào trường Điện Ngọc.
Từ ngày đó đến nay Kim Anh trải qua 27 năm trong ngành giáo dục, qua các trường Điện Hòa, Lê Văn Tám, Đinh Bộ Lĩnh, trường Thực hành Sư phạm, cùng các nhiệm vụ cơ quan giáo dục giao phó: Bí thư tổng phụ trách xã Đoàn, chủ tịch Công Đoàn, trưởng ban Thanh tra nữ công hằng năm được nhiều thành tích xuất sắc, mãi cho đến nay dạy lớp 5 trường tiểu học Lê Lai, trường này nhiều năm liên tục đạt danh hiệu “Trường tiên tiến” với đội ngũ giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua ngày càng lớn mạnh. Tỉ lệ học sinh giỏi mỗi năm một tăng. Năm học 2001 - 2002, lớp 5 do Kim Anh chủ nhiệm có 37 học sinh giỏi ở trường, trong đó 10 em đạt giải “học sinh giỏi cấp Thành phố”.
Trước bức kính soi rộng lớn, cô giáo Kim Anh sửa soạn lên lớp, sờ soạn chiếc áo trắng dài thẳng nếp, chải lại mái tóc, ngắm nhìn mình trong gương, bất giác mỉm nụ cười. Năm nay Kim Anh đúng 50 tuổi. Xưa kia lúc còn là cô thanh nữ, mản lo cho các em trong gia đình vì cha mẹ sớm qua đời, tiếp đến mấy mươi năm với nghề dạy học, sống với trẻ thơ, hầu như Kim Anh ít khi nghĩ về bản thân; mới lập gia đình chỉ cách vài ba năm. Sau câu chuyện hàn huyên với chúng tôi Kim Anh nói: sở dĩ tôi được các em vâng lời chăm chỉ học hành trước hết do tình cảm và yêu cái đẹp thiên nhiên. Tôi trở thành giáo viên cũng đã từng sống ở nông thôn với bà con đồng ruộng thiên nhiên. Ngay từ những ngày đầu tiên vào nghề giáo, khi tôi nhận các em vào lớp tôi đã hiểu tâm hồn của các em, hiểu tính cách và hành động biểu hiện của mỗi em. Tôi truyền lại cho các em trí thức của mình, chuẩn bị cho các em bước dần vào con đường trí thức và lao động. Tôi yêu tất cả học sinh trong lớp và càng yêu mến, chú trọng những em lúc đầu bướng bỉnh, lười nhác, phá phách, về sau biết hối cải học hành theo kịp bạn.
Niềm vui và kỷ niệm êm đềm nhất là cuối năm 92, khi tôi còn đang công tác tại trường Đinh Bộ Lĩnh được tin Y Thai “cậu bé vùng cao” liếng thoắng tinh nghịch năm nào, đã thành một kỹ sư giỏi, phục vụ ở một công ty Nông Lâm, và Trần Hớn là cán bộ ngành xây dựng. Thầy trò xa cách mấy mươi năm mặc dù chưa một lần gặp lại nhưng tôi rất sung sướng khi đã nhận rõ tính cách và hành động của các em, những con người và những mảnh đất xa xưa ấy cần bồi đắp vun xới, vì từ trong đó tiềm ẩn những mầm đá ngọc còn phôi thai.
LÊ ĐÌNH PHẤN