CÂY CÓ CỘI, NƯỚC CÓ NGUỒN, CHIM CÓ TỔ, NGƯỜI CÓ TÔNG.

VÀNG DA

    
     Tâm Nhung sinh đứa con đầu lòng. Chồng đang công tác ở tỉnh xa. Bệnh xá nóng nảy, Nhung định chỉ nằm lại 4 hôm rồi về nhà kẻo thiếu người nhà đến chăm sóc. Thằng bé thật khá, đầu phủ tóc đen và mượt. Mặt đầy tròn, hai mắt riu ríu như muốn ngủ. Duy chỉ có nước da vàng. Tâm Nhung sửa soạn đưa con về nhưng mãi lo lắng: đứa bé có triệu chứng bị bệnh gan chăng?
     Về nhà được mấy hôm. Nhung cho mời bà thầy ở đường Hoàng Văn Thụ chuyên săn sóc trẻ thơ và lấy đẹn. Thầy nhìn em bé hồi lâu rồi mỉm cười: có nhiều nguyên nhân gây nên chứng vàng da nhưng không phải chứng vàng da của bé là đau gan như ta thường nghĩ. Bé mới sinh ra nước da đỏ ửng, nhưng đến vài ngày sau da hồng chuyển ra vàng. Một màu vàng như em bé hiện nay. Nhiều em trong mắt bé cũng vàng và nước tiểu cũng vàng sậm lại. Bà mẹ nào cũng sợ hãi tưởng là bé đau gan, nhưng không, thứ vàng da đó là vàng da “sinh lý”, có nghĩa là không bệnh hoạn gì cả. Tỷ lệ 4 em bé đã có 2,3 bé bị chứng vàng da.
     Tâm Nhung mừng rở hỏi:
     - Đó là sự tự nhiên hay có nguyên do gì sinh ra vàng da không?
     Bà thầy ung dung:
     - Phải có nguyên do chứ. Bé mới sinh lượng hồng cầu cao đến 7 triệu trong mỗi phân khối máu. Nhưng trong 2 ngày đầu số hồng cầu thặng dư hủy diệt đi chỉ còn khoảng 5 triệu để thích nghi với đời sống mới. Số hồng cầu hủy diệt đó lan tràn trong máu mà gan không kịp thải nên bị vàng da. Chứng vàng da sinh lý này chừng vài tuần là trị khỏi không cần phải thuốc men gì cả.
     Thầy nói thêm:
     - Cũng cần phải nói rõ: chứng vàng da của bé xuất hiện sau khi mới sinh, màu da vàng do vì viêm gan bé nóng sốt bỏ bú, bứt rứt, ngứa ngáy, mắt vàng, phân vàng, nước tiểu sậm. Nhưng bệnh viện đã phát hiện và điều trị ngay tại chỗ. Trường hợp này rất hiếm xảy ra.
 
LÊ VĨNH QUÝ

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn