Trang nhất » Ngoại ngữ » Tiếng Lào » Đất nước - Con người


Xứ Lào: Đất và Người

Thứ năm - 29/10/2015 20:10
Hàn Lệ Nhân

1. Giới Thiệu



Từ trước tới nay, lỡ có nhắc tới xứ Lào, người ta - trong đó có cụ Nguyễn Hiến Lê, người mà tôi vẫn trọng như thầy - thường nhăn mặt, nhíu mày cho là nơi xa xôi, khỉ ho cò gáy; dân tộc Lào là dân tộc bán khai, văn mình Lào - nếu có - cũng chẳng ra cái gì so với gần 5 ngàn năm văn hiến của tổ quốc Việt Nam!

Định kiến trên không chỉ có trong những người chưa lần ghé qua xứ Lan-Xang (đọc Lản Xảng) mà ngay cả những ngoại kiều đến tá túc, làm ăn lâu năm hay những người sinh trưởng trên đất nước nầy - trong đó có người viết - cũng có lối nhìn rất phiến diện về dân tộc đã, đang cưu mang mình và chắc chắn sẽ còn cưu mang không biết đến bao giờ.

Đặc biệt Việt Nam thường nhìn dân tộc Lào qua cặp mắt và quan niệm của người ngoại quốc hay một số rất ít tác giả Lào soạn bằng Pháp văn hay Anh ngữ, tức gián tiếp dành riêng cho một nhúm người có cơ hội biết loại ngoại ngữ phổ thông nầy. Rồi từ cái nhìn qua cặp mắt, quan niệm của người khác đó, nhúm người kia - trong đó có tác giả bài nầy - khẩu truyền sự lệch lạc đọc được vào đại chúng, gây nên ngộ nhận bất công đáng tiếc không đầu không đuôi, không nguồn không ngon.

Hôm nay, không nề kiến văn kém cỏi, hiểu biết còn đơn sơ về một đề tài rộng lớn, tôi mạo muội tổng lược thành bài nầy như một kỷ niệm riêng, hồi hướng về nơi chốn mình sinh ra và lớn lên: Xứ Lào!

Quyết định viết bằng việt ngữ, mục đích nhỏ nhoi duy nhất của tác giả là phác hoạ Đất và Người Lào cho một số người Việt chưa có cơ hội học Lào, Pháp hay Anh ngữ, vậy thôi. Cho nên, trong loạt bài nầy, những gì đúng là nhờ tài liệu và các bạn Lào cung cấp hướng dẫn, còn những gì sai sót là lỗi của cá nhân tôi chưa nắm rõ vấn đề hoặc sơ xuất. Mong nhận được niềm thông cảm và sự chỉ giáo của mọi người.

Dân tộc Lào, quí vị là ai?
Người nào biết ăn xôi, ở nhà sàn và thổi khèn, người đó chính là người Lào. (thành ngữ Lào)

Ai Lao hay Pathet Lan Xang (xứ triệu thớt voi) nằm ở trung tâm lục địa Đông Nam Á.
Diện tích hiện nay: 236.800 cây số vuông ( dài 1162 cs, rộng 478 cs.
Dân số: 6.200.000 người ( 2005 )
gồm chung 49 bộ tộc (Phầu) chính như Lào (1.800.000 người, bộ tộc chủ thể, chiếm lĩnh đồng bằng), Khà-mú (506.250 người), H'mông (360.000 người ) Phu-thay (150.000 người ), Dao, Lôlô, La-u, Ka-tu, Phuan ..., Thay đèng ( Thái đỏ ), Thay đằm ( Thái đen ), Thay kháo ( Thái trắng ) (1) ... và ngoại kiều như Tàu (21.350 người ) và Việt (89.300 người ).
Thủ đô: Vientiane (2).
Cố đô: LuangPrabang. (Unesco công nhận là di sản thế giới từ năm 1995)
Ngôn ngữ và văn tự chính thức: Tiếng và chữ Lào (3).

Tôn giáo: Phật giáo tiểu thừa (Theravada): Quốc giáo (60%); các tôn giáo khác: 40% (Linh Hồn giáo và các tín ngưỡng khác - Thiên Chúa giáo: 1,5%)
Thổ ngữ : Môn-Khmer, Miến-Tạng.
Ngoại ngữ: Anh, Pháp, Việt và Hoa.
Tiền tệ: Kịp (1 Euro = 12.600Kips ; 1 USD = 10.000Kips; 1 VND = 0.63Kip - 16/05/05)
Tài nguyên thiên nhiên: Rừng, Kẻm, Sắt, Than, Vàng, Đá quí, Thạch cao ...
Xuất khẩu: 332 tỉ/USD ; Nhập khẩu: 492 tỉ/USD (2003)
Lực lượng lao động: 2.6 triệu (2001)
Lạm phát: 7.8% (2001)
Thu nhập bình quân: 330USD/người/năm (2003)

Lãnh thổ Lào có chung biên giới với các nước lớn mạnh hơn mình như :
Đông: Việt nam (2069 cs )
Tây Bắc: Trung Hoa (505 cs ) và Miến Điện ( 236 cs)
Đông Nam: Kampuchia (435 cs),
Tây: Thái Lan (1835 cs ).

Riêng biên giới Thái-Lào dọc theo hữu ngạn sông Mêkông phía Đông Bắc xứ Thái hiện nay có 1.800 cây số là biên giới nhân tạo vô cùng oan nghiệt do thực dân Pháp-Anh toa rập cắt của Vương Quốc Lào ký ráp vào đất Thái từ tháng 5 năm 1941. Địa danh vùng biên giới nầy, gồm 16 tỉnh thành (síp hôốc chăng wặt), nơi tập trung đông đảo người Việt, và dân số các bộ tộc Lào ở đây (tục gọi là Thay I-Xán) đông gấp 3 lần (21 triệu năm 2004) tổng số dân bên mẫu quốc (6.2 triệu). Bao giờ châu trở về hợp phố đây?

Đất Lào không có ngõ ra biển, lại chưa có đường xe lửa. Một dải Trường Sơn rộng lớn từ miền Đông Bắc trải dài xuống tạo thành cột xương sống thiên nhiên kiên cố phân ranh tổ quốc Việt Nam và quê hương Lào, ngăn chống cho đất nước nầy khỏi nạn thiên tai, bão lụt hàng năm như các nước láng giềng. Tả ngạn sông Mêkông, từ Huội-Sai phía Bắc, đặc biệt từ địa phận thủ đô Vientiane xuống các thành phố đông dân như Paksane, Thakhek (Khammouane), Savannakhet, Paksé ... ôm ấp xứ Lào như cánh tay người mẹ hiền - dài 1.800 cs - , trìu mến bảo bọc đứa con nhu hoà nhưng yếu đuối - ngoài cá và điện - hàng năm mẹ " thiên vị " gom phù sa vào đồng vào ruộng của nó cho lúa nếp xanh tốt, trù phú "khậu tềm na, pà tềm nặm" (lúa đầy đồng, cá đầy sông) mà hầu như không phải đầu tắt mặt tối, do đó chưa bao giờ nơi đây phải cất tiếng than < xôi không đủ ăn, áo không đủ mặc >. Miền đất nầy là miền của gió bấc, gió nồm với 5 tháng mưa (từ tháng 5 đến tháng 9) khí hậu ảm ướt và nóng ; 7 tháng nắng (từ tháng 10 đến tháng 4) khí hậu mát, thỉnh thoảng, tùy vùng, có chút thay đổi thời tiết giữa tháng 7 và tháng 8 khi lúa đã được cấy lại.

Trước 1975, lãnh thổ Vương Quốc Ai Lao gồm 16 khoéng (tỉnh), sắp từ Bắc xuống Nam : 1. Phong Saly, 2. Houa Khong, 3. LuangPrabang, 4. Houa Phanh, 5. Xieng Khoang, 6. Sayaboury, 7. Vientiane, 8. Borikhane, 9. Khammouane, 10. Savannakhet, 11. Saravane, 12. Wapikhamthong, 13. Sédone, 14. Champassak, 15. Sithandone và 16. Attapeu. (Các địa danh nầy và ở dưới tôi cố ý để nguyên phiên âm la-tinh).

Quốc huy: Nền đỏ, ở giữa là hình voi trắng ba đầu.
Voi trắng có 3 đầu tượng trưng ba vương triều quy về một mối.

Hiện nay (2004) lãnh thổ Lào được chia thành 18 khoéng (tỉnh), sắp theo thứ tự ABC : 1. Attapeu, 2. Bokeo, 3. Bolikhamsay, 4. Champassak, 5. Houaphanh, 6. Khammouane, 7. LuangNamtha, 8. LuangPrabang, 9. Oudomsay, 10. PhongSaly, 11. Saravane, 12. Savannakhet, 13. Sékong, 14. Vientiane (ville), 15. Vientiane ( province ), 16. Saygnaboury, 17. Saysomboun, và 18. Xiêng Khoảng.

Quốc kỳ Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Lào ( CHDCND Lào ) từ 2.12.1975 :

2/4 trên và dưới màu đỏ, 2/4 giữa màu xanh dương đậm cắt ngang, trung tâm là vòng tròn trắng. Màu đỏ : tượng trưng cho máu của con dân liệt sĩ hy sinh vì độc lập ; màu xanh dương đậm : Tài nguyên đất nước ; màu trắng : Đồng thuận dân tộc.

Kích thước chính xác theo hiến pháp 15/08/1991:

Chiều dọc = 2/3 chiều ngang. Mỗi băng đỏ trên và dưới = 1/2 băng xanh dương đậm ; hình tròn trắng ở giữa = 4/5 chiều dọc băng xanh dương đậm.

Quốc huy CHDCND Lào từ 2.12.1975:

Hình nửa cái bánh xe có răng cưa và giải băng đỏ ghi "Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Lào" ; hai bên là hai bó luá chín thắt nơ đỏ có hàng chữ "Hoà Bình - Độc Lập - Dân Chủ - Thống Nhất - Thịnh Vượng" ; nơi giao đầu của hai bó luá có hình tháp That Luang , dưới là một con đường, một đồng ruộng, một cánh rừng và một đập thủy điện.

Quốc ca CHDCND Lào từ 2.12.1975:

Nguyên tác nhạc & lời của Thongdy Sounthone Vichit (1905-1968), sáng tác năm 1941, trở thàng quốc ca của Vương Quốc Lào năm 1947 ; lời mới hiện nay do Sisana Sisane (1922 - ).


Chú thích:
(1) Thái đỏ là do màu đỏ thường thấy trên vải dùng may váy (sà rông) của phụ nữ tộc nầy. Thái trắng là do màu áo chẻn, áo cộc của phụ nữ tộc nầy. Còn Thái đen là do màu áo dài của phụ nữ tộc nầy.
(2) Tên Ai Lao là do người Việt đặt ra cho nước Lào, phiên âm từ chữ Ngai-Lao của Tàu. Laos (với chữ S đằng sau ) là do người Pháp và người Ý đặt ra khi làm bản đồ Đông Dương để chỉ định địa danh nước Lào từ thế kỷ XVIII (theo Histoire du Laos của Paul Lévy dẫn từ Histoires Nouvelles et Curieuses des Royaumes de Tonkin et du Laos của P. de Marini, Paris 1666, tr. 329).

Cho tới ngày nay, khi nói tới thủ đô Vientiane, người Việt nói chung thường gọi theo phiên âm từ chữ Wentan của Tàu hay Vientiane của Tây thành thủ đô Vạn Tượng (như khi gọi Paris thành Ba Lê, Washington thành Hoa Thịnh Đốn...), gọi xứ Lào thành xứ Vạn Tượng. Xứ Lào hay Pathet Lan Xang tức Xứ Triệu Voi, vậy chữ Vạn trong Vạn Tượng ta dùng với nghĩa " nhiều lắm " như khi nói Vạn Dân, Vạn Sự, Vạn Thế ...

(3) Xứ Lào còn một ngôn ngữ và văn tự chính thức khác là Năng Sứ Thăm, xuất phát từ Phạn-ngữ, thường được sử dụng trong tăng giới; tương tự chữ Nôm có gốc từ chữ Hán.

2. Lược Sử



Lược sử xứ Lào
 
Từ xa xưa, đất Lào đã là ngã tư giao thông, chốn dừng chân, nơi lưu trú của nhiều giống dân, nhiều bộ tộc khác nhau. Giống dân hiện diện xưa nhất nơi đây,theo sử sách, là các bộ tộc mà người ta phỏng đoán và gọi chung tên là sắc tộc gốc Nam Dương, ngôn ngữ gốc Môn-khmer. Hiện nay, rải rác từ Bắc chí Nam nước Lào giống dân nầy vẫn còn mà người Lào, người Xiêm gọi chung là giống Khạ (mọi rợ) hay Lao Thơng như người Việt gọi chung các sắc tộc thiểu số trên đất Việt là người Thượng. Đã đành là " Khạ " nhưng cũng có rất nhiều giống " Khạ " : Phu Thay, Phu Theng, Khà-mú, Phuôn, Lamet, Bô, Sô, Sek, Kattang ... (1)
 
Khi người Khmer lấn chiếm toàn cõi tả và hữu ngạn lưu vực sông Mêkông, cưỡng bức xua đuổi các bộ lạc " Khạ " bồng bế nhau chạy lên các vùng núi rừng, nới rộng thêm đế quốc Khmer qua một phần rộng lớn đất Lào ngày nay trong nhiều thế kỷ : Phật giáo khởi có mặt trên đất Lào từ đó, vào khoảng thế kỷ VI - VIII.
 
Đến thế kỷ thứ XI, qua ngã Mương Then (Điện Biên Phủ) và các thung lũng vùng hà khẩu Nam U, Nam Sương, các sắc tộc Thái (tục gọi Lao Xúng) từ Vân Nam di cư xuống lưu vực sông Mêkông, giao hảo, buôn bán với đế quốc Khmer. Sau đó, trong các sắc tộc Thái đó có một giống Lào tự lập một hầu quốc (Principauté) ở ngã ba sông Khan, quốc hiệu là Mương Xua, kinh đô là Xiêng Đôồng-Xiêng Thoong (LuangPrabang ngày nay), một giống khác là Lao Phươn lập quốc miệt đồng bằng Xiêng Khoáng, cả hai thần phục và chịu ảnh hưởng văn minh đế quốc Angkor. Qua thế kỷ thứ XIV, một hoàng tử Lào (Chao) tên Fa Ngum, con út của Chao Phi Fa, khi được sinh ra (1316) đã có dị tướng : 33 cái răng, hoàng tộc cho là điềm gở, ép lưu vong qua đất Angkor từ nhỏ, năm 16 tuổi kết hôn với một vị công nương trong hoàng gia Khmer tên Nang Keo KingKanya. Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của đế quốc Angkor, hoàng tử Fa Ngum mang quân về, trước đánh chiếm các hầu quốc khác như Champassak (Nam Lào ngày nay), lần lần lên Xiêng Khoáng và cuối cùng vào năm 1353, Fa Ngum tiến quân vào kinh đô Xiêng Đôồng-Xiêng Thoong, chấm dứt triều Mương Xua. Fa Ngum lập nên Vương Quốc Lản Xảng (Vương Quốc Triệu Thớt Voi), lấy tượng Phật Prabang (đúc bằng đồng, cao 83 phân tây, nặng 434 kí-lô) đem về từ đất Angkor làm bảo vật trấn quốc và đổi tên kinh đô Xiêng Đôồng Xiêng Thoong thành đế đô Luang Prabang.
 
Quốc vương Fa Ngum là một vị vua tài giỏi, văn võ song toàn và ... độc tài : Nới rộng xứ Lản Xảng qua đất Khorat, khi chinh phạt khi chống cự triền miên với các vùng như Ayutthaya, Soukhothay (Thái Lan). Ông là người tổ chức quân đội nghiêm túc, đặc biệt đặt ra nền hành chính còn ảnh hưởng đến ngày nay, đơn cử chức quyền như Chao Mương (lãnh chúa thời đó), Chao Khoéng (tỉnh trưởng ngày nay)... Sau Fa Ngum bị hoàng triều lật đổ vào năm 1373, lập con trai trưởng ông là Oun Hươn Samsenthay lên kế vị. Vua Fa Ngum mất tại Mương Nan năm 1373 (có sách ghi ông bị phế năm 1393 và mất năm năm sau). Phật giáo hệ tiểu thừa (Theravada) bắt đầu có mặt trên đất Lào vào thời nầy, năm 1356. Theo văn kiện lịch sử Lào, Khun Bu Lôm là thánh tổ dân tộc Lào, Fa Ngum là quốc tổ Xứ Triệu Thớt Voi . (2)
 
Chao Oun Hươn chọn vương hiệu sà Samsenthay vì, năm 1376, ông là người đầu tiên làm kiểm tra dân số Lào được Ba Trăm Ngàn Dân (sám sén thay). Ông là một vị vua hiền, khôn khéo trong chính trị.
 
Samsenthay mất đi, con trai là Lan Khamđeng lên thay, xứ Lào liền bị xáo trộn, tình trạng tương tự Thập Nhị Sứ Quân ở nước ta nhưng kéo dài, dài mãi và là nguyên nhân của một nước Lào chia cắt, suy yếu cho tới ngày nay.
 
Từ năm lật đổ quốc vương Fa Ngum (1373), qua triều Samsenthay đến cuối thế kỷ XVI, quốc gia Lào trải qua nhiều biến loạn : Năm 1527 vua Phothisarat, con vua Visounnarat, vốn mộ đạo Phật, ra pháp lệnh cấm tín ngưỡng đa thần giáo (Linh Hồn Giáo - Animiste) và niềm tin vào Phí (ma quỉ) của các bộ tộc miền núi, gây xung đột dữ dội ; nội chiến giữa các vương hầu, ngoại xâm từ Miến Điện, Việt Nam, Trung Hoa. Xin nói thêm : Theo Trần Trọng Kim trong VN Sử Lược cuốn 2, trang 17 : "khi Mạc Đăng Dung làm sự thoán đoạt (cướp ngôi nhà Lê năm 1527) thì các quan cựu thần trốn tránh đi cũng nhiều. Thuở ấy có người con ông Nguyễn Hoằng Dụ tên là Nguyễn Kim hay Nguyễn Hoằng Kim làm quan Hữu Vệ Điện Tiền Tướng Quân An Thành Hầu trốn sang Lào. Vua nước ấy là Xạ Đẩu (tức Phothisarat, trị vì từ 1520 - 1547) cho đến ở xứ Sầm Châu (tức Trấn Man Phủ, Thanh Hoá). Ông Nguyễn Kim đến Sầm Châu rồi cho người đi tìm con cháu nhà Lê để đồ sự khôi phục. Đến năm Quí Tị (1532) tìm được một người con rốt vua Chiêu Tông tên là Duy Ninh, lập lên làm vua, tức là Trang Tông". Nhờ đó vua Trang Tông và Nguyễn Kim chiếm lại được Thanh Hoá, Nghệ an (1542) và đất Tây Đô vào năm 1543 ...
 
Năm 1563, vì lý do địa lý chính trị (Géo-politique) đối với các vương hầu phía Nam và để tránh sự dòm ngó đặc biệt của Miến Điện, quốc vương Setthathirat thiên đô xuống Vientiane (cách Luang Prabang 210 cs), ở vào khoảng giữa hai miền Nam và Bắc Lào, mang theo tượng Phật bằng ngọc bích Phra Keo (cao 70 phân tây), cho xây ngôi chùa (Vặt) Phra Keo để an vị tượng Phật đó, đồng thời dựng đại tháp That Luang (ngày nay) lưu giữ xá lợi là Một Sợi Tóc (hay một đốt xương?) của Đức Phật. Vua Setthathirat băng hà trong một cuộc thân chinh dẹp loạn "Khạ" ở phía Nam (1571), mở đầu thời kỳ hổn quan, hổn quân rồi vô chính phủ của nước Lào mãi đến tiền bán thế kỷ XVII mới được tái lập sự ổn định dưới triều vua Sourigna Vongsa (vua mặt trời).
 
Sourigna Vongsa là một đại vương của nước Lào. Ông là vị vua hiền, trị vì hơn 50 năm ( 1637 - 1694), trên phương diện đối nội ông là người có công lớn trong việc thống nhất và giữ được sự ổn định trong nước Lản Xảng lâu nhất ; phần đối ngoại ông là người mở đầu sự giao hảo với Âu Châu : Người Hoà Lan đầu tiên đến xứ Lản Xảng, năm 1641, là ông Gerrit Van Wusthof, sứ thần của toàn quyền thuộc địa quần đảo Nam Dương (Java, thuộc Hà Lan). Dưới triều đại ông, Vientiane là trung tâm Phật giáo nơi sư sải các nước Khmer, Phù Nam hay Xiêm (Thái Lan) đến tu học. Cũng chính ông là người đã ký kết với Việt Nam (3) một hiệp ước phân định dân số như sau : Gia đình nào ở nhà sàn, có mái hiên sẽ được coi như là thần dân của Vientiane ; gia đình nào ở nhà trệt, không có hiên sẽ thuộc Việt Nam (thời Trịnh - Nguyễn phân tranh).
 
Qua thời bình trị của triều Sourigna Vongsa (mất năm 1694), nước Lào lại bị chia ra làm ba vương triều : Luang Prabang, Vientiane và Champassak, cọng thêm loạn lạc, tranh đất giành dân vô cùng ta thán mà Việt Nam ta dưới thời các Chúa Nguyễn can dự không ít : Miến Điện dưới triều vua Alompra xâm lấn, cướp phá LuangPrabang năm 1753. Năm 1771, Vientiane bị LuangPrabang (với hậu thuẩn của Xiêm La) khởi binh đánh úp, phải cầu viện với Miến Điện : LuangPrabang thêm một lần nữa bị Miến Điện tàn phá. Năm 1778, quân Xiêm qua bạo chiếm, tàn phá Vientiane, áp đặt triều đình Vientiane dưới sự điều hành trực tiếp của họ trong 4 năm. Vào thời kỳ nầy Xiêm bắt một số người Lào và đã cướp đoạt nhiều bảo vật, trong đó có tượng Phật Phrakeo của Lào mang vể nước. Ngày nay bức tượng bằng ngọc bích nầy là vưu vật trấn quốc của Thái Lan. Nghe nói để bức tượng khỏi bay trở lại Lào, người Thái đã yếm vị tượng bằng dây xích vàng ròng trong ngôi chùa ở Bangkok cũng mang tên là Wat Phrakeo. Triều đình Xiêm La còn nhiều lần trực tiếp qua xâm lấn, đánh cướp nước Lào mãi cho đến thời thực dân da trắng chính thức đặt chân lên Đông Nam Á từ thế kỷ XIX, họ mới dùng mưu mô thủ đoạn chính trị để chiếm đất cướp dân của Lào vào năm 1941.
 
Còn tiếp
Kỳ tới: Xứ Lào và thực dân Pháp
 
Chú thích:
 
(1) Tháng 8 năm 2000, Ủy Ban Các Bộ Tộc thuộc Quốc Hội Lào (La Commission des Ethnies de l'Assemblée Nationale Lao) đã tạm tổng kết được 49 bộ tộc chính, chia thành 4 nhóm căn cứ theo nhân chủng ngôn ngữ học:
 
A/ Nhóm Lào-Thái gồm 8 bộ tộc : 1. Lào, 2. Phuthay, 3. Thái, 4. Lự, 5. Nhuôn, 6. Dung, 7. Sek và 8. Thay neua (Thái miền Bắc).
 
B/ Nhóm Môn-khmer gồm 31 bộ tộc : 1. Kh'mu, 2. Pray, 3. Sing-mu, 4. Khóm, 5. Then, 6. I-đu, 7. Bi, 8. La-mệc, 9. Sam-tao, 10. Ka-tang, 11. Ma-kong, 12. Try, 13. Triêng, 14. Tà-oi, 15. Yê, 16. Brao, 17. Ha-rắc, 18. Ka-tou, 19. Oi, 20. Kriêng, 21. Gia-ru, 22. Ye, 23. Suai, 24. Nha-hươn, 25. La-vy, 26. Kạp-ke, 27. Khmer, 28. Tum, 29. Nguồn, 30. Mươn và 31. Kri.
 
C/ Nhóm Hoa-Tạng gồm 8 bộ tộc : 1. A-kha, 2. Sing, 3. Sa-li, 4. La-u, 5. Si-la, 6. A-di, 7. Lôlô, và 8. O.
 
D/ Nhóm H'mông-Miêng gồm 2 bộ tộc : 1. Hmông (Miêu) và 2. Miêng (Dao)
 
49 bộ tộc nầy lại được phân thành ba nhóm theo địa dư cư trú: 1. Lao Lùm ( người Lào vùng đồng bằng) , 2. Lao Thơng ( người Lào vùng cao nguyên ) , và 3. Lao Xúng ( người Lào vùng cao (núi).
 
Người Việt bên Lào sinh sống chủ yếu ở các tỉnh lớn như Vientiane, Savannakhet, Paksé ... Người Việt chưa nhập Lào tịch, năm 2004, gồm có 89.300 người, đứng thứ mười theo bảng sắp hạng nhóm người hiện diện nơi đây :
 
1.Lào: 1.800.000 người , 2. Kh'mou: 506.250 người , 3. H'mông Dao: 191.000 người , 4. H'mông Njua: 163.800 người , 5. Phu Thay: 150.400 người , 6. Lự: 134.100 người , 7. Phuôn: 112.800 người , 8. Ka-tang: 107.350 người , 9. Mangkoong: 103.860 người và 10. Việt: 89.300 người.
 
Sau 1975, người Việt (cũ) nhập quốc tịch Lào rất đông nhưng cho tới nay chưa có bản thống kê chính thức nào về việc nầy. (đón đọc "Người Việt Trên Đất Lào")
 
Người Tàu được sắp thứ 24 với 21.350 người.
 
 
(2) Thời học trung học Pháp, Lycée de Savannakhet, hầu hết học sinh người việt hay gốc việt chỉ chọn tiếng Anh làm sinh ngữ. Tôi là một trong vài bạn học người việt chịu thương, chịu khó học thêm chương trình Lào. Chương trình lịch sử Lào, lược từ sách Phongsavadan Lao của Maha Sila Viravong, được bắt đầu từ thời Chao Fa Ngum trở về sau. Phần Thánh Tổ Khun Bu Lôm chỉ được phớt nhẹ qua. Sau nầy truy cứu tôi mới hiểu tại sao : Trước, Bộ Quốc Gia Giáo Dục VQ Lào và nay, CHDCND Lào, chưa thống nhất được huyền sử nước Lào vì ít ra cũng có tới 5 ấn bản khác nhau về lịch sử tiền Fa Ngum. Nithan Khun Bu Lôm là một huyền sử của Lào tương tự huyền thoại Con Rồng Cháu Tiên của người việt nam.
 
Đề nghị bạn đọc nên xem thêm cuốn "Les origines du Laos" của ông Võ Thu Tịnh, nghiên cứu lịch sử Lào từ khởi thủy cho đến thời Fa Ngum đăng quang, sách hiện có bán tại nhà sách Sud Est Asie, Paris 5 ; hay tham khảo cuốn "Histoires du Laos Français" của Paul Le Boulanger tại thư viện của bảo tàng Guimet, 6 Place d' Iéna, Paris 16.
 
(3) Theo Le Viet Nam của ông Lê Thành Khôi dẫn từ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì xứ Lào bắt đầu đi lại, can qua với Việt Nam từ thế kỷ XIV, thời vua Trần Minh Tông ; theo Việt Nam Sử Lược của ông Trần Trọng Kim thì sớm hơn chút, từ thời vua Lý Thái Tông, 1028 - 1054. Còn theo sử Trung Hoa thì lâu hơn nhiều : Từ thời Mai Hắc Đế, năm 722 d.l. nhằm nhà Đường (618 - 907).

3. Thời Pháp Bảo Hộ



Xứ Lào và thực dân Pháp

Việc Pháp đặt nền bảo hộ lên dân tộc Lào khởi nguồn từ năm 1887, sau khi Pháp, qua trung gian của một phó lãnh sự Pháp tại Luang Prabang tên Auguste Pavie, giúp vua Lào là Un Kham (mất năm 1895) dẹp được loạn Cờ Đen (gốc Tàu) trên đất Lào. Rồi nhân trước sự nhiễu nhương của Xiêm La trên đất Lào, Pháp trực tiếp can thiệp chớp nhoáng bằng võ lực, chiếm toàn vùng tả ngạn sông Mêkông từ Paksane đến Khône, Lao Bảo-Mương Phin, Vinh-Thakhek ; xong còn buộc Xiêm La ký hiệp ước 03/10/1893, nhường cho Pháp mọi quyền lợi trên toàn lãnh địa thuộc tả ngạn Mêkông, tiếp theo là 2 lãnh địa Bassac (Champassak) và Paklay ( thuộc U-bôn, Thái Lan ngày nay) bên hữu ngạn vào năm 1902 và 1904 với toàn thể dân Lào ở đó. Từ đó xứ Lào không còn là một thực thể chính trị, ngoài vương triều Luang Prabang khả dĩ còn được phép giữ bề ngoài một quốc gia ... được bảo hộ, các triều khác như Vientiane, Champassak đều bị giải thể, tập trung thành hai vùng: Trung và Hạ Lào, chia thành 10 tỉnh thuộc Liên Bang Đông Dương. Các ông Hoàng, bà Chúa Lào cũ nơi nầy vẫn còn được hưởng vài đặc ân, đặc quyền nhưng tựu trung toàn cõi xứ Lào từ nay là thuộc địa của Pháp, do Pháp tái lập hoà bình, giữ trật tự và áp đặt luật lệ trong nhiều thập kỷ.

Trên danh nghĩa Pháp bảo hộ nước Lào như Anh bảo hộ Em. Nhưng thực chất Pháp " khai hoá " nước Lào, ngoài vấn đề trục lợi, với quan niệm dân chủ của " người chăn chiên ( Pháp) và con chiên (Lào) ", hơn nữa lại chê dân được mình bảo hộ là chậm chạp, thờ ơ ( có lẽ do chưa hiểu bản chất " xừ xừ " - tỉnh bơ, thản nhiên - của họ) nên hầu như chỉ dùng người Việt trong hành chính cũng như trong thương trường. Trong số những người Lào được Pháp đào tạo có 3 anh em hoàng tộc cùng cha khác mẹ là Phetsarat, Souvanna Phouma và Souphanouvong. Hai ông sau đều đậu bằng kỹ sư tại Paris. Hai anh em kỹ sư nầy sẽ lưu danh thiên cổ trong việc tích cực đóng mỗi người một vai chính trong vở bi-hài-đại-thảm kịch Đông Dương nói chung, xứ Lào nói riêng, do ngoại bang (có cả Việt Nam) dựng tuồng, phân vai, hoá trang và đạo diễn.

Tháng 6 năm 1940, Đức Quốc Xã chiếm Paris. Lợi dụng tình cảnh tang gia bối rối nầy, Xiêm La - từ nay gọi là Thái Lan - gây hấn với Lào của Pháp, đến tháng 5 năm 1941, dưới áp lực của Phát-xít Nhật, chính phủ Vichy (Pháp) đã phải nhượng lại cho Thái 2 vùng Champassak và Paklay (của Lào) mà họ đã đoạt từ tay Thái năm 1902-1904. Và để TRỪ sự bất lực nầy, chính phủ Vichy qua trung gian của toàn quyền Decoux, BÙ cho vương triều Luang Prabang 3 tỉnh thượng-Mêkông, Xiêng Khoáng và Vientiane. Hoàng thân Phetsarat liền tự giải thể nền quân chủ tại Vientiane, trở thành thủ tướng. Đến ngày 8 tháng 4 năm 1945, Phát-xít Nhật đảo chính xong toàn quyền Pháp tại Đông Dương, ép vua Sisavang Vong tuyên bố vương triều Luang Prabang độc lập. Sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, Phetsarat tuyên bố Vientiane độc lập: 01/09/1945. Hai tuần sau ông kêu gọi Luang Prabang và 4 tỉnh miền nam Lào hãy thống nhất đất nước. Một chính phủ lâm thời quốc gia Lào ra đời ngày 02/10/1945: Pathet Lao. Chính phủ Pathet Lao tuyên bố hũy bỏ mọi ký ước giữa Lào và Pháp, do đó gây sự tranh chấp với vua Sisavang Vong. Trước đó đúng một tháng ( 02/09/1945), ở Hà Nội, Hồ Chí Minh đã tuyên bố Cộng Hoà Dân Chủ Việt Nam độc lập. Pathet Lao và CHDC Việt Nam đồng ký Hiệp Ước Hữu Nghị và Quốc Phòng chung. Souphanouvong, bấy giờ với quyền bộ trưởng quốc phòng, cổ xúy một Liên Minh Quân Sự với CHDC Việt Nam. Trong khi đó, Pháp tổ chức nhiều đơn vị du kích với sự đồng mưu của hoàng thân Boun Oum (1911-1980), vua lãnh địa Champassak, tái chiếm lần lần các tỉnh ven Mêkông như Savannakhet (10/03/46), Thakhek và Vientiane (24/04/46) rồi Luang Prabang (13/05/46), đẩy chính phủ Phetsarat lưu vong sang Bangkok, bắt giam vua Sisavang Vong.

Ngày 27/08/1946, Pháp thả vua Sisavang Vong, đồng thời ký một Thoả Hiệp Án tục gọi Modus Vivendi, chấp thuận cho Lào quyền nội trị trong Liên Bang Đông Dương và trong Liên Hiệp Pháp. Nước Lào lại được thống nhất dưới quyền vương triều Luang Prabang trong khi chờ đợi Hội Nghị 15/12/1946 và 11/05/1947 biểu quyết thành lập chính thể Quân Chủ Lập Hiến Đại nghị Lào.

Vì không thuyết phục được chính phủ lưu vong Phetsarat ở Bangkok liên minh với CHDC Việt Nam, tháng 9 năm 1947, hoàng thân Souphanouvong bèn theo Hồ Chí Minh chống Pháp với sự ủng hộ của dân thiểu số và một số nông dân thợ thuyền Lào bị Pháp bóc lột.

Danh hiệu Ông Hoàng Đỏ bắt đầu gắn liền với sự nghiệp của hoàng thân Souphanouvong từ đó.

Ngày 19/07/1949 thủ tướng Boun Oum (1911-1980) ký với Pháp một giao ước cho Lào thành một quốc gia độc lập, có quân đội và nền ngoại giao đặc thù, bù lại quốc gia Lào vẫn nằm trong Liên Hiệp Pháp. Trước kết quả xét khả quan nầy, chính phủ lưu vong Lào tại Bangkok bèn tự giải tán, một phần lớn thành viên trong chính phủ nầy theo hoàng thân Souvanna Phouma về Vientiane, nhập vào chính phủ hoàng gia. Năm 1951, Souvanna Phouma thành thủ tướng Nội Các Liên Hiệp Lào. Hoàng thân Phetsarat ở lại Bangkok cho tới năm 1957 mới trở về Vientiane.

Phần ông Souphanouvong, năm 1950 thành lập Mặt Trận Thống Nhất Lào Tự Do ( Neo Lao Issara) ở miền Đông Bắc Lào, bản doanh đặt tại Sầm Nứa và tự tái lập chính phủ lưu vong Pathet Lao do ông làm chủ tịch, ông Phoumi Vongvichit làm thủ tướng và ông Kaysone Phomvihane làm bộ trưởng quốc phòng. Chính phủ ông chủ trương tranh đấu cho một nước Lào hoàn toàn độc lập với một nội các liên hiệp, chống lại chính phủ của ông anh là Souvanna Phouma mà theo ông là bù nhìn hết thời thực dân Pháp, qua thời đế quốc Mỹ, mở màn cho vở bi-hài-kịch kéo dài 25 năm. Đến năm 1953 Neo Lao Issara đã kiểm soát được toàn vùng Sầm Nứa, Xiêng Khoáng, Phong Saly, bắc Luang Prabang và một phần lớn cao nguyên Boloven ở phía Nam.

Trận Điện Biên Phủ chấm dứt họa thực dân, Hiệp Định Genève năm 1954 chia đôi đất nước Việt Nam: 20/07/1954. Liên Sô, Trung Công và CHDC Việt Nam tuyên bố công nhận nước Lào độc lập với một nội các hoàng gia với điều kiện Lào chịu đứng trung lập trên mặt quân sự và phối hợp chính trị đối ngoại và đối nội với Pathet Lao của Souphanouvong. Thoả thuận được ký ngày 21/07/1954. Thực chất của cuộc thoả thuận nầy chỉ là một thứ hoản binh, manh mún chuẩn bị những trò hiểm độc hơn của đôi bên, từ nay sẽ là Phe Hữu và Phe tả. Trong phe hữu lại chia ra hai: Hữu bảo thủ, đại diện bởi hai ông Phoui Sananikone và Katay Sasorith, được Mỹ bao che nên mạnh nhất, phủ nhận sự trung lập quân sự của Lào và muốn ôm trọn quyền hành. Hữu ôn hoà có ông Souvanna Phouma. Tả Pathet cũng có hai ba thứ ( thân Việt Cộng, thân Liên Xô, thân Trung Cộng ...) song vì quyền lợi chung, năm 1956, chịu tụ lại dưới danh xưng Neo Lao Haksat ( Mặt Trận LàoYêu Nước). Cuộc cù cưa kéo dài đến tháng 7 năm 1958 thì phe hữu bảo thủ buộc Souvanna Phouma từ chức, hai ông Phoui Sananikone và Phoumi Nosavan lên nắm quyền, chấm dứt ngay chính thể trung lập cũng như dẹp tức khắc sự liên hiệp chính trị với phe Neo Lao Haksat (Dân Tộc Lào Yêu Nước) bắt tay với Sàigòn và Washington. Neo Lao Haksat rút về bản doanh ở Đông Bắc nuớc Lào. Cuộc tương tàn bộc phát từ đó.

Chương tiếp: Xứ Lào và Chủ Nghĩa Xã Hội

Tiểu sử ba anh em hoàng tộc:

1/ Hoàng thân Rattanavongsa Phetsarath (1890-1959):

Sinh ngày 19/01/1890 tại LuangPrabang, cha mẹ là Chao BounKhôông và Chao Thongdy. Trước học trường thuộc địa, sau học trung học Louis Le Grand (Paris). 1905-1913, lưu học tại Oxford, Anh quốc. Trở về Lào làm tùy viên phủ toàn quyền Pháp (1913-1931), sau làm thanh tra chính trị và hành chánh toàn Đông Dương ( 1931-1941). Là nhân vật thứ 5 trong hoàng tộc, tước Maha Ouparat hay phó vương từ 1931. Thủ lĩnh phong trào độc lập Lao Issara từ 1946 đến 1949. Khi chính phủ Lao Issara bị giải thể, hoàng thân (HT) Phetsarath ở lại Thái Lan và chỉ hồi hương vào năm 1957. Người vợ đầu của HT Phetsarath là công nương Khamvène, chị cả của vua Sisavang Vong ; sau, thời gian lưu vong tại Bangkok, ông cưới thêm một công nương người Thái. HT Phetsarath là một nhà trí thức dân tộc chủ nghĩa, khước từ mọi thoả hiệp với thực dân Pháp cũng như với Việt Minh, do đó từ 1945, thực dân Pháp không bao giờ liên lạc với ông. HT Phetsarath mất ngày 14/10/1959 tại LuangPrabang, thọ 69 tuổi.

2/ Hoàng thân Souvanna Phouma (1901-1984):

Sinh ngày 07/10/1901 tại LuangPrabang, là em cùng cha cùng mẹ với hoàng thân (HT) Phetsarath, và là anh cùng cha khác mẹ của HT Souphanouvong. Lãnh đạo khuynh hướng trung lập. HT Souvanna Phouma theo học tại Grenoble ( Pháp), đậu bằng kỹ sư công chánh và điện khí kỹ thuật, có vợ người Pháp. Hồi hương năm 1931, làm việc trong sở công chánh ( 1931), trưởng phòng kiến trúc tại LuangPrabang ( 1940), giám đốc sở công chánh tại Vientiane dưới thời Nhật chiếm đóng VQ Lào. Bộ trưởng trong nội các Lao Issara năm 1945, lưu vong qua Thái Lan từ 1946 đến 1949. Ông là người đứng ra điều đình với thực dân Pháp cho các thành viên trong Lao Issara được trở về Lào và giải tán chính phủ lưu vong. Đại sứ Lào tại Paris từ 1951 đến 1956. Thủ tướng chính phủ liên hiệp hai thành phần từ 1957, gián đọan cho tới cuộc đảo chánh của đại úy Kong Le năm 1960. Nhiều lần làm thủ tướng trong chính phủ liên hiệp ba thành phần từ 1964 đến 1975. Từ 1975 đến 1981, HT Souvanna Phouma làm " cố vấn " cho tân chính quyền CHDCND Lào. Người ta nhận định ông là người thân Pháp và có cá tánh quá hoà giải, thoả hiệp. Ông mất ngày 10/01/1984, thọ 83 tuổi.

3/ Hoàng thân Souphanouvong (1909-1995):

Phó vương Chao Ouparat Bounkhôông, cha của hoàng thân (HT) Souphanouvong, có tất cả 11 bà vợ, được 11 người con trai ( Phetsarath và Souvanna Phouma) và 13 cô con gái. Mẹ HT Souphanouvong tên Kham Ouane, người dân thường. HT Souphanouvong nổi tiếng học giỏi và chơi thể thao, ông học trung học đệ nhị cấp tại Lycée Albert Sarraut, Hà Nội, rồi Lycée Saint Louis tại Paris trước khi theo học đại học cầu cống năm 1934. Đậu bằng kỹ sư và được bổ nhiệm về làm việc tại Nha Trang năm 1937, nơi đây, ông đã gia nhập đảng cộng sản Đông Dương và quen biết vị hôn phối tương lai: bà Nguyễn Thị Kỳ Nam, một phóng viên báo chí. Sau hôn lễ với HT Souphanouvong năm 1938, bà Kỳ Nam có tên lào Viêng Kham Souphanouvong. Suốt đệ nhị thế chiến HT Souphanouvong sinh sống tại thành phố Vinh, có nhiều liên lạc với các lãnh đạo cách mạng VN. Ông làm bộ trưởng ngoại giao và tổng tư lệnh quân lực chính phủ Lao Issara được thành lập năm 1945. Năm 1946, khi thực dân Pháp quay trở lại Đông Dương, ông tổ chức kháng chiến tại Thakhek. HT Souphanouvong là một nhà cách mạng liêm chính và kiên cường, nổi danh Ông Hoàng Đỏ trên chính trường quốc tế. Sau 1975, ông nắm quyền chủ tịch nước CHDCND Lào đến 1986 thì " từ chức vì lý do sức khoẻ ". Ông mất tại Vientiane ngày 09/01/1995, thọ 86 tuổi. Sự nghiệp và công tội của ông, con dân xứ Lào sẽ định giải sau này, trong nhất thời, ta có thể tạm ví:

Dã tràng xe cát biển Đông,
Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì.

4. Xứ Lào Và Xã Hội Chủ Nghĩa



Quốc vương Sisavang Vong băng hà năm 1959. Đông Cung Thái Tử Sisavang Vatthana lên kế vị. Nội các Sananikone - Nosavan chủ trương nền chính trị bài cộng triệt để, công khai chống Bắc Việt. Ngày 9 tháng 8 năm 1960, đại úy Kong Le đuợc sự hậu thuẩn của quân đội trung lập làm một cuộc đảo chánh chớp nhoáng, trả quyền thủ tướng lại cho Souvanna Phouma, kỳ vọng vào ông nầy để giải trừ cuộc chiến dân sự. Nhưng phe hữu bảo thủ yểm trợ bởi Thái Lan và Hoa Kỳ, đưa quân từ Savannakhet về chiếm Vientiane, lập chính phủ Boun Oum nhằm tháng 12 cùng năm. Trong lúc đó chính phủ Souvanna Phouma lại được Neo Lao Haksat, Pháp, Anh, Liên Xô, Trung Cộng, Bắc Việt và nhiều quốc gia khác ủng hộ. Qua năm 1961 / 1962, dưới áp lực quốc tế tại Vienne ( thực chất là hiệp ước Nga - Mỹ), buộc Lào tái lập chính phủ trung lập trong thế chân vạc: Souvanna Phouma - Souphanouvong - Boun Oum. Thế chân vạc đứng chẳng được bao tháng thì lại bị phe hữu lật nhào ngày 19/04/1964, dẹp hết mọi thương thuyết, chủ ý loại phe tả cho rộng đường trở lại chính thể chống cộng và chống Bắc Việt Nam. Lần nầy Mỹ trực tiếp nhúng tay vào với dụng ý dùng Lào làm áp lực với Hà Nội, đồng thời diệt Mặt Trận Yêu Nước Lào vì cái " tội " đã bảo vệ đường mòn Hồ Chí Minh cho Hà Nội tiếp vận quân Bắc Việt trong Nam Việt Nam. Trong cảnh ngộ khó khăn nầy, phe trung lập của Souvanna Phouma yếu dần lại chia rẽ nên một số đã ngã theo Neo Lao, một số khác ngã theo phe hoàng gia tức phe hữu bảo thủ. Từ đây cuộc chiến quốc-cộng và kết quả bi thảm của nó tại Việt Nam, qua sự lèo lái của bộ ba Nga-Tàu-Mỹ, dù muốn dù không, cũng dính liền với cuộc tương tàn tại Lào, đặc biệt chiến dịch Hạ Lào hay Lam Sơn 719 (tháng 2 và 3 năm 1971) của Mỹ và Việt Nam Cộng Hoà.

Hiệp định Paris về vấn đề Viêt Nam ngày 27/01/1973 ảnh hưởng tức thời đến tình hình Lào: Ngày 12/02/1973 một thoả thuận đình chiến tại chỗ giữa các phe đã được ký kết, chấm dứt cuộc oanh tạc của Mỹ trên đường mòn Hồ Chí Minh, mọi lực lượng quân sự ngoại quốc phải rời khỏi đất Lào... đưa đến việc tái lập, một lẩn nữa, chính phủ liên hiệp và cùng lúc lập một Hội Đồng Chính Trị Tư Nghị Quốc Gia (Conseil Politique Nationale Consultatif, tương tự một Quốc Hội lâm thời) ngày 14/09/1973. Ngày 03/04/1974, hoàng thân Souphanouvong trở về Vientiane đảm nhiệm quyền chủ tịch Hội Đồng Chính Trị Quốc Gia (Conseil National Politique). Ngày 05/04/1974, hoàng thân Souvanna Phouma lập một " chính phủ lâm thời thống nhất quốc gia." Hoà Bình có vẻ đã được vãn hồi ... nhưng hỡi ôi! Tất cả những gì nhân dân Lào thấy tận mắt, nghe tận tai như Hội Đồng nầy, Chính Phủ nọ đều chỉ là thủ thuật từng giai đoạn của Pathet Lao, mặt sáng của Đảng Cách Mạng Nhân Dân Lào tức Đảng Cộng Sản Lào, được thành lập từ năm ... 1955, và tổng bí thư không phải hoàng thân Souphanouvong mà là Kaysone Phomvihane ! Sự thật nầy giống hệt sự thật Mặt Trận Giải Phóng Miền năm sau 30/04/1975 ở Việt Nam Tuy nhiên, Lào là nước duy nhất trong ba nước Đông Dương " được " giải phóng bằng chính trị.

Cuộc giải phóng nước Lào tuy không đẩm máu như cuộc giải phóng ở Việt Nam và Kampuchia nhưng cũng tạo nên nhiều hổn loạn tâm lý cho phe hữu trong chính quyền, các viên chức trong quân đội trung lập ... thậm chí gần nửa triệu người từ Lào (1) đến phải bỏ của chạy lấy người bằng cách qua sông xin tị nạn chính trị trên đất Thái, rồi rải rác khắp thế giới. Cộng đồng người Lào hải ngoại thành hình từ đó.

Phong trào bỏ xứ Lào ra đi chỉ hoàn toàn ngưng từ 1989, sau khi chính phủ Lào hũy bỏ chính sách hợp tác xã, bao cấp ..., mở cửa và theo gương Việt Nam, áp dụng mô hình kinh tế tư nhân, kinh tế thị trường nhưng vẫn độc quyền chính trị.

Khống chế toàn xứ Lào bằng chính trị rồi, ngày 29/11/1975, ĐCS của Kaysone Phomvihane buộc quốc vương Sisavang Vatthana thoái vị ở Luang Prabang. Ngày 1 và 2 tháng 12 năm 1975, qua màn kịch mệnh danh Đại Hội Quốc Gia bất thường, họ biểu quyết hũy bỏ nền quân chủ Lào và tuyên bố thành lập Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Lào do Souphanouvong (1909-1995) làm " chủ tịch " và cựu vương Sisavang Vatthana làm " cố vấn tối cao " (2) ; chính phủ lâm thời thống nhất quốc gia " tự động từ chức ", thay vào đó là một chính phủ cách mạng do Kaysone Phomvihane (1920-1992) làm thủ tướng với " cố vấn " Souvanna Phouma (1901-1984), đặc biệt với sự " giúp đỡ tận tình và toàn diện " của quốc gia XHCN Việt Nam, tình ngoài là đồng chí, tình trong là " người chăn chiên và con chiên ". Từ 1975 đến 1988, XHCN Việt Nam đưa qua và rút về 55 ngàn quân đóng trên đất Lào. Từ 1976 đến 1988 Lào và Thái 2 lần đụng độ đẫm máu vì vấn đề biên giới (1893?, 1941?): 1981 và 1988.

Hệ thống chính trị nước CHDCND Lào:

Đảng Cách Mạng Nhân Dân Lào là chính đảng duy nhất. Người đứng đầu nhà nước là Chủ tịch nước được Quốc hội cử ra có nhiệm kỳ 5 năm. Đứng đầu chính phủ là Thủ tướng. Chính phủ được Chủ tịch nước đề cử và Quốc hội thông qua. Đường lối chính sách của chính phủ do Đảng lãnh đạo thông qua 9 ủy viên Bộ chính trị và 49 ủy viên Trung ương đảng. Các quyết sách quan trọng của chính phủ được " biểu quyết " bởi Hội đồng bộ trưởng.

Lào thông qua hiến pháp mới năm 1991. Trong năm sau đó đã diễn ra bầu cử Quốc hội với 85 đại biểu. Các thành viên quốc hội được " bầu bằng bỏ phiếu kín". Quốc hội do cuộc bầu cử năm 1997 tăng lên thành 99 đại biểu đã thông qua các đạo luật mới mặc dù cơ quan hành pháp vẫn giữ quyền phát hành các sắc lệnh liên quan. Cuộc bầu cử gần đây nhất diễn ra tháng 2 năm 2002 với 109 đại biểu.

* Hoàng thân Souphanouvong làm chủ tịch nước CHDCND Lào đến năm 1986 thì " từ chức vì lý do sức khoẻ ", Phoumi Vongvichit (1909-1992) lên thay.

* Kaysone Phomvihane đắc cử chủ tịch nước từ tháng 8/1991, nhường quyền thủ tướng cho cựu bộ trưởng quốc phòng là tướng Khamtay Siphandone ( 1924 - ), với câu nói để đời trong bài diễn văn nhậm chức : Chủ nghĩa xã hội vẫn là mục tiêu của chúng ta, nhưng là một mục tiêu rất xa vời ".

Hơn một năm sau, Kaysone Phomvihane qua đời, nhằm ngày 21/11/1992.

* Nouhak Phoumsavanh lên thế từ 25/11/1992 đến 1998.

* Tướng Khamtay Siphandone lên nắm quyền lãnh đạo CHDCND Lào từ 1998 cho đến ngày nay (2005).

Nền chính trị trên xứ Lào, sau 1975 cho đến nay, ta có thể hình dung như bản sao hay cái bóng của nền chính trị XHCN Việt Nam : Mở cửa kinh tế nhưng độc quyền chính trị, và hàng năm vẫn được các cơ quan bảo vệ quyền làm người trên thế giới cẩn thận ghi tên lại trong danh sách các quốc gia vi phạm nhân quyền, dân chủ và tự do ngôn luận.

Tiểu sử vài yếu nhân trong ĐCS Lào:

1/ Kaysone Phomvihane (1920-1992):

Sinh ngày 13/12/1920 tại làng NaSêng (Savannakhet), cha tên Louan (Luôn) làm công chức, mẹ tên Đốc làm nghề nông ( theo sách Kaysone Phomvihane : Lục Khoóng Passasôn = Kaysone Phomvihane: Con của Nhân Dân, trang 16 – VT, 1991 ). Từng học luật tại Hà Nội. Ông Kaysone Phomvihane là một trong những lãnh tụ cách mạng lịch sử của Lào:

- Sáng lập viên kiêm Tổng Bí Thư ĐCS Lào từ 1955.
- Sáng lập viên kiêm Tổng Tư Lệnh quân đội nhân dân giải phóng Lào từ 1954 - 1958.
- Thủ tướng CHDCND Lào: 1975-1991.
- Chủ tịch nước CHDCND Lào: 1991-1992

Ông mất tại Vientiane, ngày 21/11/1992, nắm quyền chủ tịch nước vỏn vẹn được hơn một năm, thọ 72 tuổi. Sau khi ông mất, tượng đài ông được tôn tạo khắp xứ Lào.

2/ Phoumi Vongvichit (1909-1994):

Phoumi Vongvichit là lãnh tụ cách mạng Lào vùng Xiêng Khoáng. Sinh ngày 06/04/1909 tại Xiêng Khoáng, cha làm công chức thời Pháp thuộc. Làm tỉnh trưởng Xiêng Khoáng năm 1939, được đìều về Vientiane (1940-1944). Sau khi Lào được Pháp trả lại nền độc lập, ông làm tỉnh trưởng Houa Phanh và theo Lao Issara làm đại biểu nhân dân. Khi chính phủ Lao Issara bị giải thể, ông theo Chao Souphanouvong qua Việt Nam. Sáng lập viên đảng Neo Lao Issara và bộ trưởng nội vụ trong chính phủ kháng chiến đến năm 1954, điều đình viên của mặt trận Pathet Lao, 1954-1955. Đại diện của Neo Lao Haksat trong chính phủ ba thành phần kiêm bộ trưởng tôn giáo và văn hoá... Năm 1986, ông lên nắm quyền lãnh đạo CHDCND Lào, thay Ông Hoàng Đỏ Souphanouvong, và trong đại hội đảng kỳ thứ 5, 1991, ông từ bỏ mọi chức vụ chính trị, về vườn để viết sách. Ông có tiếng là nhà cách mạng có học thức và phật tử thuần thành. Ông mất ngày 07/01/1994, thọ 85 tuổi.

3/ Nouhak Phoumsavanh (1914 - ):

Nouhak Phoumsavanh là lãnh tụ cách mạng miền Trung Lào. Sinh ngày 09/04/1914 tại Moukdahane (Thái Lan). Hành nghề tài xế xe đò, nhờ đó mà dễ bắt liên lạc với các nhà cách mạng đông dương khác. Có tài tổ chức. Ông đã tham gia tổ chức đoạt chính quyền trong ngày giành độc lập. Lãnh tụ mặt trận Lao Issara miền Đông Lào, ông là người tổ chức cuộc triệt thoái sau khi chính phủ lưu vong bị giải thể. Gia nhập ĐCS Đông Dương năm 1950, giữ nhiều chức vụ quan trọng trước và sau 1975. 1992, Kaysone Phomvihane qua đời, ông được đề cữ nắm chức vụ chủ tịch nước CHDCND Lào, đến 1998 thì tướng Khamtay Siphandone lên thay.

4/ Khamtay Siphandone ( 1924 - ):

Tướng Khamtay Siphandone sinh ngày 08/02/1924 tại lãnh địa Champassak ( Nam Lào). Nhân viên sở bưu điện trong thế chiến thứ 2, theo mặt trận Lao Issara và gia nhập ĐCS Đông Dương năm 1945 ; tổ chức kháng chiến ở miền Nam Lào (1946) ; làm sĩ quan tùy viên quân sự trong tổng tư lệnh quân đội (1947) ... Liên tiếp nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội. Sau 1975, ông là phó thủ tướng tân CHDCND Lào ; quyền thủ tướng năm 1992 và chủ tịch nước CHDCND Lào từ 1998.

THAY LỜI KẾT

Theo lẽ tôi phải viết tiếp phần kinh tế tập trung dưới chế độ CHDCND sau 1975 và kinh tế tư nhân từ 1986 nhưng nhìn chung, công tâm mà nói, nền kinh tế xứ Lào vẫn còn là nền kinh tế hay thị trường tiêu thụ mặc dù CHDCND Lào đã gia nhập ASEAN từ ngày 23/07/1997 và đang vận động vào WTO / OMC:

80% dân số sống về canh nông, đồng áng mà mức cung cầu vừa đủ cho nội địa. Công kỹ nghệ hầu như chưa có gì, ngoài điện lực với một khách hàng duy nhất là Thái Lan. Nghề may mặc mới bắt đâu khởi sắc từ mấy năm nay, nhờ nhân công rẻ. Xuất khẩu có cây rừng hay gỗ thô tức chỉ mới ở bước khai thác triệt để thiên nhiên ; hàng thủ công mỹ nghệ ...Khoáng sản coi như chỉ mới bắt đầu cho ngoại quốc khai thác ( mõ thiếc gần Vientiane, mõ Lam ngọc - Saphir, và mõ Hồng ngọc - Rubis trong vùng Houai Sai). Ngành du lịch chưa được triển khai đúng mức mặc dù xứ Lào có rất nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều cảnh quan còn nguyên sơ (năm 2000 có 730 ngàn lượt khách). Đầu tư nước ngoài, để thu hút, còn cần nhiều nổ lực, thông thoáng hơn nữa. Thu nhập bình quân năm 2003 ước tính được 330USD / người / năm, so với Việt Nam: 430USD. Ngoại viện từ khắp nơi, chủ yếu là IMF/FMI, là nguồn tài chính quan trọng để cân bằng ngân sách quốc gia. Hầu như mọi mặt hàng tiêu dùng hàng ngày, xứ Lào đều nhập từ Thái Lan hay Việt Nam. Cho tới nay, chuyện mua bán đều được giải quyết bằng tiền mặt, ngân chi phiếu còn xa lạ. Chính phủ không kiểm soát được sự luân lưu của đồng tiền, không nắm được thu chi thật thụ của dân, của con buôn ; của công ty của xí nghiệp ; chuyện thuế khoá lại lỏng lẻ, tùy tiện thì đất nước dựa vào đâu để sớm tự lực ?

Ấy thế mà họ vẫn còn đó, sẽ mãi mãi còn đó; vẫn sống, vẫn bình thản sống, bạn ạ. Quan niệm về ba chữ Sống Hạnh Phúc của các bộ tộc Lào nói chung, do ảnh hưởng của Phật giáo, rất thiền, rất sâu, rất Lào: Bò pền nhắng, phỏ khoam xúc ma chạc chày, nghĩa là không sao cả, vì hạnh phúc đến tự tâm. Bạn nghĩ họ là dân an phận, thủ thường? Cũng không sai nhưng không hoàn toàn đúng đâu, vì họ sẽ bảo: Bò pềnh nhắng > khi ngoại kiều (biết điều) ; ngược lại khi ngoại kiều (quá độ), họ lại rất người tức là sẽ buông thả cho " bồ đề gai " nổi dậy, lúc đó, mệt đa. Do đó, ngày ngày nhìn cảnh ngoại kiều lăng xăng tranh thương, manh mún kèn cựa nhau từng li từng chút trên đất nước họ, theo tôi, người bản xứ lại hồn hậu chất phác lắc đầu độ lượng vì không hiểu mục đích ngoại kiều làm như thế để tìm cái gì ...

Nói là nói vậy chứ không bao giờ tôi có ý khuyên bạn tập sống như họ đâu, khó lắm, khó không thể: Tôi sống với họ, nói-viết tương đối rành ngôn ngữ Lào, hấp thụ văn hoá của họ, chịu ảnh hưởng sâu đậm tập quán của họ liên tục trong 23 năm trời mà đành chịu, không sao thực thi được, võn vẹn chỉ vì tôi không phải là người Lào. Thế thôi.

Hơn nữa người Lào có nề nếp của họ, cách khôn khéo nhất là tôn trọng nó, vì họ chẳng cần và chẳng muốn ai thay đổi dù dưới bất cứ nhân danh, mỹ từ nào. Chính sách giao tế lối đàn anh kẻ cả, chơi trội chơi lướt không thể kéo dài lâu hơn nữa. Điều nầy có khác gì lẽ sống tối thượng của dân tộc ta cũng như của mọi dân tộc khác đâu. Bất kỳ nơi nào, thời nào đều lập đi lập lại triết lý xưa như trái đất: < Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân> nghĩa là " ta không muốn cái gì thì đừng bắt người khác chịu cái đó " . Vậy mà lịch sử cận đại còn di lưu nhiều bi hài kịch trớ trêu, mâu thuẩn: Dân Pháp chống ngoại xâm Đức Quốc Xã, trong khi thực dân Pháp lại xâm lăng lung tung. Dân hợp chủng Hoa Kỳ, dân Nga, yêu tự do, chuộng hoà bình bao nhiêu thì quân đội Mỹ, quân đội Nga đi đến đâu nơi đó tan nát, băng hoại bấy nhiêu. Dân tộc Do Thái vong quốc, lang thang trong 2000 năm: Ai cũng thương. Tái lập quốc năm 1948: Ai cũng ghét vì Israël hung hăng đánh chiếm xứ khác... Tôi may mắn học được Lào ngữ, đọc sách báo, nghe đài, nghe nhạc của họ soạn về dân tộc ta - qua hình ảnh Keo Đèng (việt đỏ = việt cộng), đặc biệt sau 1975, mà đớn đau, tê tái cho bài học lịch sử còn chưa ráo máu.

Riêng phần văn hoá - văn học, tôn giáo - tín ngưỡng , âm nhạc - truyền thông, ẩm thực ... là những đề tài sâu rộng, xin hứa khả sẽ thực hành bổn phận trong một loạt bài khác nay mai.

Linh Thong Tin



Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn