Trang nhất » Ngoại ngữ » Tiếng Lào » Đất nước - Con người


Món lạp ngày Tết xứ Chăm pa

Thứ sáu - 09/10/2015 20:29
Mỗi một đất nước đều có món ăn cầu chúc may mắn và an lành trong những ngày đầu năm mới. Đến với đất nước hoa Chăm pa, món ăn truyền thống và gần gũi chính là món lạp, được so sánh với món bít tết Cerviche của người Mexico.
Lạp trong tiếng Lào có nghĩa là lộc, là may mắn. Món lạp tượng trưng cho lời cầu chúc may mắn bình an trong cuộc sống người dân Lào hiền hòa. Tết của người Lào được tổ chức vào 13-15 tháng 4 hàng năm. Trong ba ngày này người dân Lào thường mời khách đến nhà chơi ăn món lạp và buộc chỉ cổ tay, té nước.

Lạp có nhiều loại như lạp heo, lạp gà, lạp bò, lạp cá, lạp ngao…chính vì thế nguyên liệu làm món lạp cũng khá phong phú từ thịt heo, thịt bò băm nhỏ, cá…đến thịt hổ còn gọi là hổ lạp. Món lạp phải đủ ba vị chua, cay, ngọt, có thế món ăn mới đậm đà.
Cách làm món lạp cũng khá đơn giản, với lạp heo thì thịt nạc được trộn đều với tim, gan băm nhỏ và bì heo thái sợi cùng các loại gia vị như nước cốt chanh, riềng, sả, hành tây, thật nhiều ớt và trộn thêm thính gạo nếp. Cũng giống như những món ăn khác của xứ Chăm pa, món lạp không thể thiếu một chút hương vị thơm cay của thảo mộc. Vài cọng ngò gai, húng lủi để món ăn thêm thanh mát. Màu xanh của húng lủi, màu đỏ của ớt, màu nâu hồng của thịt trông món lạp thật hấp dẫn. Vị chua của chanh, dậy vị tươi ngọt của thịt, cay xè của ớt khiến những người ăn lần đầu có thể “giàn giụa nước mắt” nhưng được cân bằng lại bởi những hạt xôi nếp mềm dẻo.
Lạp thường ăn kèm với xôi, điều đặc biệt là 90% người dân Lào ăn xôi nếp trong các bữa ăn chính. Hạt nếp Lào thuôn dài, trắng trong, khi đồ lên vẫn còn giữ nguyên hình dáng và cái sắc trong lúc ban đầu. Xôi và lạp “đẩy đưa” nhau mà ngon đến lạ kỳ.
Người dân xứ Chăm pa thường quen ăn bằng tay, nên nếu được mời bạn đừng ngại ngần dùng tay vê từng nắm xôi nếp nhỏ từ chiếc trõ tre xinh xắn rồi chấm vào đĩa lạp. Vị ngọt của gạo nếp, vị cay cay chua chua của đủ loại gia vị lẫn với mùi thính nếp thơm thơm quyện lấy nhai làm món lạp thêm tinh tế.
Theo văn hóa của đất nước Lào, lạp được xem là “linh hồn” của người Lào trong năm mới. Vừa được té nước, buộc chỉ cổ tay và ăn món lạp chung vui với Tết cổ truyền của người Lào thì sẽ may mắn và sung túc trong cả năm mới.

Thu Hường



Bun Pi May - Tết cổ truyền ở Lào

Giữa tháng 4, khi gió mùa tây-nam thổi, mưa mùa sắp rơi, bắt đầu năm mới ở nhiều nước trong khu vực Ðông - Nam Á, Tết cổ truyền Bun Pi May của Lào (lễ hội năm mới) hay Lễ hội Hốt Nậm (Té nước), cầu mong nước về, cho cuộc sống sinh sôi, đâm chồi, nảy lộc.

[​IMG]


Mỗi quốc gia trên thế giới đón năm mới theo phong tục và truyền thống riêng. Ðể chào đón năm mới, mỗi nước lại có những lễ hội độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóatruyền thống của dân tộc mình. Năm mới của nhân dân các bộ tộc Lào bắt đầu từ ngày 13 đến ngày 15/4 dương lịch. Theo truyền thống cách đây hàng nghìn năm, mỗi khi Tết đến xuân về, người Lào lại tổ chức lễ hội té nước. Trong lễ hội này, người dân Lào và cả khách du lịch nước ngoài, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo đều cùng hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc của một ngày hội thực thụ.

Người Lào sống hiền lành và thiên về điều thiện. Trong ngày Tết, vui nhất là ở các chùa chiền. Người ta cho nước thơm (nước ngâm từ các loài hoa thơm) vào lọ, vào bình, vào xô, chậu... để tắm cho Phật, cho các nhà sư. Cầu mong trong năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ, đất nước thanh bình, thịnh vượng.

Tục té nước ngày Tết cổ truyền Bun Pi May của Lào còn có nét đặc trưng là trong những ngày này không kể dù lạ hay quen, dù có hay không có địa vị trong xã hội cũng đều được gia chủ tiếp đón ân cần như nhau và được thể hiện sự quý trọng bằng những "gầu" nước dội lên khắp người khi đến thăm.

[​IMG]
 
Người được té nước nhiều, áo quần ướt đẫm, càng sung sướng vì tin rằng mình sẽ gặp nhiều may mắn trong năm, đồng thời cũng như sự minh chứng là mình được nhiều người yêu mến. Ngày đầu năm, ngoài tục vẩy nước, té nước còn diễn ra nhiều trò vui, khỏe gắn với sông nước, trong đó nhộn nhịp nhất là các cuộc đua thuyền. Tỉnh nào hầu như cũng mở hội đua thuyền. Mỗi vùng đều có các loại thuyền đua đẹp khác nhau, trang trí rực rỡ và độc đáo. Nhiều nhất là thuyền rồng, có thuyền độc mộc khoét từ một thân cổ thụ quý từ trên rừng già, có thuyền sơn son thếp vàng và khảm xà cừ những hoa văn lạ mắt. Những phường bạn chèo, mặc đồng phục đủ mầu, mái chèo loang loáng... Thuyền lướt sóng trước hết là liên hoan gặp mặt hằng năm tay bắt mặt mừng của đại biểu rừng đại ngàn với dòng chảy lớn của con sông Mẹ để dân làng bày tỏ sự tri ân với các vị Thần nước, với tổ tiên đã phù hộ cho được yên ổn làm ăn phong đăng, hòa cốc.

Những người không ra xem hội đua thuyền, lại có thú đón Tết bằng trò vui khác cũng từ sông nước. Họ rủ nhau ra bờ sông, xúc những xe cát đầy chở về đắp thành những núi cát nhỏ quanh các gốc cây cổ thụ nơi sân chùa. Ðỉnh núi cát, có cờ đuôi nheo, cờ phướn bằng những dải lụa mầu sắc. Có người chăng trên đỉnh và sườn núi cát những chỉ ngũ sắc. Trẻ em chạy vòng quanh các núi cát, người lớn ngắm nhìn và trò chuyện vui vẻ bên những công trình nghệ thuật và cầu nguyện sang năm mới có nhiều điều phúc như hạt cát trên núi sẽ đến với mọi người. Nhiều gia đình trong những ngày này lại ra sông thả cá, kiểu như lễ hội phóng sinh ở cố đô Huế của ta. Ngày hội thả cá trên sông cũng tấp nập không kém các trò vui khác. Dân Lào coi việc phóng sinh cá trong ngày Tết, để ước vọng quê hương mình trù phú, trên cánh đồng lúa thơm, dưới sông nước đầy cá béo.

Nhưng có một lễ hội được đông đảo người Lào tham gia trong ngày Tết là rước nữ chúa xuân. Tập tục này có từ thời xa xưa. Nữ chúa xuân, là nàng Xẳng Khản, một trong bảy người con gái của Thần bốn mặt - vị thần có công đem những điều tốt lành cho dân Lào. Theo đó, mỗi năm trước lễ hội, người ta thi hoa hậu để tuyển bảy cô gái đẹp người, đẹp nết, làm ăn chăm chỉ và giỏi giang trong cuộc sống. Ðến giờ hoàng đạo, đoàn rước nữ chúa xuân thật tưng bừng. Một cô gái đóng chúa xuân một tay gươm, một tay cầm vòng lửa cùng sáu người em gái xiêm y rực rỡ ngồi trên xe mui trần trang hoàng lộng lẫy. Trong đoàn diễu hành, người ta mang mặt nạ Pu Nhơ và Nha Nhơ, theo truyền thuyết là người đàn ông và đàn bà đầu tiên sinh ra dân tộc Lào. Ði theo đoàn rước là một dòng người nối tiếp nhau vừa đi, vừa múa hát trong tiếng trống vang lừng. Người bên đường tươi cười té nước mát cho đoàn hội, chúc nhau những lời đẹp nhất của năm mới.

[​IMG]
 
Những năm gần đây, Bun Pi May đã mang những nội dung mới. Ðó là dịp các cơ quan, công sở họp mặt tổng kết công tác năm vừa qua và phát động đợt thi đua mới để năm tiếp theo có thêm nhiều thành tích mới. Tiếp đó, là các hoạt động vui chơi giải trí được tổ chức với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn phù hợp đặc điểm dân cư, tập quán của từng vùng. Ðối với người Lào, vui là chính, ăn uống là phụ. Ở đâu có tiếng trống nổi lên và điệu múa lăm vông làm xốn xang lòng người thi ở đó vui thâu đêm suốt sáng.

Vui từ trong nhà ra ngoài ngõ, vui làm cho đêm lăm vông như ngắn lại, nhưng dù vui đến mấy người Lào vẫn giữ được bản chất hiền hòa, lối ứng xử mềm mại và luôn coi trọng giá trị nhân bản. Chính vì vậy mà ở tất cả các cuộc vui chơi không hề xảy ra chuyện to tiếng, cãi vã hoặc ẩu đả nhau làm ảnh hưởng sự bình yên vốn có của bản làng.

Nguồn: Lenduong




Những tin mới hơn