VỊ TRÍ DANH DỰ
Trong lễ tân Nhà nước, việc sắp xếp chỗ ngồi trong một bữa tiệc chiêu đãi, trên Đoàn chủ tịch một hội nghị là một vấn đề hết sức quan trọng. Thực chất, điều cốt yếu nằm trong vấn đề ngôi thứ. Những khó khăn trong việc sắp xếp ngôi thứ thường phát sinh khi có các cuộc gặp gỡ của các nhân vật cao cấp và của các nhà ngoại giao. Để tránh những sai lầm trong vấn đề bố trí danh dự thì điều đầu tiên ta cần phải biết ngôi thứ của những người tham gia hoạt động đó. Vị trí các ngôi thứ càng rõ ràng thì nhà tổ chứa càng có cơ may tránh được những sai lầm trong việc bố trí chỗ ngồi. Từ năm 1907 nước Pháp đã có sắc lệnh quy định về ngôi thứ và vị trí của các ngôi thứ đó trong các hoạt động lễ tân Nhà nước. Năm 1989, Tổng thống Pháp lại ký một sắc lệnh mới sửa đổi và bổ sung sắc lệnh năm 1907 nhưng cơ bản vẫn dựa vào những nguyên tắc của sắc luật năm 1907.
A. VIỆC BỐ TRÍ THỨ TỰ ƯU TIÊN KHI XUẤT HIỆN TRÊN LỄ ĐÀI
Khi các quan chức xuất hiện trên lễ đài tùy thuộc vào cách bố trí các thứ tự ưu tiên trên đoàn chủ tịch. Theo tập quán chung có các cách bố trí như sau:
Khi lên thang gác và khi ra lễ đài mà vị trí ưu tiên ở đầu hàng thì người có vị trí cao nhất đi đầu hàng rồi tiếp theo sau thứ tự giảm dần.
Khi vị trí ưu tiên ở cuối hàng thì ngôi thứ theo thứ tự cuối hàng đi lên đầu hàng và người có vị trí thấp nhất đi trước.
Trường hợp nhân vật cao nhất đi giữa thì người có vị trí thứ hai đi trước nhân vật đó, vị trí thứ ba đi sau. Tuy nhiên, để làm nổi bật vị trí ưu tiên, gần đây người ta thường bố trí nhân vật cao nhất xuất hiện trước, tiếp theo là người ngồi kế tiếp cho đến người ngồi cuối cùng nửa hàng bên trái và tiếp …
B. VỊ TRÍ ƯU TIÊN CHỖ NGỒI TRÊN Ô TÔ
Là vị trí bên phải, phía sau xe, vị trí số 2 bên trái nếu ngồi 3 người thì nhân vật thứ 3 ngồi vào giữa.Đối với các nước áp dụng luật giao thông ưu tiên bên trái thì vị trí ưu tiên ở phía trái, phía sau xe. Nếu người chủ tự lái xe thì vị trí ưu tiên ngay bên người cầm lái.
C. VỊ TRÍ DANH DỰ TRONG KÝ KẾT CÁC VĂN BẢN
Nếu ký hai cột thì vị trí ưu tiên nằm phía trên cột bên trái người đọc, vị trí thứ 2 phần trên, cột bên phải người đọc, vị trí thứ 3 nằm phần dưới của cột bên phải:
Vị trí số 1 ——————————- Vị trí thứ 2.
Vị trí thứ 3.
Nếu ký theo hàng dọc thì vị trí ưu tiên tất nhiên là hàng đầu.
Nếu ký theo hàng ngang thì vị trí ưu tiên là ở bên trái tờ giấy, tức là phía phải người ký.
Trong việc ký các văn kiện quốc tế, người ta áp dụng luật luân phiên ký đầu, nghĩa là tên các nguyên thủ hoặc đại diện toàn quyền nằm ở vị trí ưu tiên trong các văn kiện dành cho họ. Điều đó có nghĩa là mỗi quốc gia tham gia ký kết lần lượt giữa vị trí số 1 trong các văn kiện quốc tế. Đây là tập quán đã có từ lâu và không thay đổi.
D. VỊ TRÍ DANH DỰ TRONG CHIÊU ĐÃI
Chiêu đãi là 1 hình thức hoạt động phổ biến trong giao tiếp. Chính trong hoạt động này là nơi có nhiều đối tượng thuộc nhiều thành phần, tuổi tác, địa vị xã hội, giới tính tham dự nhiều nhất; có sự đan xen giữa khách và chủ. Việc xác định vị trí danh dự và xắp xếp chỗ ngồi trong 1 bàn tiệc cũng như bữa tiệc cần phải được nhà tổ chức hoặc chủ tiệc quan tâm đặc biệt, nhất là khi có Nguyên thử quốc gia tham dự. Có một nhà ngoại giao rất kỳ cựu của ta thường hay nhắc là nếu không bố trí được chỗ ngồi xứng đáng với vị trí của khách thì thà rằng đừng mời người ta tới.
Trong phòng tiệc : Theo tập quán chung, chỗ ngồi danh dự thường đối diện với cửa ra vào. Nếu cửa ra vào ở một bên thì vị trí danh dự là vị trí đối diện với các cửa sổ. Tập quán này cũng được áp dụng đối với các cuộc hội đàm. Ngay cả khi ra vào ở chính giữa.
Vị trí danh dự tại bàn tiệc : Vị trí danh dự trong bàn tiệc phụ thuộc vào việc chủ tiêc chọn loại bàn nào để chủ trì một bữa tiệc, có nhiều bàn tiệc hay chỉ có một bàn tiệc, trong bữa tiệc có phu nhân hoặc phu quân chủ tiệc tham gia hay không.
Nếu buổi tiệc chỉ có nam giới tham dự, chỗ ngồi danh dự là ở bên phải chủ tiệc, hoặc có thể là ở phía đối diện. Đây cũng là cách thể hiện sự quan tâm đối với khách, coi như hai người cùng chủ trì bàn tiệc.
Khi vợ chủ nhà cùng ngồi dự thì hai vợ chồng ngồi đối diện, vị trí danh dự ở phía tay phải bà chủ, phu nhân khách ngồi phía bên phải ông chủ. cách bố trí bàn tiệc kiểu này tạo ra một trung tâm nói chuyện tại giữa bàn. Cách này thường vận dụng khi chiêu đãi một số đoàn chính thức, nhưng thực khách không quá đông để có thể kê nhiều bàn. Để tránh một số trường hợp một số khách mời không hài lòng vì phải ngồi đầu bàn, nhất là các quan khách đều có cấp bậc tương đương nhau, và ít người (khoảng 10-12 cặp vợ chồng), người ta bố trí chủ tiệc và vợ ngồi hai đầu bàn, như vậy sẽ tạo thành hai trung tâm nói chuyện. Đây là theo tập quán của Anh và thường được giới ngoại giao áp dụng khi mời cơm tối. Trong một vài trường hợp, chủ tiệc muốn nhường chỗ cho một nhân vật mà chủ tiệc muốn đặt biệt đề cao, chủ tiệc có thể mời ông ta ngồi đối diện với vợ chủ tiệc, còn chủ tiệc sẽ ngồi bên phải người phụ nữ số 1 hoặc ngồi ở vị trí cuối cùng, sau các nhân vật có vị trí xã hội hoặc tuổi tác cao hơn.
Khi có nhiều khách, phải kê hai bàn hoặc hơn nữa thì chủ tiệc và vợ hoặc chồng chủ tiệc cùng một số khách chính chia nhau chủ trì các bàn tiệc.
Trong các buổi yến của các Nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu chính phủ, với số lượng hàng chục, thậm chí hàng trăm khách tham dự, người ta thường bố trí nhiều bàn tròn, trong đó bố trí một bàn danh dự, hình thức có thể là bàn tròn, bàn hình bán nguyệt, hình chữ I (hình thức này có những bất lợi), trong đó khách danh dự ngồi ở phía bên phải chủ nhà, phu nhân chủ nhà ngồi bên phải khách, phu nhân khách ngồi bên tay trái chủ nhà, cứ như vậy xem kẽ theo thứ tự giảm dần, từ phải qua trái. Nếu có biểu diễn văn nghệ, vị trí danh dự dối diện với sân khấu và để trống từ 2 đến 4 chỗ trước mặt hai nguyên thủ và hai phu nhân (nếu là bàn tròn).
Rất ít khi người ta bố trí hai đoàn ngồi đối diện nhau trong một cuộc chiêu đãi. Tuy nhiên có 1 trường hợp trong lịch sử lễ tân thế giới 2 Đoàn chủ khách ngồi đối diện nhau. Đó là đoàn Chính phủ Mỹ và Liên Xô tại Viên 1961.
E. NGÔI THỨ XÃ GIAO
Bên cạnh ngôi thứ trong nghi lễ chính thức, tập quán công nhận một loại ngôi thứ khác là ngôi thứ xã giao. Việc vi phạm ngôi thứ trong các nghi lễ chính thức cần phải sửa chữa kịp thời và đầy đủ. Còn các loại ngôi thứ khác như ngôi thứ xã giao, ngôi thứ truyền thống, ngôi thứ theo quan hệ gia đình thì không có tính chất bắt buộc và thường áp dụng linh hoạt trong từng hoàn cảnh cụ thể ( theo ngôi thứ xã giao thì trong chiêu đãi có mời vợ chồng thì vợ được xếp theo ngôi thứ của chồng, đàn bà góa được xếp theo ngôi thứ trước đây, phụ nữ có chồng xếp trên phụ nữ ly dị chồng, phụ nữ xếp trên thiếu nữ, trừ trường hợp thiếu nữ có chức vụ hoặc tước vị cao ).
Khi có lúng túng trong việc xếp vị trí giữa ngôi thứ theo quy định và ngôi thứ xã giao thì cách giải quyết phải tùy hoàn cảnh, không có nguyên tắc cứng nhắc. Nhưng nguyên tắc chung là khách xếp trên chủ, số thực khách là chủ nhà nên nhiều hơn khách để tránh cho khách phải ngồi ở hai đầu bàn. Xếp chủ nơi khác đến trên chủ tại chỗ. Nếu do tính chất chính thức của lễ tiết, không tiện có ngôi thứ xã giao thì tốt nhất là không nên mời những nhân vật dự kiến sắp xếp theo ngôi thứ xã giao (ví dụ: khi mời những nhân vật có vị trí trong giới văn hóa, tôn giáo, xã hội, …).
F. VỊ TRÍ CỦA PHIÊN DỊCH TRONG CÁC BUỔI TỌA ĐÀM HOẶC CHIÊU ĐÃI
Trong hội đàm và các cuộc chiêu đãi mà chủ khách ngồi đối diện với nhau thì phiên dịch thường bố trí ở bên tay phải chủ. (Tuy nhiên Trung Quốc có tập quán bố trí phiên dịch bên tay trái chủ chính. Điều này đảm bảo nguyên tắc là bên tay phải của người có vị trí cao nhất luôn luôn có một quan chức có vị trí số 2). Nếu ngồi bàn tròn mà không bố trí phiên dịch ngồi phía sau thì bố trí giữa nguyên thủ khách và phu nhân chủ nhà, giữa nguyên thủ chủ nhà và phu nhân khách thăm .
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn