02:53 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Thống kê truy cập

Hôm nayHôm nay : 63

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 16908

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 1510544

Chuyên mục Công nghệ

Trang chủ » News » Học tập

CÁCH DỰNG BỘ GIA PHẢ HOÀN CHỈNH

Thứ hai - 31/12/2012
Để giúp bạn đọc có thể tự mình thực hiện việc dựng một bộ gia phả hoàn chỉnh, chúng tôi giới thiệu cuốn sách "Cách dựng bộ gia phả hoàn chỉnh" do nhóm chuyên viên thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM biên soạn. Mong rằng cuốn sách sẽ ít nhiều giúp ích cho bạn đọc.

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ THỰC HÀNH GIA PHẢ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

CÁCH DỰNG

BỘ GIA PHẢ

H O À N   C H Ỉ N H

-----------------------------------------------------------

 

Các tác giả:

VÕ NGỌC AN

VÕ VĂN SỔ

PHAN KIM DUNG

NGUYỄN HỮU

TRẦN KIM XUYẾN

Nghiên cứu gia phả là khoa học

Thực hành gia phả là thiêng liêng

 

 

LỜI NÓI ĐẦU

Xuất phát từ việc nghiên cứu các bộ gia phả cổ, bỏ các quan điểm lỗi thời, đưa vào những quan điểm mới, tiến bộ cùng với những kinh nghiệm của 15 năm dựng phả cho các dòng họ, nhóm tác giả thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả thành phố Hồ Chí Minh đã đúc kết được những nguyên tắc cơ bản từ thực tiển đi dựng phả cho các dòng họ và từ cácbài giảng ở các lớp tập huấn về gia phả, làm rõ thêm các vấn đề gia đình - dòng họ; cùng với những kinh nghiệm thực tiển được chọn lọc để đưa vào sách.

Trong tập sách này, ban biên soạn đã đưa vào một phần nội dung của một bộ gia phả, cùng với hai bài viết có tính tham khảo nhằm khái quát các vấn đề về gia phả đối với nền văn hóa nước nhà.

Chúng tôi mong cuốn sách dễ đọc, dễ hiểu này sẽ đóng góp phần nào vào vốn hiểu biết của mọi người và giúp ích cho những ai đang muốn dựng bộ gia phả cho dòng họ mình.

Vì đây là lần đầu tiên chúng tôi biên soạn sách trong lĩnh vực nầy nên khó tránh khỏi những thiếu sót, khuyết điểm – mong được các bạn đọc góp ý.

Thân ái,

Nhóm tác giả.

 

PHẦN MỞ ĐẦU

GIA PHẢ ĐƠN GIẢN CÓ KHÁC VỚI GIA PHẢ HOÀN CHỈNH? 

     Gia phả giản đơn và gia phả hoàn chỉnh đều là lịch sử dòng họ, song loại thứ nhất viết đơn giản nhằm chỉ ghi sơ lược phần phả hệ, còn các phần khác rất quan trọng như phả ký, ngoại phả và phụ khảo thì không có, hoặc có thì chỉ ghi một cách đại khái, tóm lược. Gia phả hoàn chỉnh thì ghi kỷ, toàn diện, phản ánh đầy đủ, trung thực thực thể dòng họ. 

Ta biết: Nước có sử, nhà có phả.

Lịch sử của đất nước ghi rõ từng thời kỳ với những con người, sự việc của nước nhà; còn gia phả tức sử của một dòng họ thì ghi những việc thuộc dòng họ ấy, bắt đầu từ ông / bà tổ phụ mẫu, người mà những người đang sống biết được, ghi đầy đủ về tổ quán của ông /bà tổ ấy cho đến ngày nay; ghi các thành viên (hậu duệ) của dòng họ, thứ thế (đời), ngày sanh, ngày mất, ghi hành trạng của họ; ghi phả đồ, ngoại phả và phụ khảo.

Đất nước trong giai đoạn không có sử gọi là huyền sử. Nhà không có phả gọi là huyền phả, tức tổ tiên, truyền thống dòng họ, con người, sự việc ở đây chỉ dựa vào ký ức và truyền khẩu, do vậy lâu ngày bị mai một. Có gia phả, mọi việc sẽ rõ ràng, chính xác, bền vững, khả năng lưu truyền mạnh mẽ, mau lẹ và đi xa hơn. Người “mất gốc”, không biết mình do ai sinh ra và gốc gác ở đâu, đây là hoàn cảnh đáng thương cô độc và quạnh quẽ. Người có gia phả sẽ tự tin, tự hào về truyền thống tốt đẹp, sáng lạng của dòng họ mình để củng cố niềm tin, vững bước đi lên trong mọi tình huống.  

“Dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng” trong đó bao hàm các dòng họ cũng là những dòng họ có những phẩm chất tốt đẹp; những cá nhân thoái hóa, biến chất, làm sai quấy thuộc về cá biệt.

Người Việt Nam ta có câu: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, thực tế dựng gia phả lâu nay, chúng ta đều thấy câu nói trên là đúng! Có gia phả, con cháu sẽ nắm chắc ngày giỗ ông bà, không cưới gả với người trong họ, nắm rõ thứ thế để trong giao tiếp, việc thưa gởi, tôn ti sẽ rõ ràng.

 

PHẦN HAI

GIA ĐÌNH, DÒNG HỌ VÀ GIA PHẢ LÀ GÌ?

Gia đình:

Là một thiết chế xã hội gồm những thành viên khác giới thông qua hôn nhân mà có và qua gia đình để thực hiện các chức năng sinh đẻ, kinh tế, văn hóa, xã hội, tín ngưỡng …

Dòng họ là một thiết chế xã hội cổ truyền, gồm nhiều gia đình cùng huyết thống, có từ lâu ở nước ta. Họ của các dân tộc không giống nhau do điều kiện lịch sử, kinh tề, xã hội, tập quán khác nhau. 

Khi có con cái thì các thành viên liên kết nhau bằng các quan hệ hôn nhân và di truyền, Hôn nhân là ngẫu nhiên, di truyền là tất yếu. Gia đình là một phạm trù lịch sử, thay đổi và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội.

Về hôn nhân:

Quần hôn (cha mẹ chung) và hôn nhân cá thể. Có gia đình mẫu hệ, gia đình phụ hệ, tiểu gia đình (hai thế hệ) và đại gia đình (ba thế hệ trở lên). Tiểu gia dình vừa là đơn vị kinh tế vừa là tế bào xã hội.

Từ khi chuyển qua chế độ phụ quyền có sự bất bình đẳng nam nữ. Xã hội có giai cấp, sự bất bình đẳng nầy càng nặng nề, phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi, và yêu cầu phải được giải phóng. Hiện nay có sự quan hệ tình dục không cần hôn nhân, không xây dựng gia đình, nguy cơ đồng tính luyến ái, bịnh AIDS, sinh con theo phương pháp “vô tính”, theo quan điểm chúng tôi, là vi phạm đạo đức.

Lành mạnh hóa gia đình gắn với lành mạnh hóa dòng họ, xây dựng gia đình văn hóa gắn với việc xây dựng dòng họ văn hóa. Kế hoạch hóa gia đình là một quốc sách. 

Luât Hôn nhân và Gia đình (1986), luật Dân sự, luật Bảo vệ Trẻ em là những nguyên tắc cơ bản của việc xây dựng gia đình – dòng họ kiểu mới: “Tiến bộ - một vợ một chồng - nam  nữ bình đẳng- bảo đảm hạnh phúc con cái”. Ta nêu thêm: “Kính trọng, tôn thờ tổ tiên và tạo phúc lâu dài!”

Dựng gia phả, phục hồi ngành gia phả là biện pháp tích cực góp phần xây dựng gia đình - dòng họ văn hóa, phải nâng nó lên cho đúng tầm với xã hội ngày nay. 

Dòng họ:

Một ít dân tộc Việt Nam là theo họ mẹ, còn hầu hết theo họ cha. Người cùng một họ, có vị tổ chung gọi là “thần chủ tổ tiên”. Một ít trường hợp là sống tập trung, đa số các gia đình cư trú xen với các gia đình, dòng họ khác trong một xóm ấp. Đây cũng là tổ quán của dòng họ..

Dòng họ không phải là đơn vị kinh tế, tuy nhiên dòng họ có phần ruộng, gọi là ruộng hương hỏa, ruộng ky. Có nơi có nhà thờ họ chung. Người ba đời trong họ không được lấy nhau, (trừ  triều Trần có tập tục nội hôn, cho lấy nhau để bảo vệ ngai vàng)

Dòng họ có nghĩa vụ đoàn kết, tương trợ nhau và có nghĩa vụ thờ phụng tổ tiên mình. 

Họ tộc có nhiều Chi, Phái, Tiểu chi, có Trưởng họ. Người con trưởng của Chi trưởng làm trưởng họ, nếu chết, người con  trưởng chi kế thay.

Mỗi họ có nhà thờ họ, nhà thờ chung gọi là từ đường, nhà thờ tổ. Họ lớn có nhiều chi, mỗi chi có nhà thờ chi. Cũng có nhiều họ không có nhà thờ. Hằng năm có một ngày giỗ tổ, thường gọi là ngày giỗ họ, giỗ tổ... 

Mỗi họ có hoặc không có gia phả, tộc phả. Hiện nay đang có phong trào rất quí là đi tìm, kết nối nhận họ và dựng phả ở từng dòng họ, chi họ, với mục đích vĩnh tồn tôn thống, giáo dục truyền thống gia đình – dòng họ, Chúng ta kiến nghị với Nhà nước, ngành văn hóa, ủng hộ phong trào nầy một cách tích cực, mạnh mẽ hơn nữa..

Làm gia phả trước hết phải hiểu thấu đáo dòng họ. 

Các họ ở Việt Nam hiện nay:

Chế, Lang, Man, Thiên, Ôn, Ông, Ma…gốc Chăm; Danh, Thạch, Sơn …gốc Campuchia; Duôn, Du, Dham, Nie từ Êdê. Hiện nay ta chưa có thống kê đầy đủ, song có thể nói có trên 300 họ của Việt Nam, hay hơn nữa.

Họ Việt Nam có từ thời cổ. 

Việc đặt tên, chữ lót:

- Húy (tên đẻ): tên cha mẹ đặt để ghi vào sổ sách, gia phả, con cái không được gọi.

- Thụy (hèm): khi chết do vua đặt hoặc do người trước khi chết dặn đặt.

- Hiệu: tên riêng tự chọn.

- Tự: tên theo tập quán từng vùng. Tên tước do vua ban..

- Bí danh: do đi kháng chiến đặt. 

Khái niệm gia phả là gì?

Gia phả là quyển sách, quyển tập ghi chép tên tuổi, kỷ sự (tiểu sử thu gọn), ghi ngày sanh, ngày tử, vị trí phần mộ và ngày lập mộ (đã chết)…của từng người trong họ, theo thứ tự các đời.

Từ điển Hán-Việt Đào Duy Anh định nghĩa gia phả là: “Sách ghi thế hệ trong họ và lịch sử tổ tiên”.

Gia phả xuất hiện ở phương Đông và phương Tây từ xưa. Trung Quốc: thời Chiến Quốc với quyển “Thế bản”. Thời Ngụy, thời Tần phát triển mạnh. Việt Nam: năm 1026, vua Lý Thái Tổ ra lịnh soạn Ngọc điệp (Phả Vua). Các tư gia, thế gia vọng tộc cũng biên soạn gia phả.

Nội dung gia phả gồm có:

Chính phả:có phả ký, phả hệ và phả đồ (nội dung nói ở phần sau).

Ngoại phả: ghi nhà thờ tổ, việc cúng bái, văn khấn, ghi khu mộ, ghi danh sách học vị các thành viên đỗ đạt, ghi tiểu sử một số thành viên nổi bật, ghi quan hệ hôn nhân cưới gả với dòng họ nào….

Phụ khảo: ghi địa chí xóm ấp, đình miếu, chợ búa, bến đò….

Nghiên cứu gia phả là khoa học, thực hành gia phả là thiêng liêng. Phải công phu, nghiêm túc trong việc dựng phả. Gia phả là tư liệu quí giá cho dòng họ, nhà sử học, dân tộc học.  

PHẦN BA

BỐ CỤC HỢP LÝ CỦA BỘ GIA PHẢ 

Biên soạn bộ gia phả được chia ra từng bước sau

● Cách đặt tựa và cách viết lời tựa: Không nên đặt tựa chữ Hán-Việt, cũng đừng đặt như “Võ tộc thế phả”. Tựa của quyển gia phả gồm hai phần chính: phần trên là tên dòng họ ta đang dựng, phần dưới là địa danh hành chánh đương thời, ghi kỷ từ ấp hoặc thôn, xã, huyện và tỉnh hoặc thành phố.

      Thí dụ:                 

GIA PHẢ HỌ VÕ

Ấp 1, xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi,

Thành phố. Hồ Chí Minh

Với tựa trên, người tìm sẽ dễ dàng, không lầm lẫn. Những tên xóm thôn trong quá trình lịch sử đã qua thì sẽ đưa vào phần phả ký. 

● Bài nói đầu: Phần nhiều do dòng họ viết hoặc ta viết theo sự ủy nhiệm của dòng họ. Bắt đầu nêu mục đích, nguyên nhân, lý do ta làm phả; tiếp theo nêu diễn tiến quá trình thực hiện, cùng ai làm, làm và đạt kết quả các phần theo bố cục ra sao. Nêu ưu khuyết, kêu gọi lớp hậu duệ bổ cập. Lời cảm ơn, ngày tháng viết, và tên họ những người chủ trì. Câu văn cần súc tích, ngắn gọn.

Phần chính phả:Gồm phả ký, phả hệ và phả đồ.

Phả ký: Phả ký là lịch sử tổng hợp, toàn diện, chi tiết của dòng họ (thực tế là của một chi họ), viết theo lối viết sử, trong sáng, gãy gọn, dễ hiểu; cần nắm chắc các thuật ngữ chuyên ngành gia phả.

Lúc ghi chép cần tôn trọng hệ thống ký ức và truyền miêng của người trong họ. Mỗi họ, khi tiếp xúc sâu sẽ phát hiện được một vài người am hiểu, minh mẫn. Cách hỏi, cách phỏng vấn phải theo trình tự, hệ thống, từng loại việc, từng người. Phải tới từng chi, từng hộ để hỏi, quan sát.

Hệ thống mồ mả, bài vị, văn bản tương phân ruộng đất, sổ bộ đời, địa bạ, sách “Đăng Khoa Lục”, tự điển Nhân vật, các loại bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận “Mẹ Việt Nam anh hùng”… là nguồn bổ sung quí cho ta.

Phả ký là bài văn khó viết nhứt!

Bài phả ký phải đạt mục đích, yêu cầu:

Phải phản ánh toàn điện lịch sử dòng họ từ khởi thủy đến nay; xác định rõ tính ưu việt của dòng họ, đây là quan điểm đúng đắng và chỉ ra phương hướng xây dựng dòng họ văn hóa.

Do đó, để viết phả ký đầy đủ, cần phải đi thực tế (đi điền dã), trực tiếp khảo sát, sưu tra đầy đủ; liên hệ thật sâu từng thời kỳ lịch sử ứng với tùng đời trong họ; phải quán triệt quan điểm chức năng, nhiệm vụ gia đình xã hội chủ nghĩa, phải vận dụng kiến thức sẵn có; phải nhẫn nại, kiên trì, nghiêm túc, khi chấp bút, sau cùng là giọng văn trong sáng, dễ đọc…

Trong trường hợp dòng họ có gia phả gốc, viết bằng chữ Hán chắng hạn, ta dịch ra Quốc ngữ và đưa vào thành một phần của phả ký, sau đó là phần kế tục của các đời tiếp theo..

Nội dung họp lý gổm: Phần trên nêu nội dung, ý nghĩa, sự tác động của gia phả trong đời sống dòng họ; tiếp theo ta nêu sự phát tích dòng họ; vị tổ  đời một, vị tổ khai cơ nêu tiểu sử và đây chính là người sản sinh ra dòng họ; tiếp theo nêu vị trí tổ quán với cách thức nêu tuần tự từ địa chí về xóm ấp,  địa lý tự nhiên rồi nêu tiếp về lịch sử xóm ấp, lịch sử các dòng họ sống chung; rồi viết về đình, miếu… 

Đi sâu hơn ta nêu gia đình – dòng họ là nơi “tái sản xuất ra con người”, nơi con cháu hậu duệ các đơời sinh ra, để duy trì dòng giống, nâng cao trí lực, thể lực, đảm bảo tái sản xuất cho lao động xã hội. Ở đây ta có dịp thống kê từng chi đã sanh ra bao nhiêu nam, nữ; đã tổ chức cưới gả bao nhiêu họ khác với hai qui luật cơ bản là hôn nhơn và di truyền.. 

Chức năng kinh tế và tổ chức đời sống cho từng gia đình trong họ: Thủơ ban sơ, các vị tiền hiền đến bám đất khai canh, trải qua các đời đã từng đảm đương kinh doanh các nghề ra sao.  

Chúc năng giáo dục: Giáo dục tri thức, kinh nghiệm, đạo đức và lối sống, giáo dục nhân cách và thẩm mỹ, ý thức cộng đồng. Phương pháp giáo dục đa dạng, chủ yếu là nêu gương,, thuyết phục, lấy gia phong, gia đạo để giáo dục, tự giáo dục. Ta chú ý chủ thể là các bậc ông bà, cha mẹ 

Chức năng thỏa mản nhu cầu tâm – sinh lý, tình cảm:Ở đây, những vấn đề về giới tính, về giới, về thế hệ, những sự mệt mõi trong lao động, những căng thẳng trong chiến đấu, những niềm vui cẩn sẻ chia. Gia đình – dòng họ là nơi có vai trò giải quyết, bằng vị thế hoặc ông bà, hoặc cha mẹ, hoặc anh chị, trong đó cần chú ý vai trò những bà mẹ. 

Nhìn qua tổng thể dòng họ, chúng ta phải  mô tả cho được vai trò của dòng họ trong lịch sử ở các khía cạnh: qua hôn nhân và di truyền đã sản sinh ra đời kế tiếp nối dõi tông đường, là dòng họ với truyền thống lao động, sản xuất, bám đất giữ làng, xây dựng sự nghiệp, là dòng họ yêu nước, yêu quê hương, là dòng họ với truyền thống văn hóa.

Tính chất, đặc điểm ưu việt của dòng họ: Đây là sự đánh gia khái quát những tính chất ưu việt các mặt đã nêu. Phải quan sát, khái quát một cách sắc bén, nêu đúng bản chất dòng họ. Có thể suy nghĩ và nêu sau cùng sau khi đã chiêm nhiệm dòng họ. Những nhược đểm, khiếm khuyết ta vẫn có thể nêu để rút kinh nghiệm trong họ, hoặc là chưa nêu chứ nguyên tắc không được làm sai lệch lịch sử dòng họ. 

Sau cùng là nêu phương hướng xây dựng dòng họ văn hóa với những tiêu chí của Đảng và  Nhà nước ta đã chỉ ra và truyền thống dòng họ Việt Nam đã xây dựng. “Dân giàu nước mạnh – Dòng họ trường tồn – Gia đình phúc đức” là mục tiêu tồn tại của dòng họ. Gia đình Việt Nam, trên cơ sở “quan hệ bình đẳng – thương yêu – có trách nhiệm – cùng chia sẻ công việc”: 

     ● Phương pháp viết bài phả ký:

Sưu tầm tài liệu bắt đầu bằng một chuyến đi điền dã. Đây là công việc vất vả, phải đi xa và đi nhiều nơi trong dòng họ để hỏi, phỏng vấn, lấy thông tin trong các bậc lão thành hoặc người am hiểu trong họ về tiểu sử ông bà tổ, về nhà thờ tổ; khảo sát mồ mả, tìm hiểu di chúc, giấy tờ đất đai hương hỏa; quan sát địa lý xóm ấp, đình chùa, miếu mạo…

Phỏng vấn phải khéo léo, với hình thức linh hoạt vì hỏi không khéo người ta không nói, hỏi dồn dập người lớn tuổi bối rối quên mất. Có khi phải đi lại nhiều lần, vì không gặp đối tượng. Nói chung là phải kiên trì…

Sau chuyến đi điền dã, ta phải vào kho lưu trữ quốc gia, thư viên hoặc sở địa chính, tư pháp, công an…để có thêm tư liệu về đất đai, nhân thân, di chúc, hộ tịch.  

● Tổng hợp và xử lý tư liệu, hoàn tất bài phả ký:

Sắp xếp tư liệu theo thứ tự thời gian và theo từng loại. Dùng phương pháp tổng hợp, phân tích, so sánh để sử dụng thông tin chính xác nhất. Cần giải quyết những mâu thuẫn trong lời kể.

Bắt đầu công việc chấp bút. Trước tiên ta lập đề cương, dàn bài chi tiết (như trên), rồi dùng thể văn trần thuật, tường thuật, miêu tả, phân tích và phải cân nhắc xoáy vào trọng tâm, không để lạc đề, không cương điệu, ca ngợi quá sự thật; tôn trọng tính khoa học nhưng không đi sâu nghiên cứu làm bài viết khô khan, ngán đọc

Các mặt tích cực và nhược điểm của gia đình phải được tôn trọng, chưa nói chứ không được nói khác đi. Với bài phả ký đòi hỏi trình độ hiểu biết về lịch sử, địa lý, dân tộc học của người đi dựng phả. 

Cách thực hiện phả hệ và phả đồ:

Phả hệ là một nội dung chính của bộ gia phả, được sắp xếp sau phần phả ký, trong đó ghi tất cả bà con dòng họ (nội) của gia phả tùy theo thực tế tìm hiểu về trực hệ và bàng hệ dòng họ. Tôn trọng nguyên tắc “đích thứ – trên dưới”. Trình bày theo chiều ngang, chiều dọc hoặc kết hợp chiều ngang và chiều dọc. Ở mỗi chiều, chi trưởng, đời thứ nhứt, con cả ghi trước, chi kế, đời kế, con kế ghi sau cho tới đời hiện nay. Cũng giống như việc ghi chép lịch sử, phả hệ phải trung thực, khách quan, toàn diện gồm khung tên họ, kỷ sự (tiểu sử) và các con. 

- Phương pháp theo chiều ngang: Là trình bày cá nhân thành viên dòng họ theo từng đời, hết đời 1 sang đời 2, đời 3, cho đến đời hiện tại. Ưu điểm của phương pháp là giúp ta định vị được cá nhân thành viên trong dòng họ thuộc đời nào một cách dễ dàng để từ đó  nhận ra vai vế của từng người. Tuy nhiên gia phả với qui mô lớn, phương pháp nầy khó theo dõi để nắm chi tiết từng chi, nhánh, hệ nào đó  của gia phả.. Vì vậy, phương pháp nầy chỉ phù hợp với gia phả có qui mô nhỏ (ít đời, tổ đời 1 sinh ít con) 

- Phương pháp theo chiều dọc: Là phương pháp trình bày một cá nhân thành viên và tiếp theo đó là con cái trực hệ của họ. Thí dụ ông A có 3 con là B1, B2và B3, về B1 ông nầy có  có con là C1, C2 và C3, kế tiếp ghi về ông C1 có các con là D1, D2, D3…cho đến cuối. Phương pháp nầy có hiệu quả khi cá nhân từng đời ít con cái (cá nhân đông con, phương pháp nầy sẽ tạo ra manh múng).                                                                                                                             

- Phương pháp tổng hợp:Kết hợp cách trình bảy ngang và dọc. Đây là sự cắt dọc phả hệ ra thành từng phần nhỏ, ở phần nhỏ ta trình bày chúng theo chiều ngang. Những gia phả qui mô lớn, bố cục nội dung theo từng cụm, rất dễ theo dõi.

Có thể đưa ra mẫu cấu trúc cơ bản của phả hệ, mẫu nầy áp dụng cho cả ba phương pháp (xem mẫu trình bày sau). Cấu trúc mẫu nầy  tuần tự như sau: tiêu đề phụ là dòng chữ ĐỜI I  (hoặc II,  III); tiêu đề chính là dòng chữ: CÁC CON ÔNG….VÀ BÀ….

Tiếp theo là những người con của ông bà như đã nêu ở tiêu đề chính, mỗi người được đặt trong khung hình chữ nhật (là độc thân), hoặc trong hình chữ nhật được ngăn làm hai (là người có gia đình).

Theo qui định, ở phía tay trái là ô để ghi người con của ông bà đó (là người của dòng họ và ở phía tay phải để ghi vợ hoặc chồng của người có tên ở ô tay trái.

Nội dung trong từng ô nầy với những loại thông tin giống nhau, mỗi thông tin được ghi một dòng gồm: họ và tên, năm sanh và năm mất (nếu đã qua đời), ngày giỗ (tất cả lấy ngày âm lịch), mộ (với người qua đời). Ví dụ:

 

 

2. NGUYỄN VĂN TÂM

(1920-1985)

Giỗ: 25-8 Âm lịch

Mộ: Xã An Nhơn

 

TRẦN THỊ BÍCH

(1923-1988)

Giỗ: 16-2 Âm lịch

Mộ: Xã An Nhơn

 

(Trường hợp có nhiều vợ hoặc chồng thì trình bày tiếp xuống dưới cho cân đối)

Nội dung tiếp theo sau, bên dưới vuông chữ nhật nêu trên, gọi là kỷ sự. Đó là những thông tin về các thành viên nói trên và con cái của họ. Tùy đặc điểm hành trạng cá nhân, có thể chỉ năm ba dòng. Cũng có thể nhiều hơn, nhưng không nên biến nó thành một tiểu sử nhân vật, hay một bản lý lịch dài.

Những thông tin tối  thiểu dành cho cá nhân nầy: ngày tháng năm sinh,, quê quán, tên thường gọi, bí danh, bút danh nếu có. Tóm tắt lịch sử bản thân. Nếu qua đời, cần nêu lý do qua đời, mộ chôn ở đâu, ngày giỗ, người lo giỗ và những chi tiết khác như tuổi ta (âm lịch), sự khác nhau giữa ngày, tháng năm sinh thật so với giấy tờ hộ tịch, quá trình di dời, chuyển đổi mộ phần. 

Cuối cùng là kể tên những người con, nếu con của những người nầy có những người con thuộc đời hiện tại (hoặc thuộc đời cháu ngoại cuối cùng mà gia phả đề cập) thì có thể nói gộp phần kỷ sự của họ và kể tên những người con của họ trong phần nầy    

● Phương pháp tiến hành: Đi điền dã.  

Đặc điểm là đa số các dòng họ không có gia phả cổ (gia phả gốc), lần đầu xây dựng bộ gia phả, những thông tin cho nội dung phả hệ, chủ yếu dựa vào ký ức và thực trạng, người sống và mồ mả. Vì vậy, công tác điền dã rất quan trọng, gần như là công việc chủ yếu của người thực hiện gia phả.

Qui trình rất đa dạng, phong phú với những bài học kinh nghiệm. Lời khuyên: cố gắng ghi kỷ một lượt để khỏi đi lại rất phiền.

Các hình thức thu thập thông tin khác: có hai hình thức chủ yếu là mẫu khảo sát phả hệ và việc tra cứu các thông tin cần thiết. 

● Các loại Phả đồ

Phả đồ có thể vẽ theo bốn dạng khác nhau: Sơ đồ, Vòng tròn đồng tâm, Cây phả đồ và dạng các đường kẻ dọc. Phả đồ chỉ ghi tên những cá nhân là nội tộc, nói cách khác, đó là những người có thiên chức duy trì nòi giống của dòng họ mình, vì vậy trong phả đồ không ghi tên những đứa con của các con gái. Đây không phải quan điểm trọng nam khinh nữ, mà những người con của các con gái mang họ của chồng đã thuộc dòng họ khác rồi. Như thế, phả đồ không phải là bảng tóm tắt phả hệ.

Thông thường, một gia phả chỉ có một phả hệ, trong những trường hợp đặc biệt, dí dụ gia phả quá nhiều đời, không thể thể hiện trong một bản vẽ, ngươi ta phải chia ra vẽ từng chi một, mỗi chi một phả đồ. Cũng có trường hợp gia đình chỉ cần phả đồ của một vài thế hệ nào đó, ta cũng vẽ được, song đó là ngoại lệ. 

Các loại phả đồ: Loại sơ đồ đạt chuẩn trình bày bằng máy vi tính không phải ai cũng thực hiên được. Ở đây chỉ giới thiệu phương pháp vẽ một sơ đồ đạt yêu cầu nội dung bằng cách vẽ trên giấy. Sơ đồ cũng tính từ trái sang phải để về thứ, từ trên xuống dưới chỉ về đời (thế hệ).

Ba loại Phả đồ sau xin xem phần các bài mẫu 

● Ngoại phả:Các phần trên đã nêu là chính phả. Phần tiếp sau đây là ngoại phả. Theo Dã Lan Nguyễn Đức Dụ, ngoại phả là “phần phụ của gia phả, gồm có nhà thờ, kỵ điền v..v.”. Theo ý của định nghĩa trên, ta có thể thêm vào các phần như hành trạng của những người nổi bậc, bản đồ khu mộ, danh sách những người đổ đạt, quan hệ cưới gả với các họ..v.v. 

● Phụ khảo: Việc giỗ chạp là tập tục tốt, kỷ niệm ngày mất của người thân, có các lễ thức, có văn khấn, có thể làm đơn giản hoặc bề thế nhân có yêu cầu sum họp, quyết định điều quan trọng. Tất cả cần sự nghiêm túc, nhắc lai lịch hành trạng người mình cúng để con cháu nhớ. Nội dung văn khấn do người lớn trong nhà thực hiện, với nhang đèn đàng hoàng, nội dung chủ yếu là cầu mong người chết và tổ tiên phù hộ cho con cháu “bình yên vô sự, tai qua nạn khỏi, làm ăn sung túc…” 

Trước hết khảo về địa chí xóm ấp từ ngày xưa cho đến hiện nay, khảo về nghề truyền thống, mô tả những công trình kiến trúc tiêu biểu như đình, miếu, chợ…

Lập dàn bài cho một bộ gia phả

Trước khi dựng bộ gia phả, ta lập dàn bài chi tiết, cấu trúc hợp lý, phù hợp với qui mô, đặc điểm dòng họ.

Phần trên đoạn: Nói mục đích, yêu cầu, vai trò, vị trí của phả trong dòng họ và trong xã hội: +Nuớc có sử nhà có phả, giúp cho con cháu biết rõ lịch sử dòng họ, tự hào truyền thống cha ông, sống xứng đáng với tổ tiên. Cụ thể giúp cho việc quan hệ thưa gởi đúng, ghi nhớ ngày giỗ, cưới hỏi không vi phạm….

Nội dung:  

1. Phả ký:

1.       Tổ phụ và tổ quán

:+ Vị tổ đầu tiên: tiểu sử vị Tổ, lai lịch, hành trạng (Nếu có gia phả cổ thì địch ra chữ Quốc ngữ rồi ghi vào) - Bà tổ: tiểu sử của bà.

+ Tổ quán: Ở đây ta viết về địa lý lịch sử xóm ấp, nơi vị tổ đầu tiên tới khai cơ lập nghiệp, trước tiên nêu tên gọi các giai đoạn lịch sử, ranh giới hành chánh, địa lý sông ngòi, đường sá, chợ, đình chùa. Các dòng họ sống cộng cư. Địa điểm dòng họ mình đang sống, nhà thờ họ, khu mộ.

+  Vẽ bản đồ xóm ấp (theo http://WIKIMAPIA.ORG)

+  Các thế hệ: Theo qui luật hôn nhân, ông tổ sinh ra các chi, phái, hệ số lượng là bao nhiêu, đến nay là mấy đời, tổng số con cháu, hậu duệ, đã cưới, gả với bao nhiêu họ khác.

+  Truyền thống lao động, sản xuất: xác định nghề nghiêp chính nhự nghề nông chẳng hạn: ai, đời nào có tay nghề truyền thống, mô tả chúng; ai kinh doanh buôn bán, ai viên chức.

+ Truyền thống văn hóa: Tín ngưỡng tôn giáo, truyền thống thờ cúng ông bà, chăm lo tạo phúc đuức cho con cháu, lo mồ mả, nhà thờ họ, gia phả

+  Truyền thống yêu nước: bám đất giữ làng, đi bộ đội, hoạt động cách mạng, các cá nhân tiêu biểu

+   Truyền thống xây dựng tổ ấm gia đình

2 Đặc điểm tính chất dòng họ và phương hướng xây dựng dòng họ văn hóaNêu khái quát những ưu điểm của dòng hô vê la d0o65ng sản xuất, về văn hóa, về lòng yêu nước va đề ra những điều cơ bản  để xạy dững gia đình văn hóa ngày nay.

2. Phả hệ

+   Đời thứ …..Con của ông…..và bà….

+   Khung tên họ: Khung gồm tên chồng và vợ 1, vợ 2. Ghi tên họ, dong kế ghi năm sanh – măm mất theo âm lịch, dòng kế ghi gày giỗ, dòng cuối chi mộ chôn.

Ghi tiều sử hai vị.

Ghi các con theo thứ tự con trưởng, thứ hai, ba đến hết.

Chú ý cách ghi ngang hay ghi dọc phải nhất quán từ đầu.

 3. Phả đồ:

 Phả đồ từng chi và tổng phả đô theo mẫu thường dùng

4.  Ngoại phả 

+  Mô tả các lễ cúng chính và văn khấn. Mô tả nhà thà thờ họ và Hội đồng gia tộc, nếu có.

+   Mô tả các khu mộ: ghi vi trí và ten người theo mộ bia.

+   Danh sách người có học vị.

+   Biểu ghi quan hệ cưới gả.

+   Danh sách ngày giỗ+

+   Tiểu sử nhân vật tiêu biểu.

5. Phụ khảo:

+   Địa chí xóm ấp

+   Đình làng

+   Ngành nghề truyền thống

 

PHẦN BỐN

Bài mẫu: GIA PHẢ HỌ PHẠM, XÃ PHƯỚC LONG,
HUYỆN GIỒNG TRÔM, TỈNH BẾN TRE

Bộ gia phả nầy của dòng họ Phạm với Anh hùng lao động, Nghệ sĩ nhân dân Phạm Khắc, do Nguyễn Hữu Trịnh,  Thông Thanh Khánh và Nguyễn Ứng hợp dựng năm 2005, nay đưa ra làm mẫu.

Bộ gia phả này có mấy ưu điểm là dựng tương đối đúng theo bố cục hợp lý chung đã hướng dẫn, cách viết nghiêm túc ngắn gọn; có phát hiện vài yếu tố mới như tìm ra mối quan hệ thân tộc giữa Phan Văn Trị với họ Phạm… Mặt khác do lúc đó chưa được hướng dẫn hoặc do truy tìm chưa tới mức, như không có phần mô tả các đặc điểm chức năng dòng họ, không có ngoại phả. 

Gia phả họ Phạm có các phần:

Lời tựa - Chính phả với phả ký, phả hệ, phả đồ  và Phụ khảo. Lúc ấy, nhóm đi dựng gia phả nhập phần ngoại phả vào phụ khảo và chỉ nêu thành mục phụ khảo

Dưới đây trích một phần của bộ gia phả họ Phạm để làm mẫu cho bạn đọc tham khảo:

Lời ngỏ

 

“Chim có tổ người có tông”, “Cây có cội, nước có nguồn”, những câu ca dao nói lên đạo lý của con người Việt Nam chúng ta đã lưu truyền bao đời nay dẫu cho xã hội có nhiều biến động, thay đổi. Vì vậy việc truy tìm nguồn gốc tổ tiên, chăm lo mồ mả ông bà, là những điều gần như nằm trong tiềm thức của mỗi một con người Việt Nam.

Ông tổ dòng họ Phạm chúng ta đến lập nghiệp tại xã Nhơn Thạnh, Giồng Trôm, Bến Tre đã hơn 150 năm nay. Các bậc tiền bối họ Phạm đã cần cù lao động với mong muốn gầy dựng cho con cháu đời sau một tiền đồ sáng lạn hơn. Đất nước trải qua nhiều binh biến, các bậc tiền nhân và con cháu họ Phạm chúng ta cũng đã sả thân vì đại nghĩa. Tất cả những điều đó là những tấm gương sáng để con cháu học tập noi gương, tiếp tục truyền thống của gia đình và dòng họ để phấn đấu xây dựng một cuộc sống ấm no hạnh phúc cho chính bản thân mình và góp phần xây dựng cộng đồng xã hội.

Trong thời kỳchiến tranh, họ Phạm chúng ta chưa có điều kiện để dựng bộ gia phả cho dòng tộc mình nhằm thắt chặt hơn nữa tình cảm giữa những người bà con ruột thịt, để có thể cùng nhau chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống, cũng như để nhắc nhở con cháu về truyền thống dòng họ mình, mà nó có thể là niềm tự hào và sức mạnh tinh thần quí giá trong hành trang của mỗi thành viên dòng họ trên con đường lập nghiệp.

Sau ngày giải phóng, đất nước thanh bình, trong dòng họ Phạm chúng ta có ông Phạm Minh Triều (đời V) và ông Phạm Hữu Phùng (đời V) đã có những tìm tòi, ghi chép về bà con dòng họ. Tuy nhiên đó chỉ là sự nhiệt tình đáng quí chứ chưa thể đem lại cho dòng họ một bản gia phả hoàn chỉnh.

Thời gian cứ trôi qua như không hề chờ đợi một ai, một sự việc gì, ông Phạm Hữu Phùng qua đời, ông Phạm Minh Triều thì già yếu. Thiết nghĩ rằng, muốn xây dựng một bộ gia phả hoàn chỉnh cũng cần phải có thời gian, nhân lực và những chuyên môn nghiệp vụ nhất định. Vì thế mà ba anh em chúng tôi (Phạm Minh Triều, Phạm Khắc và Phạm Minh Bạch) với sự đồng ý của những bậc cao niên hiện còn sống, đã nhất trí quyết tâm tìm cách xây dựng hoàn chỉnh bộ gia phả họ Phạm.

Chúng tôi đã tìm đến Nhóm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả Tp.HCM, nơi có người bạn của Phạm Khắc là ông Võ Ngọc An - trưởng nhóm - để nhờ Nhóm giúp đỡ.

Ngày 10-4-2005, Nhóm gia phả cùng những người đại diện dòng họ đã có buổi điền dã đầu tiên về xã Phước Long và xã Nhơn Thạnh để tìm hiểu, ghi chép bà con dòng họ và nhất là để tìm hiểu vị thuỷ tổ của dòng họ mình. Trải qua nhiều đợt điền dã ở các xã thuộc huyện Giồng Trôm, ở Đầm Dơi thuộc tỉnh Cà Mau và một số nơi tại Tp.HCM, nay gia phả đã cơ bản hoàn thành xin giới thiệu đến bà con dòng họ để chúng ta cùng tham khảo.

Việc xây dựng gia phả, nhất là với những họ không có phả gốc như họ Phạm chúng ta là một việc làm hết sức khó khăn. Vì thực hiện trong một thời gian ngắn, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những khiếm khuyết. Công việc xây dựng gia phả lại là công việc cần được tiến hành thường xuyên và liên tục, chúng tôi mong rằng toàn thể bà con dòng họ Phạm chúng ta hãy cùng nhau tiếp tục góp sức xây dựng, bổ sung để gia phả của chúng ta ngày càng hoàn chỉnh.

Cũng qua đây chúng tôi xin chân thành cảm ơn Nhóm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả Tp.HCM đã giúp chúng tôi hoàn thành bộ gia phả này. Xin hoan nghênh sự hợp tác của rất nhiều bà con họ Phạm chúng ta trong quá trình dựng phả vừa qua.

Chào thân ái,

                                                                                  Mùa thu năm Ất Dậu, 2005

                                                                                  Các cháu đời V họ Phạm:

                                                                                    PHẠM MINH TRIỀU
                                                                                               PHẠM KHẮC
                                                                                          PHẠM MINH BẠCH

 

Phả ký

 Tập gia phả này ghi lại cánh bà con họ Phạm là hậu duệ của ông Phạm Văn Vân, người đầu tiên đến sinh cơ lập nghiệp tại xã Phước Long, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Cánh họ Phạm ở đây có nguồn gốc từ họ Phạm ở xã Nhơn Thạnh, huyện Giồng Trôm. Tuy rằng trong phần phả hệ, cánh họ Phạm ở Nhơn Thạnh chưa có điều kiện đề cập đến, nhưng phần phả ký, khi tìm hiểu về phát tích của dòng họ Phạm ở xã Phước Long, chúng ta không thể không đề cập đến họ Phạm ở Nhơn Thạnh.

Việc xây dựng bộ gia phả của dòng họ Phạm ở xã Phước Long, huyện Giồng Trôm có gặp những khó khăn nhất định, bởi một số lý do như: dòng họ không có gia phả gốc, thời chiến tranh bà con ly tán, mộ của những bậc thuộc các đời đầu đa số là mộ đất, không có bia, có chăng cũng chỉ là sự tôn tạo của con cháu trong những năm gần đây. Vì vậy, sự hiểu biết về tổ quán cũng như tổ phụ chỉ là những truyền ngôn, không đầy đủ, chính xác.

Việc ghi chép lại phả hệ của dòng họ chủ yếu là dựa vào ký ức của bà con hiện còn sống. Tuy nhiên việc xác định tổ quán, phát tích dòng họ, việc xác lập mối quan hệ giữa các nhóm họ Phạm có quan hệ thân tộc chủ yếu hiện sinh sống trên đất Giồng Trôm thì việc dựa vào ký ức cũng có nhiều hạn chế.

Phần phả ký này chủ yếu đề cập đến các vấn đề sau:

-    Xác định tổ quán và vị thủy tổ.

-    Nói lên được quá trình hình thành, phát triển của dòng họ.

-    Những đặc điểm của dòng họ và mối quan hệ của dòng họ đối với xã hội.

I. VỊ HỌ PHẠM CAO NHẤT Ở XÃ PHƯỚC LONG - ÔNG PHẠM VĂN VÂN

Trước hết cần nói rằng họ Phạm ở xã Phước Long và họ Phạm ở xã Nhơn Thạnh cùng huyện Giồng Trôm là cùng một gốc. Bà con họ Phạm ở xã Phước Long vẫn truyền miệng nhau rằng tổ tiên của mình những ngày đầu đặt chân đến Bến Tre là tại xã Nhơn Thạnh. Song để đưa ra những yếu tố chứng minh cho điều đó thì chưa ai làm được.

Vị họ Phạm cao nhất của cánh họ Phạm xã Phước Long, cả ông và bà mộ chôn tại khu mộ của dòng họ. Nhưng cho đến lúc tiến hành dựng bộ gia phả này, con cháu cũng không biết tên, năm sinh, năm mất và hành trạng của ông bà. Mộ của ông bà mới được con cháu tôn tạo vào năm 1990. Bia trên mộ của ông, bà được ghi bằng chữ Việt là: “Phần mộ cụ ông thân sinh ông Phạm Văn Dư”“Phần mộ cụ bà thân sinh ông Phạm Văn Dư”, ngoài ra không có thêm những thông tin gì khác.

Tuy nhiên, trong quá trình dựng bộ gia phả này, nhóm thực hiện đã xác định được tên của ông bà và năm sanh của ông, qua tham khảo một số tư liệu tại Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bến Tre như sau:

-    Trong bản tương phân ruộng đất mang ký hiệu số 368 có nói rằng, đất của ông Phạm Văn Vân cho con là Phạm Thị Phải.

-    Trong bản tương phân ruộng đất mang ký hiệu số 372 có nói rằng đất của ông Phạm Văn Vân cho con là Phạm Văn Dư.

Ông Phạm Văn Dư như chúng ta đã biết, đó là ông nội của ông Phạm Khắc (người đứng ra xúc tiến thực hiện dựng bộ gia phả này). Như vậy chúng ta có thể kết luận rằng “cụ ông thân sinh ông Phạm Văn Dư”, tức vị họ Phạm cao nhất ở xã Phước Long như đã nói ở trên là ông Phạm Văn Vân.

Qua hai bản tương phân ruộng đất nói trên còn cho chúng ta biết ông Phạm Văn Dư còn có một người em gái, hoặc chị gái là Phạm Thị Phải. Đây là nhân vật mà chúng ta không nghe bà con dòng họ nói đến, khi đề cập về những người con của vị tổ họ Phạm ở Phước Long.

Trong sáu người con của vị tổ họ Phạm ở Phước Long thì: người thứ hai không biết tên, người thứ tư cũng không biết tên (bà Ba Vít - đời V - nói rằng theo bà biết thì đó là một người con gái). Cả hai người này cho đến nay chưa tìm thấy hậu duệ của họ. Vì vậy, cũng có thể bà Phạm Thị Phải là một trong hai người này. Đó cũng là vấn đề đặt ra để con cháu trong dòng họ nếu có điều kiện sẽ tiếp tục làm rõ thêm.

Cũng tại Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bến Tre, trong hồ sơ tương phân ruộng đất, tổ thực hiện gia phả lại tìm được một bản khai sanh của bà Phạm Thị Phải.

Tờ giấy khai sinh của bà Phạm Thị Ngự (Phải)

 

Chính xác là khai sanh của bà Phạm Thị Ngự, tên thường gọi là Phải (tiếng Pháp ghi là dite Phải) trong đó ghi tên cha là Phạm Văn Vân (trùng khớp với giấy tương phân ruộng đất số 368 nói ở trên). Trong giấy khai sanh này còn có tên mẹ là Võ Thị Đừng, trong bản khai sanh cũng khai đây là “vợ chánh”. Vậy bà chánh thất của vị họ Phạm cao nhất ở xã Phước Long là bà Võ Thị Đừng.

Điều quan trọng hơn là qua giấy khai sanh này chúng ta tìm ra được năm sanh của ông Phạm Văn Vân. Khai sanh ghi năm sanh của bà Phạm Thị Ngự là 1892. Phần tuổi của cha (tức ông Phạm Văn Vân) ghi là 44 tuổi.

Năm 1892, ông Vân 44 tuổi, vì vậy ta có thể xác định năm sanh của ông Phạm Văn Vân là 1848.

Như vậy đối với vị họ Phạm cao nhất ở xã Phước Long đã được xác định danh tánh, tuổi tác, cùng danh tánh của bà chánh thất. Đó là những dữ liệu quý giá để chúng ta có cơ sở cho những lý giải xa hơn về nguồn gốc của dòng họ

Điều cần nói thêm rằng, trong giai đoạn hiện nay, ở tỉnh Bến Tre đang có những vấn đề phức tạp về đất đai, ruộng vườn. Nên chủ trương chung của tỉnh là tạm thời không cho phép sao lục các giấy tờ liên quan đến đất đai ở các cơ quan quản lý lĩnh vực này. Vì vậy tổ thực hiện gia phả không thể photocopy các bản tương phân ruộng đất kể trên để làm cứ liệu.

II. ÔNG PHẠM VĂN VÂN - CON CỦA VỊ THỦY TỔ HỌ PHẠM Ở XÃ NHƠN THẠNH

Ngày 10-4-2005, tổ thực hiện gia phả họ Phạm của Nhóm Nghiên cứu & Thực hành Gia phả Tp.HCM đã cùng đại diện dòng họ Phạm cánh ở Phước Long (gồm có ông Phạm Khắc và ông Phạm Minh Bạch) đã có chuyến đi đến xã Nhơn Thạnh gặp bà con ở đây để tìm hiểu về tổ quán và vị thủy tổ của dòng họ mình.

Ở xã Nhơn Thạnh, đoàn đã gặp một số bà con họ Phạm thuộc cánh trực hệ của ông Phạm Văn Hậu (đời II). Trong đó có ông Phạm Hoàng Minh (đời VI, con của ông Phạm Trường Cửu, ông Minh gọi ông Phạm Văn Hậu là ông sơ). Ông Minh hiện nay là người chăm sóc các ngôi mộ tổ tiên họ Phạm ở xã Nhơn Thạnh. Ở khu vườn trước nhà ông Minh có khá nhiều mộ, đáng chú ý nhất là 4 chiếc mộ đất. Trong đó có hai ngôi mộ ông Minh gọi bằng sơ (mộ ông bà Phạm Văn Hậu) và hai mộ ông Minh gọi là mộ tổ tiên (ông bà thân sinh của ông Phạm Văn Hậu).

Trong vai vế quan hệ thân tộc, ông Minh (đời VI) gọi ông Phạm Khắc (đời V), bằng bác. Như vậy ông cố của ông Phạm Khắc (tức ông Phạm Văn Vân - đời II) và ông sơ của ông Phạm Hoàng Minh (tức ông Phạm Văn Hậu, đời II) là quan hệ anh em. Ông Phạm Khắc là bác của ông Minh (tức cánh họ Phạm ở Phước Long là vai anh của cánh họ Phạm ở Nhơn Thạnh) vì vậy ông Phạm Văn Vân (ở Phước Long) là anh của ông Phạm Văn Hậu (ở Nhơn Thạnh).

Tuy nhiên ông Phạm Văn Vân và ông Phạm Văn Hậu có phải là anh em ruột hay không? Điều này liên quan đến việc lý giải thuyết phục hay không rằng cha mẹ của ông Phạm Văn Hậu (mộ chôn tại Nhơn Thạnh, trước mặt nhà ông Phạm Hoàng Minh) cũng chính là cha mẹ của ông Phạm Văn Vân. Đó cũng là lời giải cho quá trình đi tìm vị thủy tổ của họ Phạm ở xã Phước Long. Chúng ta hãy xét đến hai điều cần lưu ý sau đây:

-          Thứ nhất, cả hai bên (Phước Long và Nhơn Thạnh) đều nói tổ tiên của mình từ ngoài Trung vào Bến Tre bằng phương tiện ghe bầu. Và những người ở cánh Phước Long như bà Ba Vít (đời V), ông Phạm Khắc (đời V)… đều nói rằng gốc gác của vị tổ mình là từ xã Nhơn Thạnh và trên thực tế hai cánh này vẫn nhận là có bà con với nhau, vai vế như hiện nay là do những bậc tiền bối lưu truyền lại, mà ngày nay con cháu cả hai bên không thể giải thích có ngọn ngành được.

-          Thứ hai, ông Phạm Hoàng Minh (con ông Phạm Trường Cửu), bà Phạm Thu Hà (con ông Phạm Thiên Tứ - đời V) thuộc cánh họ Phạm ở xã Nhơn Thạnh nói rằng họ được cha mẹ, ông bà lúc còn sống kể rằng tổ tiên đến Nhơn Thạnh lập nghiệp với tài sản là một đôi quang gánh. Đôi quang gánh đó sau này được xem như một vật lưu niệm của vị thủy tổ dòng họ Phạm và nó được lưu lại tại nhà của một hậu duệ họ Phạm bên xã Phước Long là ông Cò Nguyện. 

Ông Phạm Minh Bạch (Chín Chiến) thuộc cánh họ Phạm ở Phước Long, hiện nay sống ở thị xã Bến Tre đã tìm hiểu và xác định rằng: ông Cò Nguyện chính là ông Phạm Văn Nguyện (cháu nội đích tôn của ông Phạm Văn Vân - vị họ Phạm cao nhất ở xã Phước Long), ông tên Nguyện, ốm, cao và lưng cong như dáng con cò nên mọi người gọi thân mật là Cò Nguyện.

Kỷ vật này chắc chắn ông Cò Nguyện được “thừa kế” từ người ông nội Phạm Văn Vân. Và chúng ta có thể suy luận rằng, trong lúc vị thủy tổ họ Phạm ở Nhơn Thạnh đang có người con ruột là Phạm Văn Hậu với rất nhiều con cháu nối dõi tông đường, kỷ vật của ông tổ chỉ có thể trao cho ông Phạm Văn Vân ở Phước Long với điều kiện ông Phạm Văn Vân là con ruột của vị thủy tổ. Đó là lẽ thường tình phù hợp với tập tục, truyền thống của các dòng họ Việt Nam. Hơn nữa cánh họ Phạm ở Phước Long với vai vế là con trưởng của gia đình.

Như vậy chúng ta có thể kết luận ông Phạm Văn Vân là con của vị thủy tổ họ Phạm có mộ chôn tại xã Nhơn Thạnh hiện nay - người mà theo truyền ngôn của bà con dòng họ từ miền Trung vào lập nghiệp với tài sản ban đầu là một đôi quang gánh. Và như vậy, ông Phạm Văn Vân (ở Phước Long) cũng chính là người anh ruột của ông Phạm Văn Hậu (ở Nhơn Thạnh). 

III. PHÁT TÍCH CỦA DÒNG HỌ

Vị thuỷ tổ đến xã Nhơn Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre từ lúc nào? Ông bà từ đâu đến? Sinh sống bằng nghề gì? Đây là những câu hỏi lớn cần được làm rõ trong mức độ có thể để hiểu thêm về vị thuỷ tổ và tổ quán của dòng họ Phạm.

Từ những tư liệu điền dã và một số tư liệu khảo cứu chúng ta có thể nói như sau:

Như phần trên đã nói, ông Phạm Văn Vân được xác định là sinh năm 1848, như vậy cha của ông Phạm Văn Vân (tức vị thủy tổ họ Phạm) sinh khoảng năm 1823 (nếu chúng ta giả định mỗi thế hệ cách nhau 25 năm, lấy 1848 – 25 = 1823). Nhưng theo truyền ngôn của những người trong dòng họ, thì “ông bà” vào đây bằng phương tiện ghe bầu. Yếu tố “ông bà” cho chúng ta biết trước lúc vào đây ông đã có vợ và đi cùng với vợ. Nếu ước định tuổi lấy vợ ít nhất là 18 tuổi, và sau khi cưới vợ thì đi vào Nam, thì ông bà đặt chân đến Nhơn Thạnh sớm nhất là năm 1841 (lấy 1823 + 18 = 1841). Như vậy, theo những giả định trên thì vị thủy tổ của họ Phạm đến Bến Tre này trong khoảng thời gian của niên đại vua Thiệu Trị (1841-1847) triều nhà Nguyễn.

Như chúng ta đã biết, từ đầu thế kỷ 19, con đường Thiên lý từ Huế vào Gia Định đã được khai thông. Nhưng đường đi còn lắm hiểm trở, với nhiều thú dữ, rừng thiêng nước độc và nhất là quân cướp dọc đường. Vì vậy, những người di cư thường chọn phương án an toàn là đi đường biển bằng ghe bầu. Những người đi đường biển để đến Bến Tre thường bằng hai con đường: Con đường thứ nhất là đến Đồng Nai, Bến Nghé, Tân Bình rồi sau đó đi tiếp về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Bến Tre. Con đường thứ hai là đi thẳng vào cửa Tiểu, cửa Đại, cửa sông Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên rồi ngược dòng vào sâu trong đất liền định cư trên những giồng, gò cao. Trong những cửa sông đó thì cửa Đại, cửa sông Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên là thuộc địa phận tỉnh Bến Tre.

Con cháu trong dòng họ, cả cánh ở Nhơn Thạnh  lẫn cánh ở Phước Long nói rằng tổ tiên mình đã từ ngoài Trung vào bằng ghe bầu. Điều đó phù hợp hoàn toàn với thời điểm và phương cách mà người miền Trung chuyển cư đến lập nghiệp tại vùng đồng bằng sông Cửu Long như lịch sử đã ghi nhận.

Ngày nay, con cháu không biết rõ ông bà quê quán ở tỉnh nào trước khi di cư vào đây. Nhưng theo Địa chí Bến Tre thì trong thế kỷ thứ 18 và nửa đầu thế kỷ 19 thì “nhìn chung các đợt chuyển cư từ miền ngoài, chủ yếu là dân vùng Ngũ Quảng”. Vì vậy chúng ta chỉ có thể phỏng đoán rằng thuỷ tổ của họ Phạm ở xã Nhơn Thạnh và xã Phước Long là người của vùng đất Ngũ Quảng (tức Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam và Quảng Ngãi), đến đất Bến Tre theo trào lưu di dân vào nửa đầu thế kỷ 19.

IV. HỌ PHẠM TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN DÒNG HỌ VÀ DỰNG XÂY QUÊ HƯƠNG

1. Sự phát triển về số lượng

Ông thuỷ tổ họ Phạm đặt chân đến xã Nhơn Thạnh, huyện Giồng Trôm làm ăn và sinh sống ở đó. Con cháu và mồ mả ông bà còn lưu lại nơi đây đã chứng minh điều này. Nhưng qua đời thứ II, người con là Phạm Văn Vân đã đến sinh cơ lập nghiệp tại xã Phước Long, huyện Gồng Trôm. Sinh con cháu nối nghiệp cho đến nay là đời thứ VII.

Ông Phạm Văn Vân, vị tổ của họ Phạm ở xã Phước Long có 6 người con như sau:

-          Thứ hai : không rõ

-          Thứ ba  : Phạm Văn Lại

-          Thứ tư  : không rõ

-          Thứ năm: Phạm Văn Mùa

-          Thứ sáu: Phạm Văn Dư

      -     Thứ bảy: Phạm Thị Giác

Đời III họ Phạm có ba người trai nối dõi đã sinh ra con cháu đông đúc. Ông ba Phạm Văn Lại có 8 người con (trong đó có 6 người là trai - một người chết nhỏ). Con cháu ông Phạm Văn Lại sống tập trung ở xã Thạnh Phú Đông.

Ông năm Phạm Văn Mùa tham gia hoạt động cách mạng, lúc bà vợ qua đời cũng là lúc phong trào cách mạng ở Bến Tre bị Pháp truy bức gắt gao. Những chiến sĩ cách mạng phải chuyển về Cà Mau hoạt động, ông dắt các con về lập nghiệp tại vùng Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Nhưng lúc về già bệnh tật, ông lại quay về Phước Long ở với người cháu Phạm Văn Tường (con người em thứ sáu Phạm Văn Dư) và chết ở nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Mộ ông bà hiện chôn tại xã Phước Long. Ông có 8 người con trong đó có hai người con trai. Tất cả những người con của ông đều sinh sống ở tỉnh Cà Mau, sinh con cháu và tạo nên một cánh họ Phạm đông đúc ở Cà Mau.

Ông sáu Phạm Văn Dư thì ở lại tại Phước Long, con cháu chủ yếu sống tập trung tại đây. Ở Phước Long có một khu mộ thuộc đất nhà của dòng họ tập trung khoảng hơn 20 mộ phần, trong đó có mộ ông bà Phạm Văn Vân (đời II) và mộ ông bà Phạm Văn Dư (đời III). Ông Phạm Văn Dư có mười người con, trừ người con út chết nhỏ lúc 11 tuổi, trong 9 người còn lại thì có đến 8 người là trai.

Bà Phạm Thị Giác lấy chồng ở ấp Mỹ Thạnh, xã Phước Long. Bà Giác có người cháu ngoại là Trần Thị Ngôn và bà Trần Thị Ngôn là mẹ của ông Lê Huỳnh (nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre).

Đời III của họ Phạm sinh ra rất nhiều con cái, nuôi dưỡng lớn khôn và trưởng thành nên người để tạo nên một đời IV thật đông đúc, là bước phát triển về số lượng đáng kể đối với dòng họ Phạm.

2. Truyền thống cách mạng

Đời IV họ Phạm trưởng thành vào giữa đầu thế kỷ 20. Một số người đã tham gia hoạt động cách mạng giai đoạn trước khi thành lập Đảng như: ông Phạm Văn Chương tham gia hoạt động cách mạng rồi bị bắt giam tù ở Tà Lài. Ông Phạm Văn Vu bị bắt đày đi Bà Rá (1935-1938). Đặc biệt có ông Phạm Hữu Vi (Mười Vi) hoạt động và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930. Ông bị bắt đày đi Tà Lài, rồi Bà Rá. Những năm mới thành lập Đảng ông là cán bộ xây dựng cơ sở Đảng ở xã Nhơn Thạnh - tổ quán của mình. Ông là một trong những cán bộ có nhiều đóng góp cho sự phát triển lực lượng Đảng ở Bến Tre, trực tiếp tham gia lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền ở Bến Tre năm 1945 và là phó bí thư Tỉnh ủy Bến Tre năm 1948.

Với sự tham gia cách mạng từ những ngày đầu của những người thuộc đời IV, con cháu đời V họ Phạm tiếp tục đi theo lý tưởng của cha, chú, bác của mình, tiếp tục tham gia cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, gần như toàn bộ họ Phạm ở Phước Long, gia đình nào cũng có người tham gia cách mạng. Điển hình là cánh ông Phạm Văn Dư, tất cả các gia đình đều có con tham gia kháng chiến. Trong cánh ông Phạm Văn Dư, điển hình nhất là gia đình ông Phạm Văn Tịnh (đời IV), ông có 8 người con, cả 8 người đều tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Cả 8 người  này đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có một người là liệt sĩ, một người là Anh hùng lao động.

Trong kháng chiến chống Mỹ có một số người đi du học ở nước ngoài. Trong quá khứ và hiện nay dòng họ có rất nhiều người là kỹ sư, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ, có một số người giữ những trọng trách trong xã hội như ông Phạm Minh Triều (đời V) từng giữ các chức vụ: Tham tán chính trị Sứ quán Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam tại Ba Lan, Phó Chủ nhiệm ủy ban Kế hoạch TPHCM, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre...

Ông Phạm Tấn Phước (Phạm Khắc, đời V), Nghệ sĩ nhân dân, Anh hùng lao động, nguyên giám đốc Đài Truyền hình TPHCM.

Ông Phạm Minh Quang (đời V), hiện là giám đốc bưu điện tỉnh Cà Mau v.v...

3. Đặc điểm của dòng họ

      1. Đặc điểm lớn nhất của dòng họ Phạm đó là có tinh thần cách mạng triệt để, nổi bậc nhất là hậu duệ đời IV và đời V qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Gần như tuyệt đại bộ phận không tham gia chính quyền Sài Gòn. Từ sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, những thế hệ con cháu họ Phạm tiếp tục truyền thống cha ông, cống hiến sức mình cho sự nghiệp xây dựng đất nước.

      2. Ngày nay, do điều kiện sinh sống, con cháu họ Phạm một số sinh sống ở quê nhà huyện Giồng Trôm, nhưng cũng có một số khá lớn ở xa quê hương. Tuy vậy, tinh thần hướng về quê hương, ý thức về dòng họ, tình cảm thân thiện giữa những người cùng huyết thống rất cao. Điều đó được nhìn thấy qua những chuyến điền dã của nhóm thực hiện gia phả đến các xã Phước Long, Thạnh Phú Đông, Nhơn Thạnh, ở tỉnh Cà Mau và một số nơi tại TPHCM. Bà con hồ hởi, đối xử thân tình khi gặp nhau, nhiệt tình hưởng ứng, tạo điều kiện giúp đỡ nhóm thực hiện gia phả, với mong muốn hoàn thành thật tốt bộ gia phả và xem đó như là bảo vật của dòng họ.

3.Truyền thống cần cù lao động, học tập và ý chí vươn lên trong cuộc sống cũng là một trong những đặc điểm lớn của dòng họ Phạm. Như chúng ta đã biết, vị thủy tổ của họ Phạm là dân vùng Ngũ Quảng, đến mảnh đất Bến Tre lập nghiệp với hai bàn tay trắng, phương tiện và tài sản sinh sống ban đầu chỉ là một đôi quang gánh. Nhưng các vị tiền nhân của họ Phạm đã khắc phục những khó khăn của cuộc sống, lao động cần cù, tạo được ruộng vườn, tuy không phải là những người giàu có, địa chủ, nhưng cũng có một số đất đai kha khá làm tài sản thừa kế cho con cháu sinh sống, nuôi dạy con cái nên người. Những hậu duệ của họ Phạm là những người cách mạng đấu tranh cho lý tưởng cao cả của xã hội. Có một số người vươn lên nổi bậc trong những trào lưu cách mạng và nắm giữ những trọng trách của xã hội, xứng đáng với truyền thống của mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi mà vị thủy tổ đã chọn làm quê hương thứ hai cho mình.

4.Nhìn chung họ Phạm cho đến ngày hôm nay là một dòng họ mang bản chất nông dân. Các bậc tiền nhân là những nông dân chất phát, chịu khó làm ăn và có chí tiến thủ, đã rời mảnh đất miền Trung khô cằn để tìm đến miền Nam ruộng đồng phì nhiêu lập nghiệp. Cũng chính vì vậy mà các vị tiền nhân đã đồng cảm và dễ dàng đến với cách mạng, tham gia cách mạng để đem lại cơm no áo ấm cho đồng bào và cho chính bản thân mình. Tuy trên thực tế có một số người sau này trở thành những cán bộ cao cấp, nhưng họ vẫn giữ nguyên sự bình dị, chất phát, mộc mạc - bản chất nông dân của dòng họ. Và nhìn chung dòng họ Phạm cơ bản vẫn là một dòng họ nông dân, đa số sống với nghề ruộng vườn, cũng có một số buôn bán, kinh doanh nhưng không có ai giàu có với tài sản kếch sù hoặc trở thành những ông chủ kinh doanh lớn.

Cho đến ngày nay, nhiều thế hệ con cháu họ Phạm đã có những đóng góp nhất định cho sự nghiệp chung của dân tộc, cho quê hương Bến Tre nói riêng và đất nước nói chung. Thế hệ con cháu hiện nay vẫn tiếp tục truyền thống của cha ông góp phần dựng xây đất nước.

Việc dòng họ chủ trương dựng bộ gia phả là một việc làm thiết thực và rất có ý nghĩa, trước hết là để thắt chặt tình cảm bà con trong dòng họ, để con cháu có điều kiện hướng về cội nguồn, tìm hiểu, chiêm nghiệm những lối sống cao đẹp, sự cống hiến cho xã hội và tinh thần lao động cần cù của cha ông trong quá khứ, đó cũng là phương cách giáo dục con cháu một cách hữu hiệu, giúp cho thế hệ ngày hôm nay tin tưởng, tự hào về truyền thống của tổ tiên mình để sống có ích cho gia đình và cho xã hội.

Các bậc tiền nhân đã thật sự làm rạng danh cho dòng họ. Những cống hiến cho xã hội và nhân cách sống của các bậc tiền nhân trong quá khứ sẽ là niềm tự hào và là sức mạnh tinh thần, luôn đồng hành cùng bước đường lập nghiệp tiến thân của hậu duệ, hy vọng sẽ giúp họ vượt qua những gian nan của cuộc sống để tiếp tục lập nên những kỳ tích, viết tiếp những trang phả đầy tự hào của dòng họ trong tương lai.

 

Phả hệ

 
ĐỜI I

ÔNG BÀ TỔ HỌ PHẠM

Hai mộ đất của ông, bà tổ họ Phạm tại xã Nhơn Thạnh

 

Cho đến nay, chưa ai biết ông bà tên gì, theo những khảo sát trong phần phả ký, chỉ biết rằng ông bà di cư vào xã Nhơn Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre vào khoảng thời gian của triều đại Thiệu Trị nhà Nguyễn. Không biết rõ ông bà có bao nhiêu người con, nhưng có hai người con trai sinh ra hậu duệ lưu truyền đến nay đó là ông Phạm Văn Vân và ông Phạm Văn Hậu.

Ông Phạm Văn Vân xây dựng cơ nghiệp ở vùng đất thuộc xã Phước Long, huyện Giồng Trôm. Còn ông Phạm Văn Hậu ở lại xã Nhơn Thạnh, huyện Giồng Trôm, nơi mà vị Tổ họ Phạm đặt chân đến trong quá trình di cư từ miền Trung vào.

Mộ của ông bà tổ là hai chiếc mộ đất trước nhà ông Phạm Hoàng Minh thuộc cánh ông Phạm Văn Hậu hiện ở xã Nhơn Thạnh.

Năm sinh, năm mất của ông bà không ai còn nhớ, hiện nay ngày giỗ tưởng niệm ông bà Tổ được tổ chức ở Nhơn Thạnh vào 19 tháng 12 âm lịch hằng năm, đó cũng là ngày tảo mộ của họ Phạm cánh xã Nhơn Thạnh.

Như vậy ông tổ họ Phạm có hai người con sinh con cháu đông đúc tạo thành họ Phạm ở hai xã Nhơn Thạnh và Phước Long của huyện Giồng Trôm. Do điều kiện chưa cho phép, phả hệ của gia phả này chỉ đề cập đến con cháu từ đời II của cánh họ Phạm ở xã Phước Long, tức hậu duệ của ông Phạm Văn Vân - một trong hai người con trai của vị tổ họ Phạm có tổ quán ở xã Nhơn Thạnh của huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

ĐỜI II

ÔNG PHẠM VĂN VÂN VÀ BÀ VÕ THỊ ĐỪNG

Mộ ông Phạm Văn Vân

Mộ bà Võ Thị Đừng

    
Cho đến thời điểm tiến hành dựng bộ gia phả này (tháng 4-2005), con cháu vẫn chưa biết tên của ông bà. Mộ của ông bà hiện tọa lạc ở đồng mả của dòng họ ở xã Phước Long, huyện Giồng Trôm, mộ được tôn tạo lại bằng xi-măng vào năm 1990. Trên bia mộ của ông chỉ ghi là “Phần mộ cụ ông thân sinh ông Phạm Văn Dư”, trên mộ bà ghi “Phần mộ cụ bà thân sinh ông Phạm Văn Dư”.

Qua khảo cứu một số tư liệu chúng ta biết được rằng ông tên là Phạm Văn Vân, sinh năm 1848 và bà là Võ Thị Đừng (xem phần phả ký).

Cha mẹ cùng người em trai ở lại xã Nhơn Thạnh, nhưng ông lại sang sinh cơ lập nghiệp ở xã Phước Long và sinh con cháu tạo nên cánh họ Phạm đông đúc tại đây.

Giỗ ông ngày …………………, giỗ bà ngày ……………

Ông bà có 6 người con như sau:

-    Thứ hai  : chết nhỏ

-    Thứ ba    : Phạm Văn Lại

-    Thứ tư     : Phạm Thị ...

-    Thứ năm : Phạm Văn Mùa

-    Thứ sáu   : Phạm Văn Dư

-    Thứ bảy   : Phạm Thị Giác

 

ĐỜI III

CÁC CON CỦA ÔNG PHẠM VĂN VÂN VÀ

BÀ VÕ THỊ ĐỪNG

 

2. CHẾT NHỎ

 

 

 

3. PHẠM VĂN LẠI

Giỗ: 15/12 âm lịch
Mộ: ấp 4 Thạnh Phú Đông

Giỗ 4/3 âm lịch
Mộ: song hồn

 

     

 

Mộ ông bà Phạm Văn Lại

 

Ông Phạm Văn Lại là con thứ ba của ông Phạm Văn Vân và bà Võ Thị Đừng. Ngày xưa ông bà ở tại Cây Dầu, ấp 4 xã Thạnh Phú Đông, cả hai ông bà làm vườn. Giỗ ông ngày nay do người cháu cố Phạm Văn Phết (con ông Phạm Văn Tây, cháu nội ông Phạm Văn Chữ) lo liệu, còn giỗ bà do người cháu cố Phạm Văn Mi (con ông Phạm Văn Tháng, cháu nội ông Phạm Văn Chữ) giỗ.

   Các con là:

-    Thứ hai      : Phạm Văn Sách

-    Thứ ba        : Phạm Văn Sử

-    Thứ tư        : Phạm Văn Chữ

-    Thứ năm    : Phạm Thị Đề

-    Thứ sáu     : Phạm Văn Ngân (chết nhỏ)

-    Thứ bảy     : Phạm Thị Nga

-    Thứ tám     : Phạm Văn Đậu

-    Thứ  chín   : Phạm Thị Sương

 

4. PHẠM THỊ …

 

 

 

Theo lời bà Ba Vít, một trong những người lớn tuổi nhất hiện nay của cánh họ Phạm ở xã Phước Long, bà nói rằng người con thứ tư của ông Phạm Văn Vân là một người con gái, có chồng con, nhưng hiện nay không biết rõ con cháu.

 

5. PHẠM VĂN MÙA

(1859-1939)
Giỗ: 9-9 âm lịch
Mộ: xã Phước Long

 

ĐOÀN THỊ MÓT

(1861-1920)
Giỗ 14-3 âm lịch
Mộ: xã Phước Long

 

Mộ ông Phạm Văn Mùa

Mộ bà Đoàn Thị Mót

 

      Ông là con thứ năm của ông Phạm Văn Vân và bà Võ Thị Đừng. Ông sinh trưởng tại Phước Long, Giồng Trôm, Bến Tre. Lớn lên ông được cha mẹ phân chia cho ruộng đất để sản xuất nhưng vì vợ ông là bà Đoàn Thị Mót mất sớm để lại đàn con côi cút.

      Vào năm 1923 ông đã đưa các người con tìm xuống vùng Cà Mau vừa để tránh giặc Pháp cũng vừa tìm đất khẩn hoang ở Đầm Dơi, Cà Mau. Có thể xem ông là một trong những người đi tiên phong trong việc khai phá vùng đất mới này. Khi công cuộc khẩn hoang ổn định, vì tuổi già sức yếu và cũng vì nỗi nhớ cố hương trỗi dậy sau hàng chục năm xa cách nên ông quyết định quay trở về Bến Tre sinh sống tại nhà người cháu là ông Phạm Văn Tường cho đến lúc qua đời mà vẫn không gặp mặt được con cháu.

      Vì điều kiện đi lại lúc đó rất khó khăn nên những người con của ông tại Cà Mau cũng không thể nào gặp mặt được người cha thân yêu của mình trước khi nhắm mắt.

Mộ của ông và bà hiện an táng tại khu mộ gia đình ở xã Phước Long, Giồng Trôm, Bến Tre.    

Ông bà sinh được 9 người con gồm:

-    Thứ hai    : không rõ tên vì chết nhỏ.

-    Thứ ba      : Phạm Thị Son.

-    Thứ tư      : Phạm Văn Giám.

-    Thứ năm  : Phạm Thị Thắm.

-    Thứ sáu   : Phạm Thị Ẩn.

-    Thứ bảy   : Phạm Thị Diệu.

-    Thứ tám   : Phạm Thị Hoài.

-    Thứ chín  : Phạm Văn Cang.

-    Thứ mười : Phạm Văn Kinh.

 

                                                    

6. PHẠM VĂN DƯ

(1863-1915)
Mất: 4-4 âm lịch
Mộ: xã Phước Long

PHAN THỊ DIỀM

(1865-1951)
Mất: 2-2 âm lịch
Mộ: xã Phước Long

 

 

 

 

Bà Phan Thị Diềm

 

Thuở sinh thời ông bà có làm ruộng vườn, tạo được một số đất ruộng ở Cái Mít, Thạnh Phú Đông và đất vườn ở làng Phước Mỹ dọc theo sông Thủ Cửu, như một trung nông cần cù lao động.

Ông qua đời để lại cho bà 9 người con còn thơ dại, bà là cháu gái của nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị

                                             (xem thêm bài Mối quan hệ thân tộc Phan Văn Trị nhìn từ gia phả họ Phạm… ở phần phụ khảo).

Phát huy truyền thống đấu tranh yêu nước của tiền nhân, bà đã một mình nuôi dạy các con khôn lớn và hướng các con mình vào con đường đấu tranh cho độc lập dân tộc. Những người con của ông bà đã tham gia phong trào đấu tranh cách mạng trong đó có những người đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cơ sở Đảng trong những năm 30 như ông Phạm Hữu Vi, Phạm Văn Nguyện…

Trong những ngày tản cư, năm 1951 bà qua đời tại Bình Khánh, Mỏ Cày, Bến Tre.

Ông bà có 10 người con là:

-    Thứ hai    : Phạm Văn Nguyện

-    Thứ ba      : Phạm Văn Chương

-    Thứ tư      : Phạm Thị Kiềm

-    Thứ năm : Phạm Văn Tường

-    Thứ sáu   : Phạm Văn Tỷ

-    Thứ bảy   : Phạm Văn Nguyên

-    Thứ tám   : Phạm Văn Tịnh

-    Thứ chín  : Phạm Văn Vu

-    Thứ mười: Phạm Hữu Vi

-    Thứ mười một: chết nhỏ

 

Mộ ông Phạm Văn Dư

Mộ bà Phan Thị Diềm

 

 

7. PHẠM THỊ GIÁC

Giỗ: 16-4 âm lịch
Mộ: Thạnh Phú Đông

LÊ VĂN HUỆ

Giỗ 12-4 âm lịch
Mộ: Thạnh Phú Đông

 

 

      Bà Phạm Thị  Giác là con út của ông Phạm Văn Vân, chồng bà là ông Lê Văn Huệ, quê ở ấp Mỹ Thạnh, xã Phước Long, ông làm ruộng và bà nội trợ. Bà Phạm Thị Giác có người cháu ngoại là Trần Thị Ngôn - mẹ của ông Lê Huỳnh, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre.

      Ông bà có 5 người con là:

-    Thứ hai    : Lê Thị Hoa

-    Thứ ba      : Lê Văn Tôn (chết nhỏ)

-    Thứ tư      : Lê Văn Hưng

-    Thứ năm : Lê Thị Thêm

-    Thứ sáu   : Lê Thị Của

 

(Phần Phả hệ này chỉ trích dẫn đến đời III)

 

 Phụ khảo


MỒ MẢ VÀ VIỆC CÚNG GIỖ

Mỗi tộc họ thông thường có một đồng mả riêng để an táng những người trong dòng họ mình, hoặc an táng tập trung trong đồng mả làng, xã... Nhưng với họ Phạm (họ Phạm thuộc cánh ông Phạm Văn Vân ở xã Phước Long), có lẽ do điều kiện khách quan mà mồ mả của dòng họ không được an táng tập trung.

Ông Phạm Văn Vân (đời II) được xem là vị họ Phạm cao nhất ở xã Phước Long, ông có ba người con trai sinh ra nhiều hậu duệ lưu truyền cho đến ngày hôm nay là: ông ba Phạm Văn Lại, ông năm Phạm Văn Mùa và ông sáu Phạm Văn Dư.

Ngoại trừ khu mả tại ấp 6 xã Phước Long, huyện Giồng Trôm tập trung khoảng hơn 20 ngôi mộ, (mà chủ yếu là của con cháu trong cánh ông Phạm Văn Dư). Còn lại đa số mồ mả được chôn trong đất vườn nhà. Con cháu cánh ông ba Phạm Văn Lại hiện nay chủ yếu sống tại xã Thạnh Phú Đông, còn con cháu ông năm Phạm Văn Mùa sống chủ yếu tại Cà Mau. Qua những chuyến điền dã, chúng ta thấy rằng mồ mả của những người quá vãng của hai cánh này được chôn chủ yếu cũng tại đất vườn nhà. Có lẽ chính vì thế mà hằng năm không có ngày dẫy mả chung của dòng họ.

Mồ mả của những vị tổ cũng còn rất sơ sài. Mộ của ông bà tổ họ Phạm và mộ của ông bà Phạm Văn Hậu (đời II) ở xã Nhơn Thạnh, rồi mộ ông bà Phạm Văn Lại (đời III) ở xã Thạnh Phú Đông vẫn còn là những chiếc mộ đất bé nhỏ thật khiêm tốn.

Việc cúng giỗ hiện nay cũng chỉ dừng lại ở phạm vi cúng “ông bà”, cánh nào cúng riêng cánh đó, không có ngày giỗ tổ qui tụ con cháu để ôn lại lịch sử của dòng họ, để con cháu có dịp gặp và biết nhau và để thắt chặt hơn nữa tình cảm ruột thịt.

Giữa cánh họ Phạm của ông Phạm Văn Hậu (đời II) ở xã Nhơn Thạnh và cánh họ Phạm của ông Phạm Văn Vân (đời II) ở xã Phước Long trước đây thời ông Năm Tòng, Năm Bá thuộc cánh họ Phạm xã Nhơn thạnh có qua dự đám giỗ của ông Phạm Văn Dư (đời III) ở Phước Long, từ khi hai người này qua đời thì cánh Nhơn Thạnh cũng không có ai qua.

      Trong quá trình dựng phả cũng đã tìm ra được họ tên của vị họ Phạm cao nhất ở Phước Long là ông Phạm Văn Vân, sinh năm 1848, cùng với họ tên của người chánh thất là bà Võ Thị Đừng. Thiết nghĩ con cháu cũng cần sửa chữa lại mộ bia, vì hiện nay trên mộ bia của ông bà chỉ ghi là “Phần mộ cụ ông thân sinh ông Phạm Văn Dư” “Phần mộ cụ bà thân sinh ông Phạm Văn Dư”.

Việc hoàn thành bộ gia phả họ Phạm có thể xem là thành công bước đầu của dòng họ trong việc “ôn cố, tri tân”, song để có một nơi, một dịp cho con cháu về hội tụ hằng năm hoặc để con cháu ở xa viếng thăm nhằm nhớ lại gốc gác của mình mỗi lần về quê nhà, việc xây dựng nhà thờ của dòng họ và tổ chức lễ giỗ tổ hằng năm là việc làm rất thiết thực mà dòng họ cần quan tâm hơn nữa trong tương lai.

 

NHỮNG CÂU CHUYỆN CHƯA BIẾT VỀ ÔNG PHẠM VĂN MÙA

Vấn đề về ông Phạm Văn Mùa (bà con thường gọi là ông Năm Cà Mau), được xem là một câu chuyện lý thú sau sự kiện phát hiện ra mối liên hệ thông gia giữa họ Phạm và họ Phan, mà kết quả là cử nhân Phan Văn Trị có người cháu gái làm dâu họ Phạm.

Theo câu chuyện truyền miệng của những người lớn tuổi trong dòng họ, ông Năm Cà Mau rời bỏ quê hương về khai khẩn vùng đất mới tại Cà Mau là do yếu tố nghèo khó. Tuy  nhiên trong quá trình sưu tra các tài liệu, những chuyến điền dã để dựng phả chúng tôi đã phát hiện ra rằng sự kiện của ông Năm Cà Mau trái hẳn với những gì mà chúng ta hiểu. Chúng tôi xin chép ra những sự kiện sau đây hầu để minh định cho một con người vốn mang nặng tinh thần yêu nước, bất khuất kiên trung của người dân xứ dừa trong phong trào đấu tranh giành độc lập cho nước nhà.

1.       Tham gia hội kín tại Phước Long

Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, từ những năm khởi đầu của công cuộc chống Pháp. Ông vốn đã ảnh hưởng cái dư âm của cao trào chống Pháp mà căn cứ địa đặt ngay tại quê hương của mình như cuộc khởi nghĩa của Lãnh Binh Thăng, Tán Kế, cuộc khởi nghĩa của Phan Tôn, Phan Liêm. Ông  đã tham gia vào hoạt động của Thiên Địa Hội do Lê Văn Khanh (Tư Khanh) thành lập vào tháng 02/1916. Ông là hạt nhân chính trong việc phát triển hội kín này trong các xã Châu Hoà, Bình Chánh, Phước Long, Tân Thanh, Tân Hào.

Trong cuộc nổi dậy tấn công vào làng Tân Phú Tây, tổng Minh Thiện, huyện Mõ Cày vào trước ngày Tết Nguyên đán năm 1916, do Nguyễn Văn Đáng lãnh đạo dưới sự chỉ đạo và điều phối chi viện lực lượng từ Phước Long do ông Phạm Văn Mùa lãnh đạo. Tài liệu ghi chép về hoạt động Thiên Địa Hội tại Bến Tre được lưu giữ tại chùa Minh Sư  ở Lương Hoà ghi chép rất rõ ràng về sự kiện nêu trên trong đó xác định ông Phạm Văn Mùa được sự uỷ quyền của lãnh đạo Hội đã trực tiếp chỉ đạo cho Nguyễn Văn Đáng tổ chức cuộc tấn công trên.

Một tài liệu khác viết bằng tiếng Pháp nói về cuộc nổi dậy này là tài liệu Monographie de la province de Ben Tre, 1930 đã ghi chép tên ông như là một người lãnh đạo cao cấp của hội kín Thiên Địa Hội tại Phước Long dựa vào lời khai của Nguyễn Văn Đáng. Phong trào Thiên Địa Hội hoạt động rộng khắp sau sự kiện này và đã thu hút rất nhiều nông dân tham gia hưởng ứng khiến cho bọn thực dân Pháp hết sức lo lắng.

Tại các tỉnh Nam kỳ ngoài số tuần canh địa phương, vào năm 1923, chính quyền thuộc địa phải thành lập đến hai mươi chín đội cảnh sát lưu động, mỗi đội gồm một thanh tra Pháp và nhiều tay chân người Việt. Những đội cảnh sát lưu động này lùng sục khắp nơi trong hầu hết các tỉnh. Tuy thế, chính quyền thực dân vẫn không thiết lập được sự ổn định như chúng mong muốn.

Ông Phạm Văn Mùa là một trong những người mà chính quyền thực dân tìm cách bắt bớ giam cầm. Nhưng sự kiện vợ ông mất vào năm 1920 sau những năm cư tang và trước sự đàn áp của Pháp, năm 1923, ông  đã đưa các con rời quê hương xuôi thuyền về vùng  tận cùng của đất nước là mũi Cà Mau vừa khai  khẩn đất đai vừa tìm cách trốn tránh sự tuy nã của bọn thực dân Pháp. Và cũng tại vùng đất Cà Mau này, tên ông lại được ghi chép không phải là người lãnh đạo kháng Pháp mà là người có công đầu trong việc khai khẩn vùng đất mới Đầm Dơi.

2.       Người khai khẩn vùng đất Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau

Theo địa phương chí do quan tham biện chủ tỉnh Bạc Liêu thực hiện, nhà  nghiên cứu Vũ Văn Tĩnh dẫn lại trong bài  nghiên cứu về những thay đổi về địa lý hành chính các tỉnh Nam kỳ trong thời kỳ Pháp thuộc, tạp chí nghiên cứu lịch sử số 146 - 1972 tr 28 ,40 đã cho rằng “Vùng đất Đầm Dơi vốn xưa kia dùng làm nơi căn cứ của vua Gia Long trong giai đoạn đối đầu với triều đại Tây Sơn. Khi lập tỉnh Cà Mau thì địa danh Đầm Dơi đã có từ trước. Tuy nhiên mãi cho đến năm 1924 mới có một nhóm  người từ Bến Tre tìm đến khai hoang trong đó có một người là lãnh đạo của Thiên Địa Hội có tên là Phạm Văn Mùa người dân vùng này thường gọi là Năm Mùa…”.

Từ tư liệu này đã phần nào khái quát lên rằng ông là những người đầu tiên đến khai khẩn vùng đất Đầm Dơi, mở đầu một công cuộc tị địa mới vừa thoát khỏi nanh vuốt ruồng bố của thực dân Pháp vừa tạo nên một đợt thiên cư lớn tìm về vùng đất cực Nam tổ quốc. Ở đây với một vùng đất mà dân gian đã gán cho rằng “xuống sông sấu cắn, lên rừng cọp tha”. Ông đã được xem như  là một trong những người có công đầu trong việc khai phá vùng đất non trẻ này. Ông đã khai phá những vùng đầm lầy tạo thành những vùng đất phì nhiêu để rồi sau đó những người con của ông đã thừa hưởng những mảnh đất mang nặng phù sa bồi tụ tạo nên những cánh đồng trù phú để bù lại cho cuộc sống tha hương.

Những năm cuối cuộc đời, với nỗi hoài vọng cố hương ông đã tìm về lại quê hương và sống với một người cháu ruột (vốn cũng là chiến sĩ cách mạng từng bị tù đày) rồi trút hơi thở cuối cùng trên chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Ông hưởng thọ 80 tuổi, nhưng niềm ước ao duy nhất chưa thực hiện được đó là muốn gặp con cháu trong giờ phút lâm chung để đi vào cõi bất diệt. Đó cũng là nỗi niềm canh cánh đối với những người con cháu của ông ở Cà Mau hiện nay.

 

MỐI QUAN HỆ THÂN TỘC CỦA PHAN VĂN TRỊ NHÌN TỪ
GIA PHẢ HỌ PHẠM Ở PHƯỚC LONG, GIỒNG TRÔM, BẾN TRE

 

Đền thờ Phan Văn Trị ở xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre 

Như một hệ lụy của cuộc đời những con người trong một cuộc chiến đấu kiên trung với một thế lực bán nước và cướp nước thì những di chứng mà những chiến sĩ ấy nhận được là những mất mát lớn lao bên cạnh sự tôn vinh ngợi ca của các thế hệ. Cụ sinh ra vốn đã mang một hệ luỵ như thế trong cuộc trường chinh cùng ý chí và nghị lực, thông qua ngòi bút đã lm dấy lên tinh thần kháng Pháp mạnh me, lan rộng khắp vùng Nam bộ.

Cùng thời với cụ tú tài Nguyễn Đình Chiểu trong phong trào tìm vùng đất để tị địa của hàng sĩ phu yêu nước, cụ Phan Văn Trị đã tìm về làng Nhân Ái thuộc Cái Răng, Phong Điền, Cần Thơ. Một vùng đất hoang vu kinh ngòi chằng chịt làm nơi lánh nạn. Chính tại đây cùng với việc mở trường dạy học để đào tạo các thế hệ học sĩ, tên tuổi của cụ đã được khắc ghi trong cuộc bút chiến diễn ra giữa tiếng súng chống xâm lăng đang nỗ giòn giã ở khắp xứ lục tỉnh Nam kỳ. Có thể xem cuộc bút chiến này là cuộc đấu tranh văn hoá tư tưởng quyết liệt giữa các bậc nho sĩ đương thời mà một bên là đứng về nhân dân tập hợp quần chúng để kháng Pháp, một bên chọn giải pháp hoà hiếu, trung lập, đàm phán theo quan điểm của triều đình và một bên nữa lại đứng hẳn quy thuận với bọn thực dân xâm lược. Cụ cử nhân Phan Văn Trị là người đứng về nhân dân để kêu gọi tinh thần chống Pháp một cách quyết liệt. Chính cái quyết liệt ấy đã nổ ra một cuộc bút chiến đánh Tôn Thọ Tường, một nhà nho hợp tác với thực dân Pháp và cũng là người bạn thơ trong thi xã Bạch Mai ngày nào.

Cuộc bút chiến này mặc dù bị Tôn Thọ Tường tấn công trước bằng những đòn cực kỳ xảo nguyệt, và cử nhân Phan Văn Trị ở tư thế phản công. Nhưng trong mọi cuộc giao tranh, không phải lúc nào kẻ đi tấn công cũng thắng mà nhiều lúc ngược lại. Bằng sức mạnh chính nghĩa Phan Văn Trị đã giáng cho đối thủ của mình những đòn sấm sét bất ngờ, dành thế chủ động ngay từ khởi điểm. Với luận điệu quanh co lấp lửng, Tôn Thọ Tường đã phô bày sức mạnh của kẻ cướp nước để lấy đó làm mối đe doạ cho người kháng chiến thì chính tại đây ông đã bị Phan Văn Trị đanh thép cảnh cáo:

Đừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ.

Lòng ta sắt đá há chẳng lay.

Khi Tôn Thọ Tường lên tiếng với những người kháng chiến rằng phải biết tình thế, phải biết nhìn xa trông rộng thì cũng chính lúc đó Phan VănTrị lại khăng khái chỉ vào mặt họ Tôn trả lời:

Người trí mảng lo danh chẳng chói

Đứa ngu luống đợi tuổi trông chờ.

Và cái tên Phan Văn Trị đã thực sự làm cho bọn thực dân cướp nước chú ý. Chính từ tinh thần đấu tranh kiên trung ấy mà cuộc đời ông đã gặp phải những rắc rối những thăng trầm do thời cuộc mang lại. Thân thế và sự nghiệp của ông cũng từ đó bị hạn chế bởi sự tầm nã, tiêu diệt cuả bọn thực dân và tầng lớp tay sai bán nước cầu vinh.

Từ đó dẫn đến một hệ quả rằng về sau này tất cả các cứ liệu liên quan đến cử nhân Phan Văn Trị đã hoàn toàn bị thất tán. Nhân dân và sĩ phu yêu nước tuy vẫn tôn vinh cụ cử Phan nhưng những tài liệu về cuộc đời của cụ hoàn toàn không ai ghi chép, lưu truyền, có chăng cũng chỉ là mảng sáng tác văn thơ của ông.

Cho đến nay vấn đề thân thế của nhà thơ, vị chí sĩ kiên trung của vùng đất Tây Nam Bộ vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất của các giới nghiên cứu. Mặc dù vào năm 1985 tỉnh Cần Thơ (cũ) đã tổ chức một cuộc hội thảo có qui mô về thân thế và sự nghiệp của cư nhân Phan Văn Trị và sau này có một vài công trình nghiên cứu có tính toàn diện về ông nhưng tất cả vẫn đặt ra cho chúng ta một câu hỏi lớn: rằng quê hương và dòng họ của ông nơi đã hun đúc tâm hồn yêu nước nồng nàn, tính cương trung của một chí sĩ có trách nhiệm với sinh mệnh đất nước trước hoạ xâm lăng cần phải xác định một cách cụ thể và tính thuyết phục cao hơn, nhằm minh xác cho những nguồn tư liệu mang nhiều sự chỉ định khác nhau.

Trong cuốn Phan Văn Trị cuộc đời và tác phẩm hai tác giả  Nguyễn Khắc Thuần và Nguyễn Quảng Tuân đã tóm lược các ý kiến này như sau:

-          Ý kiến cho rằng Phan Văn Trị quê ở làng Hưng Thạnh tổng Bảo An tỉnh Vĩnh Long (Bến Tre ngày nay).

-          Ý kiến của Nhất Tâm Phan Văn Trị 1830 – 1910  lại cho rằng quê ở làng Thanh Hồng tỉnh Gia Định.

-          Ý kiến của Thuần Phong, Bảo Định Giang lại cho rằng Phan Văn Trị sinh tại làng Hanh Thông huyện Bảo An tỉnh Gia Định.

-          Ý kiến của Nguyễn Sanh Kim cho rằng Phan Văn Trị sinh tại làng Long Tuyền, Bình Thuỷ, Cần Thơ.

Tóm lược các ý kiến nêu trên bằng những lập luận có tính khoa học, hai nhà nghiên cứu đã phân tích một cách cụ thể những bất ổn về mặt sử liệu đã được viện dẫn, để rồi cuối cùng đã đưa ra một tài liệu có tính sử liệu cao nhằm xác định lại quê hương cũng như sinh quán của Phan Văn Trị.

Theo hai nhà nghiên cứu trên thì trong tàng bản của thư viện Long Cương được trường Viễn Đông Bác Cổ cho làm microfilm và thư viện KHXH Tp. HCM lưu giữ ở hộp số 137 đoạn vf 314 bộ Quốc Triều Hương Khoa Lục. Nguyên bản Hán Nôm ghi chép về thi cử và những thí sinh thi đỗ thứ hạng cử nhân trở lên của các trường thi cả nước vào thời Nguyễn. Ở quyển thứ 3 ghi về các tân khoa trường thi Gia Định có đoạn chép “Phan Văn Trị, Vĩnh Long, Bảo An, Hưng Thạnh”. Nghĩa là Phan Văn Trị ở làng Hưng Thạnh tổng Bảo An tỉnh Vĩnh Long. Ông thi đỗ cử nhân vào năm Kỉ Dậu (1849). Khoa này, quan bố chánh tỉnh Phú Yên là Vũ Trọng Bình làm giám khảo. Quan án sát tỉnh Quảng Nam là Quản Trọng Tự làm phó giám khảo. Đây là khoa đặc biệt, chỉ có trường Gia Định thi, còn tất cả các trường khác điều phải hoãn đến năm Canh Tuất (1850) vì cả nước bị bệnh dịch hoành hành dữ dội.

Khoa thi này trường Gia Định có tất cả 17 người đỗ cử nhân, Phan Văn Trị đỗ thứ 10. Đỗ  đầu là Vũ Thế Hoà và đỗ thứ hai là Nguyễn Thái Thông tức Nguyễn Thông. Căn cứ vào tài liệu nêu trên chúng ta biết rằng Làng Hưng Thạnh tổng Bảo An tỉnh Vĩnh Long nay thuộc thôn Hưng Thạnh xã Thạnh Phú Đông huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre. Tuy nhiên, trong các tài liệu về Phan Văn Trị các nhà nghiên cứu chỉ dừng lại xác định quê hương bản quán mà không tìm được thân tộc hay dòng họ đang còn tồn tại ở đây. Đó cũng là một vấn đề bỏ ngỏ, mà cho đến nay khi viết về ông ít ai có thể đề cập một cách hoàn chỉnh về dòng họ và vùng đất mà ông sinh ra.

Nhân dịp thực hiện bộ gia phả họ Phạm tại Phước Long, huyện Giồng Trôm  cho ông Phạm Minh Triều nguyên là phó chủ tịch Uỷ ban nhân tỉnh Bến Tre do Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia Phả Tp.HCM thực hiện. Trong những chuyến điền dã, khảo sát về dòng họ Phạm tại xã Phước Long và xã Nhơn Thạnh của huyện Giồng Trôm. Nhóm thực hiện đã phát hiện ra mối liên hệ giữa dòng họ Phạm với dòng họ Phan mà cụ thể là đã cơ bản đã tìm ra thân tộc của Phan Văn Trị bằng những cứ liệu có tính thuyết phục cao.

      Theo tài liệu ghi chép của chị Cúc Xuân giáo Viên Trường PTTH Phong Điền cho chúng tôi biết thì thân sinh của thân phụ của chị vốn là học trò của cụ Phan vào những năm cuối đời tại làng Nhân Ái. Cụ  là người biết rõ về gia thế của cụ Phan đặt biệt là quan hệ dòng họ tại Bến Tre. Cũng theo hồi ức ghi chép của cụ Lê Quang Nhật (thân phụ chị Cúc Xuân) thì cụ Phan Văn Trị có ba người em, một người định cư tại Gò Vấp một người thì sinh sống tại làng Hưng Phú và một người sống ở làng Mỹ Thạnh xã Thạnh Phú Đông, Giồng Trôm. Theo cụ Nhật thì có lần cụ đưa người em tên là Phan Văn San tìm đến làng Nhân Ái gặp cụ Phan Văn Trị và thông qua ông San, cụ biết thêm rằng dòng họ cụ Phan vẫn còn rất nhiều con cháu. Trong đó có ba cháu gái gọi cụ Phan bằng bác ruột làm ăn rất phát đạt là: Phan Thị Diềm, Phan Thị Hoá, Phan Thị Chi.

Từ tư liệu này đã hé mở ra một thông tin rằng tại ấp Mỹ Thạnh qua gia phả dòng họ Phạm và cũng như những ghi chép văn bia tại đồng mả cách khu đồng mả của dòng họ Phạm khoảng 1 km có một ngôi mộ không ghi họ tên người mất mà chỉ để duy nhất các dòng chữ “Các con Phan Thị Diềm, Phan Thị Hoá, Phan Thị Chi đồng lập mộ”.

Từ thông tin gia phả họ Phạm chúng ta biết rằng bà Phan Thị Diềm là vợ của ông Phạm Văn Dư thuộc đời thứ III con thứ sáu của ông Phạm Văn Vân và bà Võ Thị Đừng. Bà Phan Thị Diềm sinh năm 1865 mất ngày  02/02/1951 thọ 86 tuổi. Nghệ sĩ nhân dân, anh hùng lao động, đạo diễn Phạm Khắc - nguyên giám đốc Đài Truyền hình Tp. HCM và ông Phạm Minh Triều nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre làcháu nội của bà Phan Thị Diềm và cũng là cháu cố của cụ Phan Văn Trị.

Cũng trong thời gian thực hiện bộ gia phả họ Phạm tại xã Phước Long, nhóm thực hiện gia phả cũng đã phát hiện ra tấm bia mộ của cụ Phan Văn San được người cháu là Phan Văn Kích con của ông Phan Văn Trò gìn giữ rất cẩn thận. (Ông Phan Văn Trò là người con thứ hai của cụ Phan Văn San).

Từ những cứ liệu nêu trên chúng ta có thể thấy rằng mối lên hệ về dòng họ của cử nhân Phan Văn Trị về mặt cơ bản vẫn còn tồn tại và phát triển cho đến ngày nay. Từ dòng chảy hữu thức hay vô thức sự nối tiếp kế thừa một truyền thống dòng họ luôn được phát huy một cách tối đa. Và cũng từ bộ gia phả này cũng  mở ra cho chúng ta - những nhà nghiên cứu - nhìn về các nhân vật mà vai trò xã hội của họ đã gắn chặt vào sự hình thành và phát triển của vùng văn hoá Nam bộ như cử nhân Phan Văn Trị đã khép lại những tồn nghi và những tranh cãi diễn ra kéo dài từ hàng thập niên nay.

Điều đó cũng có thể khẳng định rằng vùng đất Phước Long, Giồng Trôm là vùng đất địa linh nhân kiệt đã sản sinh ra những nhà văn hoá, những chiến sĩ cách mạng kiên trung, mà nền tảng của nó là yếu tính cơ bản của dòng họ. Từ tinh thần Phan Văn Trị, một chiến sĩ sử dụng ngòi bút trong mặt trận đấu tranh văn hoá tư tưởng, đứng trước sự xâm lăng của thực dân và tính nhu nhược của chế độ phong kiến đương thời, đã làm nên một hiện tượng mang đầy hào khí Nam bộ theo đúng tin thần mà cụ Nguyễn Đình Chiểu đã khẳng đinh “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, đăm mấy thằng Tây bút chẳng tà” của cha ông chúng ta trước di hoạ xâm lăng của bọn thực dân cướp nước.

 

                                   THÔNG THANH KHÁNH

 

 

CÁC MẪU PHẢ ĐỒ

 

 

 

 

 

 

Mẫu phả đồ nằm ngang

 

PHẦN NĂM

CÁC ĐIỀU CẦN NẮM KHI DỰNG GIA PHẢ
 

MỘT VÀI KINH NGHIỆM

Lý do gì tôi có thể làm gia phả họ Đặng, gia phả bên chồng tôi. Thấy được lợi ích gia phả đối với dòng họ,  với sự nghiệp giáo dục, với lịch sử và đối với xã hội; mong muốn tìm về cội nguồn, tổ quán đã ấp ủ từ lâu. Đọc được bộ gia phả họ Đặng Bàu Sim, thấy chi của mình còn thiếu nên cảm thấy bùi ngùi, áy náy, do đó quyết tâm viết cho được gia phả họ Đặng Thúc Liêng thật hoàn chỉnh

Quá trình chuẩn bị:

Bước 1: Nghiên cứu gia phả đã có.

Bước 2: Sưu tầm và trích lục tư liệu của ông tôi là một nhân sĩ  yêu nước miền Nam ở các thư viên, thông tin trên sách, báo và ở dòng họ.

Bước 3: Nghiên cứu, sấp xếp tư liệu.

Bước 4: Ghi phả hệ.

Bước 5: Nghiên cứu cấu trúc bộ gia phả đã có: Mở đầu – chính phả có phả ký, phả hệ, phả đồ – ngoại phả và phụ khảo.

 

Bắt đầu viết: Viết phả hệ cho hết để nắm qui mô và một số đặc điểm dòng họ (nông dân, viên chức hay doanh nhân). Khi nắm được dòng họ rồi thì tìm tổ quán và viết phả ký. Phải đọc một số phả ký mẫu theo cách hướng dẫn. Viết bài mở đầu. Sắp xếp ngoại phả. Vẽ phả đồ.

Tôi xin trích nêu một số kinh nghiệm:

 

Kinh nghiệm “Tự viết gia phả”: Trước tiên phải viết phả hệ theo từng chi, viết hết chi nầy rồi tới chi khác để khi bà con xem được liên tục. Cần viết kỷ phả hệ để nắm toàn bộ qui mô, đặc điểm dòng họ qua lời kể của bà con. Ta sẽ thấy dòng họ nhỏ hay lớn, đông hay ít người, nhiều chi, nhiều đời không, tài sản, chức vụ thế nào, công nhân, nông dân, vên chức, doanh nhân? Viết phả hệ tức là ghi lại lý lịch, tiểu sử khái quát của nhân vật, quan hệ thế thứ của họ. Ghi lại hết những người trong gia đình,, tới con, cháu…Qua phả hệ, nhiều khi ta biết thêm bà con xa gần, mặt ưu, mặt khuyết từng người.

Trong gia phả Bàu Sim có ba chi. Chi 2 và Chi 3 gia phả trước đã viết, chỉ còn chi 1 là ngành trưởng là ông tôi là chưa có mà chúng tôi cần bổ khuyết: ông thứ 1 Đặng Văn Sơn, ông thứ 2 Đạng Văn Lộc và ông thứ 3 tên Đặng Văn Điểm. Như vậy, chi 1 là ông Đặng Văn Sơn, ông nầy sanh 1 người con là Đặng Văn Duy. Ông Duy sanh ba người con là ông Kim, ông Đặng Thúc Liêng và ông Tồn. Ba tiểu chi phát triển và ghi tiếp. Mỗi nhân vật đều ghi tiểu sử ngăn, gọn nhưng đầy đủ họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, năm mất, tại đâu, nghề nghiệp, học lực, sở thích.

“Kinh nghiệm viết phả ký”: Khi nắm được dòng họ rồi ta tìm tổ quán, hoặc qua lời kể của dòng họ hoặc qua trích lục tư liệu, hoặc qua giấy tờ…và bắt đầu làm dàn bài và viết phả ký. Phải đọc một số phả ký mẫu, viết phần nầy là khó nhất, không phả ký nào giống phả ký nào. Vì thông thương ta không biết dược ông bà  tổ  đời 1. Ta phải tranh thủ khai thác những người lớn tuổi, lắng nghe, cân nhắc. Trước khi viêt phả ký, tôi nghiên cứu lại phả hệ, đọc lại nhiều lần đồng thời nghiên cứu dàn bài của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả.

Ông bà Tổ đầu tiên và Tổ quán.

Điều kiện nào thì ta làm gia phả được? Có hai điều kiện: biết được vị  tổ đầu tiên và biết được tổ quán. Vị tổ đầu tiên, là ông bà tổ đời 1., là vị nguyên tổ, thỉ (thủy) tổ, khởi tô, trong mối quan hệ tương đối,  mà người trong họ biết được hay trong sách sử, gia phả đề ra Tổ quán là nơi ông tổ đời 1 sinh sống lớn lên cưới vợ và sanh ra con cái. Có thể từ nơi nào đó tới khai cơ lập nghiệp. Dòng họ nào cũng có một ông bà khởi tổ, còn gọi là ông bà thỉ tổ. Trong một chi họ có một ông bà “đời 1”.

 Khảo cứu các thành viên trong một họ ta gọi là nghiên cứu về kỷ sự các thành viên đó. Kỷ sự, theo Hán – Việt Từ Điển của Dào Duy Anh là “sách ghi sự thật những sự việc”, có sách khác ghi: “Kể tiểu sử của một người, hay kể sự việc riêng tư hoặc có khi kể tiểu sử của nhiều người”.

Về tiểu sử một người, ta nêu lý lịch người đó từ lúc nhỏ đến nay trong mối quan hệ với dòng họ, cha mẹ, anh em, với xóm ấp,lviệc học hành, lớn lên lao động, làm việc, tham gia cách mạng, chiến đấu. Nói về sở thích, tánh tình, lòng yêu thương mọi người.

Cần quan tâm ghi kỷ sự. hanh trạng, tiểu sử người nông dân với mối quan hệ của họ từ tuổi thiếu thời đến khi chết; với gia đình, lao động, ruộng vườn, là người có tay nghề truyền thống ta cần ghi cho rõ.

Việc viết về tổ quán có liên quan đén việc nghiên cứu địa chí xóm ấp là công việc của gia phả, ta chép về địa dư, phong tục, tập quán, nhân vật, sản vật hoặc địa lý,địa lý lịch sử, văn hóa của xóm ấp; Nói địa phương, tổ quán ấy tác động hình thành nếp sống, thái độ một người và nói người đó đã có những hành động, việc làm gì đối với quê hương xứ sở. Cần  mô tả đình, chùa, bến, chợ ở xóm quê ấy.

Đi điền dã và tiếp xúc với dòng họ

Viết sử về dòng họ là phải đi tới dòng họ đó, đây là một kinh nghiệm, một nguyên tắc. Có những công việc cơ bản phải làm: gặp những người am hiểu, những người lớn tuổi để hỏi; hỏi để ghi chép đầy đủ khung nhân sự, hỏi hành trạng, tiểu sử càng nhiều người càng tốt, hỏi thứ tự các con, hỏi kỷ niệm của họ đối với một vài người nổi bật, hỏi nội dung, hình thức các ngày giỗ chạp; quan sát bàn thờ tổ tiên, mô tả cách chưng bày thờ phượng, sao chụp hình ảnh, bằng, giấy tờ; đất đai, nhà cửa rộng, hẹp…

Ta phải chuẩn bị nội dung, cách phỏng vấn.

Quan sát mồ mả, theo cách gọi khác nhau giữa ba miền Nam Trung Bắc về khu mộ, hướng quay đầu khi chôn người Việt, người Tiều khác nhau; ghi tên tuổi, năm sanh năm mất trên mộ bia để đối chiếu; gặp chữ Hán, phải dịch ra Quóc ngữ, chụp hình người, mồ mả, nhà cửa…

Gặp những bà dâu, những người phụ nữ, chú ý hỏi kỷ thân phận người phụ nữ trong gia đình. Những bà dâu thường nói những chuyện đặc sắc. Chú ý loại bỏ khuynh hướng đề cao quá mức, những điểm phi lý, mê tín…Phải đi và truy tìm không phải một lần, song sắp xếp kế hoạch đi càng tỉ mỉ thì việc ít tốn công đi lại, đó là kinh nghiệm.

Việc nhận họ

Ta dựng phả thường là cho từng chi họ. Họ Nguyễn, thực tế là chi họ Nguyễn đó, cha mẹ của ông tổ đời 1 là ai, từ đâu (chi họ miền Nam thường nói “ở miền ngoài, ở Ngũ Quảng vô”). Nếu tìm được gia phả cổ có ghi rõ: từ “Bao Lầy, phủ Tư Nghĩa”, hoặc ghi rõ hơn: thôn ấp, làng xã, huyện nào là ta có thể truy tìm được.

Việc thứ hai là phải ra tới ngoài đó, tìm cho được, thí dụ họ Nguyễn nói trên, hỏi trong họ, trong gia phả (cổ) có ai tên nầy vào Nam và sau cùng ra khu mộ để đọc mộ bia, thẩm tra một số tên người chôn. Phải thẩm tra từ hai phía, từ tổ quán trong nầy và từ nguyên quán ngoài kia, nếu khớp là phải. Có trường hợp ta dựa vào sách sử để kết nối, nếu sách sử chỉ rõ ở hai nơi một cách cụ thể, chính xác. (Trường hợp các dòng họ họp nhứt hiện nay ở các nơi, phải chú ý công việc truy tìm, nhân họ – trước hết phải ghi lại gia phả của chi mình).

Ta còn có việc đổi ngày âm lịch ra dương lịch, cách đổi, đề nghị tra theo sách; công thức truy năm sinh của ông tổ, các chức tước từ các đời vua, học vị ngày xưa; việc xây dựng nhà từ đường, những việc tra cứu từ đinh bạ, địa bạ, lục sổ bộ đời ở Nam bộ. Tất cả là phải tiếp cận với kho lưu trử, thư viện.

Trần Thị Kim Xuyến

 

DỰNG GIA PHẢ CẦN GÌ Ở HÁN - NÔM?

Như ta biết chữ Hán - Nôm hình thành và sử dụng từ lâu trên đất nước ta. Còn chữ Quốc ngữ mới phổ biến hơn trăm năm nay. Nhưng chữ Hán - Nôm đã mai một theo thời gian, chỉ còn trong các kho lưu trữ, đình, chùa, các nhà từ đường, các bằng, sắc, bài vị, mộ bia, các gia phả chữ Hán.

Hiện nay, các nhà nghiên cứu biết Hán - Nôm dần dần ít đi, có trường hợp “người dốt hay nói chữ”, đọc giải thích sai chệch, gây ngộ nhận.

Trong phần việc dựng gia phả có liên quan tới Hán – Nôm: Gia phả, phủ ý viết bằng chữ Hán, bài vị (thần chủ) để ở từ đường, mộ bia chữ Hán khắc trên đá. Theo tập quán, người Việt thường hay dùng chữ Nôm, mà chữ Nôm đọc dễ lầm lẫn chữ nọ thành chữ kia, cho nên phải có sự hợp tác chặt chẽ với người tại chỗ để nhận ra cách phát âm của họ. Biết chữ Hán - Nôm thì cũng đọc được liễn, đối, khám phá được các loại văn tự, khế ước, khoán ước, bút tích cổ xưa bằng Hán - Nôm.

Bài vị, đóng bằng gỗ quí, chạm trổ hoa mỹ, đặt trên bàn thờ, nội dung thí dụ:

Hàng giữa: Đại Nam hiển khảo (tỷ), nguyên hương cả,  đệ tứ hàng chi linh vị tánh Nguyễn húy Phước đệ tứ hàng chi linh vị.

Hàng phải: Ngươn sanh giáp tý niên

Hàng  trái: Tối ư Quý Hợi niên ngũ nguyệt thập lục nhựt, ngọ thời. Hiếu tử Nguyễn Văn Lộc, lập thạch.

● Bài vị: Khi người lớn tuổi qua đời, trong tang lễ người ta lập ngay một bài vị để trên bàn vong và được thờ trong suốt quá trình tang lễ, cho tới ngày đại tường. Theo tục lệ thì “ngũ đại mai thần chủ”, thì đưa vào giỗ tại nhà thờ tộc. Những bài vị xưa ta còn thấy là do gia đình gởi hậu vào chùa như những lọ cốt, nếu gia đình có nhà từ đường thì đưa vào đây là tốt nhất.

● Mộ bia: Hiện nay, đa số mộ bia ghi bằng chữ Việt dễ đọc, dể hiểu nhưng những mộ bia cổ, chữ Hán, nay làm mới ghi chữ Việt dễ bị sai lệch.. Nội dung giống như bài vị nói trên, hàng dưới cùng thì ghi: Nội tôn Nguyễn Văn A, Văn B đồng lập tạch

Bài vị, mộ bia giúp ích cho ta rất nhiều trong việc dựng phả, trong đó tên tuổi, năm sinh, ngày mất, chức vụ lúc sinh thời, tên gọi làng thôn xưa đều ghi rõ. Trong khi dựng phả, chúng tôi đã làm sáng tỏ, hiệu đính, sửa sai rất nhiều cho bà con do không hiểu chữ Hán-Nôm.

Chú ý có mấy trường hợp thường đọc sai: tên bằng chữ Nôm, Rạch Kè thành Rạch Cờ, Bến Nẩy thành Bến Nái, Bến Lầy, Ba Cụm thành Ba Chòm. Tên dân gia dịch ngược ra âm Hán: Bến Nghé thành Ngưu Chữ. Cách chấm câu bị hiểu sai, nhìn lầm mặt chữ, theo phép viết chữ Hán – Nôm.     

                                                                    VÕ VĂN SỔ

 

LỊCH SỬ NAM TIẾN VÀ NHỮNG CUỘC DI DÂN

-          Từ năm 2897 đến năm 2875 trước Công nguyên: nước Văn Lang, họ Hồng Bàng rồi Âu Lạc. Triệu Đà chiếm, khởi đầu Bắc thuộc.

-          Từ năm 76 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ 10: Ngô Quyền, 12 Sứ quân, đến triều Đinh (968 – 980), thời kỳ độc lập tự chủ, ranh giới phía Nam giáp Châu Hoan, Hà Tĩnh nay.

-          Năm 992 Lê Đại Hành huy động 3 vạn người vào huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tỉnh, đến châu  Địa Lý của Chiêm. Đây là đường bộ đầu tiên khai thông Bắc - Nam.

-          Năm 1069, vua Lý Thánh Tông vào đánh Chiêm Thành, Chế Củ bị bắt, xin nộp ba châu Bố Chánh, Địa Lý và Ma Linh. Châu Bố Chánh là Nam-Bắc sông Gianh, Quảng Bình nay. Châu Địa Lý nằm giữa Quảng Bình, nay là Lệ Thủy. Châu Ma Linh nằm ở miền Bắc Quảng Trị, nay là Minh Linh, Gio Linh. Liền sau đó vua xuống chiếu chiêu mộ dân vào ở. Hưởng ứng, nhân dân  Nghệ An vào thành họ tộc, lập các xóm thôn như Phan xá, Hoàng xá, Ngô xá, Vũ xá…(xin xem thêm sách “Ô Châu cận lục”)

-          Thời thuộc Minh, từ năm 1407, đất Chiêm Động và Cổ Lủy lại vể lại  với Chiêm Thành, do nhà Minh quản lý.

      Từ 1418 đến 1425, Lê Lợi chiếm lại Thuận Hóa. Châu huyện vẫn gọi như trước, nhưng biên cương vẫn không yên ổn.

-          Năm 1471, vua Lê Thánh Tông quyết định thân chinh tiến đánh, vây hảm thành Trà Bàn (Đồ Bàn), bắt sống Trà Toàn và chiếm đất đến Thạch Bi Sơn, đặt ra phủ Hoài Nhơn. Vùng đất mới chiếm nầy đặt tên mới là Thừa Tuyên Quảng Nam, trong đó có ba phủ, phủ Hoài Nhơn có ba huyện là  Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn. Năm 1490, đổi Thừa Tuyên thành xứ.

-          Ngoài việc đất Quảng Bình (Châu Bố Chính) di dân theo kiểu họ tộc, trong huyện Khang Lộc có 72 làng Mai Xá, Chu  Xá, Lỗ Xá, Phan Xá, Bùi Xá, Trương Xá; ở Châu Minh Linh có 65 làng. Số quan quân đi đánh Chiêm cũng được phép ở lại. Lại khuyến khích dân Nghệ An thạo nghề sông biển, dùng thuyền vào khai thác Hòai Nhơn. Đặc biệt lại đưa phần tử tù nhân bị lưu đày, chia làm 3 bậc đi 3 nơi: lưu cận châu đi Nghê An, Hà tỉnh; lưu ngoại châu, đi Châu Bố Chánh; lưu viễn châu đi Quảng Bình

-          Từ  năm 1474, có đất Thăng Hoa, việc lưu đày được sửa đổi: lưu cận châu, đi Thăng Hoa; lưu ngoại châu đi Tư Nghĩa; lưu viễn châu, đi Hoài Nhơn.

-          Cuộc di dân thời Lê là quan trọng, người Chăm không chỗ lùi phải sống chung với người Việt, cuộc sống của dân mới yên ổn làm ăn.

-          Từ năm 1558 - 1613, Nguyễn Hoàng  theo sấm Trạng Trình: “Hoành sơn nhất đái vạn đâi dung thân” đã vào Thuận Hóa.

-          Khi Đoan quận công vào xây thành Ái Tử,  đoàn tùy tùng theo ông khá đông, gồm những nhà quyền quý ở Tống Sơn, nghĩa dõng ở Thanh Hóa, Nghệ An và khá đông kiến họ ngoại của Chúa cũng theo vào.

-          Nguyễn Hoàng đánh nhau với tướng nhà Mạc là Lập Bạo. Lập Bạo bị giết, quân sĩ đầu hàng, Chúa cho ở lại đất Cồn Tiên lập lên 36 phường.

-          Năm 1611, quân Chiêm Thành ra đánh biên giới Hoài Nhơn, Chúa đem binh đánh trả, chiếm luôn đất Phú Yên, lập hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa.

-          Năm 1648 - 1687 Nguyễn Phúc Tần, chiến tranh Trịnh - Nguyễn nổ ra, trong 46 năm 7 lần đánh nhau, lần thứ 5, quân Nguyễn đánh ra chiếm 7 huyện của Nghệ An suốt 5 năm, khi rút về dắt theo 3 vạn quân dân đàng ngoài, đưa vào an trí khai hoang vùng Quảng Nam cho đến Phú Yên. Lần nầy có họ Hồ ở Hưng Nguyên (Nghệ An) đưa vào An Khê. Đây là Tổ tiên của ba anh em nhà Tây Sơn.

-          Năm 1672, Trịnh Nguyễn đánh nhau lần cuối, không phân thắng bại, hai bên lấy sông Gianh làm giới tuyến, từ đó Nam Hà tách khỏi ảnh hưởng nhà Lê, hình thành một trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế mới là Tri Thiên – Huế.

-          Từ năm 1691 – 1725, chúa Nguyễn Phúc Chu 3 lần mở rộng lảnh thổ về phía Nam:

      1. Năm 1693 lấy nốt đất Phan Rang, Phan Thiết của Chiêm Thành.

      2.  Năm 1698, họp thức hóa hai vùng Đồng Nai và Bến Nghé của Thủy Chân Lạp, lâp ra Gia Định, với hai huyện Phước Long và Tân Bình và di dân miền Ngũ Quảng vào khai thác. Đó là vùng đất miền Đông Nam bô ngày nay. 

      3.  Năm 1714, tiếp nhận vùng đất Hà Tiên do Mạc Cửu dâng cho chúa Nguyễn, gồm An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

-          Sau đó, Nghi biểu hầu Nguyễn Cư Trinh can thiệp vào cuộc động binh giữa Xiêm La, Cao Miên và họ Mạc Cửu ở Hà Tiên, để tiếp quản nốt vùng  Tầm Đôn- Lôi Lạp - Tầm Phong Long vào bản đồ Việt Nam.

-          Trong những lần vào Nam, Tây sơn bỏ ngũ lại, Nguyễn Ánh lên ngôi đã hợp thức hóa cho số người nầy, tiếp đó là tiếp nhận số “phản Thanh phục Minh”

-          Năm 1954,  Nam bộ có thêm dân miền Bắc di cư.

-          Sau năm 1975 số cán bộ, chiến sĩ; số người thiên cư từ miền Bắc vào khá đông.

                                                             VÕ VĂN SỔ

                                    Tập hợp từ các tư liệu lịch sử

 

PHẦN SÁU

SỰ NGHIỆP DỰNG GIA PHẢ CHO CÁC DÒNG HỌ
LÀ THIÊNG LIÊNG VÀ KHOA HỌC

Có một sự nghiệp mới mẽ và hấp dẫn:

Dựng gia phả cho các chi họ, dòng họ Việt Nam

Tù truớc tới nay, việc dựng phả chỉ do từ một hoặc hai nhân vật có học trong dòng họ đứng ra làm. Đây là lần đầu tiên, một Trung tâm chuyên về việc dựng phả cho các dòng họ ra dời và tổ chức triển khai công việc với nhiều tâm huyết. “Nghiên cứu gia phả là khoa học, thực hành gia phả là thiêng liêng” đã trở thành phương châm cao đẹp của một trung tâm.

Tôn thờ tổ tiên là để ‘vĩnh tồn tôn thống’, là một niềm tín, một tín ngưỡng – tín ngưỡng thờ phụng tổ tiên, gắn với tâm linh, với vận mệnh của dòng họ và của đất nước. Dòng họ có từ xa xưa trong lịch sử, và phát triễn cho tới vô cùng về sau, với những con người và sự việc cùng một ông tổ, theo qui luật hôn nhân và di truyền, tiếp nối, kế tục, phát huy truyền thống văn hóa, truyền thống lao dộng, chiến đấu, bảo vệ đất nước, cùng với các dòng họ khác mà ta gọi là đồng bào, để xây dựng cuộc sinh tồn mãi mãi về sau..

Mục tiêu của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả Tp. Hồ Chí Minh là:

-          Phục hồi ngành gia phả Việt Nam,

-          Dựng phả cho các dòng họ.

Gia phả Việt Nam có lịch sử gần ngàn năm, không kể giai đọan huyền phả - giai đọan có phả, đánh dấu bởi quyển phả đầu tiên là bộ “Hòang Triều Ngọc Điệp”, đời Lý Thái Tổ, năm 1026, tới giai đọan phát triển các đời vua sau đó Lý, Lê, Trần, Trịnh, Nguyễn, cho đến gần cuối nhà Nguyễn, khi các khoa thi chữ Hán chấm dứt (1919), thì môn gia phả cũng suy sụp theo.

Ngày nay, đất nước đổi mới, chúng ta kêu gọi “phục hồi ngành gia phả”, để “giữ gìn bản sắc dân tộc”, “về lại với cội nguồn”, là cách xử sự đúng đắn và hợp lý. Chúng ta có dự kiến dựng ở mỗi xã, ấp một bộ gia phả để làm mẫu, bà con dòng họ có thể theo đó bắt chước làm theo.

Muốn phục hồi một sự nghiệp, là phải bắt tay vào công việc một cách cụ thể, thiết thực: đó là việc dựng phả cho các chi họ. Mục tiêu và các bước đi, trải nghiệm qua mười mấy năm trong thực tế, đã chỉ ra việc dựng phả cho các dòng họ là rất đúng đắn, các dòng họ hoàn toàn ủng hộ; các nhà khoa học nhiệt tình giúp ý kiến, động viên; các cơ quan quản lý nhìn nhận từng bước.

Tuy nhiên phải hiểu ngay vấn đề là không phải chỉ một đơn vị tiến hành một cách đơn độc, mà Trung tâm phải được xã hội đồng thuận, cùng hưởng ứng, đề ra những loại công việc, để những nhà chuyên môn cùng làm, để mọi gia đình cùng làm v.v. Chúng ta rất phấn khởi, các dòng họ như họ Phan, họ Vũ/Võ, họ Nguyễn, họ Bùi, họ Đào, họ Trần, họ Lê…, lần lượt cùng hội kết với nhau, tạo thành những Ban liên lạc họ tộc, đã tìm về, qui tụ lại với qui mô cả nước, hoặc từng tỉnh, thành phô, có nơi tới huyện, xã; đã hấp thu cả người Việt ở nước ngòai và có những chuơng trình xây dựng dòng họ, dựng nhà thờ tổ, xuất bản sách về dòng họ, đã thể hiện yêu cầu to lớn là dựng các bộ gia phả cho các chi họ của mình. Họ đang bắt tay vào, hoặc nhờ đến Trung tâm dựng phả cho họ, và tốt đẹp thay ở hoàn cảnh và các điều kiện xa gần khác nhau như thế nào, họ tộc phức tạp như thế nào, chúng ta cũng đáp ứng họ một cách hoàn hảo!

Thành lập và họat động của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả

Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh, nơi hầu hết các họat đông kinh tế, văn hóa là rất phong phú, đa dạng, năng động và sáng tạo. Việc thành lập Trung tâm Gia phả cũng là điều mới. Nông dân ta đã được giải phóng, tự do, làm chủ thì trong đó cũng phải có quyền hoàn toàn nắm biết về lịch sử dòng họ mình, tức phải có gia phả.

Từ năm 1992 đến nay được 16 năm, ban đầu với danh xưng  là “Nhóm gia phả” mà bây giờ là Trung tâm gia phả ra đời. Ba vị: Giáo sư Mạc Đường, nhà nghiên cứu gia phả Dã Lan Nguyễn Đức Dụ và nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu chịu đứng ra làm Ban cố vấn, đã cho ý kiến thấu đáo, chính xác về đường hướng và phương pháp dựng phả. Khởi sự là khó khăn, xác định mục tiêu, xem như cương lĩnh của nhóm là đúng; cấu trúc, bố cục bộ gia phả là đúng; cách viết phả ký là phức tạp, phả hệ dựng ngang hay dựng dọc, ngoại phả và phụ khảo phân định như thế nào…là những vấn đề tiên quyết cho các bước về sau.

Đi vào thực hiện, Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả đã có những bước đi đúng. Cách đi vào dân, đi tìm hiểu thực tế ở các dòng họ, cách tiếp cận, bắt mối với những người am hiểu trong họ, cách hỏi – phỏng vấn và ghi chép, chụp ảnh, tiếp nhận tư liệu, vừa là kỹ năng, vừa là nghệ thuật, ghi như thế nào là chi tiết, đầy đủ, không phải đi lại một vòng nữa.

Các chuyên viên đi làm, phải vận dụng rất nhiều năng lực, họ phải vào các kho lưu trữ, thư viện để có thêm tư liệu.

Các bộ sách hoặc tài liệu lưu trữ như địa bạ, sổ bộ đời, các lần di dân trong lịch sử, là những tài liệu quý giá.

Trong 16 năm, Trung tâm đã dựng tổng cộng 90 bộ gia phả cho các chi họ, phần lớn là ở phía Nam, cũng có những bộ ở miền Trung và miền Bắc. Đây là những tác phẩm với kỳ công của nó.

Có trường hợp đi xa như đi thực hiện bộ gia phả Phạm Duy ở Quảng Trị, ở đây ta mới ghi nhận và phản ánh đuợc tổ quán, mồ mả, nhà thờ họ, bến sông, đường làng, đình, miếu, chợ một cách giản đơn…, Việc bắt được nhịp sống, cách sống của dòng họ và các dòng họ cùng sống chung từ xưa tới nay là phải kiên trì. Làm sử cho dòng họ là phải tới tận quê (tổ quán) của dòng họ đó, phải quan sát, phân tích, tổng hợp, ghi chép, đúc kết và nâng lên theo một giọng văn, cách viết sử gãy gọn, chững chạc, đầy đủ, luôn là ước muốn của Trung tâm.

Chúng ta có một đội ngũ làm công việc dựng phả, đến nay xem là có tay nghề tương đối vững vàng, tự dựng một bộ gia phả hòan chỉnh, với tư cách là nhà nghiên cứu trung thực, khách quan, tận tụy vì công việc. Tuy nhiên ta vẫn thấy là mình phải cần rèn luyện nhiều hơn nữa, nhứt là về phẩm chất của người nghiên cứu.

Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả hình thành hai tổ chức song hành: một, Chi hội Nghiên cứu và Thực hành gia phả & hồi ký, là những người có đủ năng lực được Trung tâm giới thiệu tham gia vào Hội Nghiên cứu Khoa học và Lịch sử TP.HCM; hai, Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành gia phả & hồi ký, là tòan bộ những thành viên của Trung tâm hiện nay, họ họat động với sự chọn lọc và được mời vào Trung tâm, hoạt động theo cơ chế nhận việc, báo cáo kết quả công việc để được nhận xét, đánh giá con người.

Nói chung, chất luợng các bộ gia phả là khởi sắc hẳn lên, từ các phần trong mỗi đoạn, như phần về đặc điểm tính chất ưu việt mỗi dòng họ, phương hướng xây dựng dòng họ văn hóa (trong phần phả ký), xuất phát từ quan điểm nhận định, với tính khái quát rất cao: “dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng” do Bác Hồ đã chỉ ra, thì mỗi dòng họ ở đấy có những đặc điểm ưu việt nào; về hành trạng, công tích của những thành viên trong gia phả, thí dụ chúng ta đã biết chắc cụ Nguyễn Văn Ruộng, người làm thủy lợi, sử dụng xáng thổi để làm kinh An Hạ, Củ Chi, cách đây 100 năm…

Hai loại hình tổ chức nêu trên, gắn liền nhau, tức là thế và lực bổ sung cho nhau, tính uyển chuyển và tính chặt chẽ đều phát huy tác dụng.

Những điều gì chúng ta có thể rút ra được

để phát huy và những mặt nào còn hạn chế?

1. Trước hết phải nhận thức đúng đắn và đầy đủ vai trò, vị trí và nội dung dòng họ, gia đình:

Gia đình – dòng họ là đối tương của gia phả. GĐDH có trước, gia phả có sau. Nội dung của GĐDH nhứt định sẽ được phản ánh qua gia phả. Ta hiểu một dòng họ càng sâu sắc thì nội dung của gia phả đó sẽ chi tiết, tỉ mỉ, toàn diện.

Chúng ta cho rằng có lịch sử GĐDH, đồng thời cũng có văn hóa GĐDH. Cả dân tộc Việt Nam là một đại gia đình vì “cùng một mẹ sinh ra”. Do quan hệ hôn nhơn, cha và mẹ cưới nhau, gặp nhau đẻ ra con cái và lập thành một gia đình. Nhiều gia đình, theo qui luật di truyền, cùng một ông/bà tổ, cùng huyết thống - thành  một dòng họ.

Gia đình hạt nhân truyền thống Việt Nam không chỉ dựa vào tình yêu vợ chồng không thôi, mà trước hết xác định vai trò của cha và mẹ, là người nuôi nấng, dạy dỗ con từ thơ ấu, lớn lên dựng vợ, gả chồng, cho ra riêng, lập nghiệp với cả khả năng và tình yêu thương vô bờ của mình. Dựng phả, ta chú ý đến gia tư, gia bản của họ. Phải có của riêng mới thành nhà, là của chung của vợ chồng, “của chồng - công vợ” là thiêng liêng và là một chân lý. Nhưng vợ phải có quyền nhiều hơn, tuy người Việt Nam không có thói quen “của anh anh mang, của nàng nàng xách”, mà là: Một trăm chìa khóa em đeo, việc giang san anh gánh, sự đói nghèo mặc em.

Phải chú ý, nhìn sâu đến gia thất, gia đường, đến nhà trong của người ta. Cái nhà không chưa đủ, phải có cái buồng kín cho việc riêng tư vợ chồng, nếp nhà là như vậy.

Đường cũng là nhà song nó thiêng liêng hơn.

Làm suôi, tiếp bạn quí là tiếp giữa gia đường vì chỗ trang nghiêm, có bàn thờ gia tiên, chứng tỏ là gia đình có trên có dưới; có gia đạo, gia  lễ, gia pháp, gia phạm, câu chuyện đằm thắm và luôn chín chắn.

Định nghĩa gia đình Việt Nam:

-          Là tổ chức cơ sở với những người cùng huyết thống và nghĩa tình (có chàng rễ, cô dâu) liên kết lại với nhau;

-          Là một tổ ấm cả về tinh thần lẫn vật chất cho những người sống trong đó. Ông Boutros Ghali, tổng thư ký LHQ nêu: “Gia đình là nơi ẩn náo của sự yên ổn, sự kính trọng và tình thương”

-          Nó có chức năng lớn nhứt là giáo dục;

-          Là một trong những nơi tạo ra của cải vật chất để nuôi sống người trong gia đình;

-          Là nơi sinh con đẻ cái;

-          Là nơi sản sinh và duy trì văn hóa dân tộc.

Lịch sử dòng họ là sự đúc kết từ lịch sử gia đình. Điều mà khi ta làm gia phả đã từng nêu và nay cũng là một hướng để nghiên cứu dòng họ. Định vị, phân giai đọan cho các thời kỳ của gia đình là khó. Từ lúc chế độ quần hôn tan rã, hình thành chế độ thị tộc, một vợ một chồng, với Lạc Long Quân – Âu Cơ, chuyển từ mẫu hệ sang phụ hệ, nhà nước Văn Lang, với 18 đời vua Hùng và dòng họ ra đời. Lúc khởi đầu, người Việt Nam ta có lẽ chỉ biết có mẹ, như Mẹ Âu Cơ mà không biết có cha. Lê Hòan, Lý Công Uẩn tìm ra người cha cũng chưa có, mãi mấy thế kỷ sau, sách Lĩnh Nam Trích Quái kể khi dân chúng bị thủy quái phá hại, mới gọi Lạc Long Quân, Bố ơi! Về cứu chúng con.

Phùng Hưng được dân gọi là Bố cái Đại vương.  

Thời Hùng Vương có tự do kết hôn, như Sơn Tinh – Ngọc Hoa, Chữ Đồng Tử - Tiên Dung. Thời An Dương vương có Trọng Thủy ở rể, có Lỗ Quốc đổi họ ra họ Võ của Võ Trung.

Họ (của dòng họ) có lẽ họ có từ khi nầy?

Từ thế kỷ thứ XV, việc xác lập xã hội phong kiến, tôn sùng Nho giáo, thì gia đình Việt Nam bắt đầu ổn định, việc tu thân, tề gia, xây dựng gia đình theo khuôn phép được coi như một mẫu ngàn đời.

Từ cuối thế kỷ thứ XIX đến cách mạng tháng Tám, gia đình có nhiều thay đổi. Nước mất, quyền lực gia đình cũng sa sút; lại xuất hiện những loại gia đình mới: gia đình làm việc với chính quyền thực dân, gia đình tiểu tư sản.

Với các nghề mới, con cái được đi học, du học chữ Tây, chữ Quốc ngữ; làm quan, hình thành người theo tân học, làm thầy thông, thầy phán,“phi cao đẳng bất thành phu phụ” ... gia phong, gia lễ, kỷ luật gia đình xáo trộn.

Thế kỷ thứ XX, phong trào Âu hóa phát triển, báo chí lúc ấy kêu gọi “phong hóa”, đòi “giải phóng phụ nũ”, có người còn đòi “thủ tiêu gia đình”, như Phan Văn Hùm: “Tôi quả quyết rằng xã hội không cần gia đình, gia đình là cái biểu chứng ngăn sự tiến bộ của xã hội…”; các quan điểm chứa đựng trong đề tài sách gia đình, của Tự Lực Văn Đoàn. Trong đó vấn đề giải phóng phụ nữ, trở thành sự quan tâm chung, song dưới sự thống trị của thực dân thì chẳng đổi thay được gì! Đến thời Pétain lên cầm quyền, đổi khẩu hiệu, từ “Bình đẳng – Tự do – Bác ái” sang “Cần lao – Gia đình – Tổ quốc”. Gia đình, có người cổ súy cho nó song cũng chẳng ảnh hưởng bao nhiêu.

Cách mạng tháng Tám trở đi, nhất là thời kỳ đất nước bị chia làm hai miền, ta không có thời gian bàn về gia đình, song tự nó đã có những sụ biến đổi quan trọng. Các loại gia đình (miền Bắc) được thay thế bằng kiểu gia đình nông dân – xã viên và gia dình cán bộ, đặc biệt vấn đề giải phóng phụ nữ nổi bật lên.

Sự đòi hỏi của kháng chiến, của nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội yêu cầu thanh niên phải xuất hiện với vai trò của mình, gia đình gần như phải chịu sự sắp xếp lại. Nông dân là xã viên không chịu tô tức, cống nạp, mọi người làm chung và chia sản phẩn, đời sống không cao nhưng không ai bị đói. Tuy vậy, ở các lọai gia đình nầy đã bộc lộ nhiều khuyết nhược điểm. Gia đình cán bộ sống bằng lương, có nhà cửa song thường lụp xụp. Gia đình cán bộ có ít nhà lập bàn thờ tổ tiên, ít quan tâm những việc thiết yếu của gia đình, việc dạy dỗ con cái, cho con học nhiều lớp, chạy thi thì phổ biến; tìm việc làm thêm, nhận gia công, buôn bán, thường bị phê bình.

Khía cạnh khác, cán bộ đảng viên cũng cam nhận tình trạng phá bỏ đình chùa, giải tỏa mồ mả bất họp lý, măc dầu hết sức đau lòng; các bộ gia phả cổ bị hủy họai, liên hệ họ hàng phải đề phòng, cán bộ có người dấu nhẹm lý lịch, giỗ tổ tiên ít người nhớ. Do đó vai trò của gia đình như xây dựng tổ ấm, hoàn thiện chúc năng giáo dục gia đình v..v  đang cựa quậy, âm ỉ tìm đuờng ra.

Mặt khác, gia đình xã viên, cán bộ cũng đã để lại ho chúng ta những tấm gương sáng với hàng vạn bà mẹ, bà vợ tiêu biểu, gương mẫu; hàng triêu thanh niên chiến đấu, anh dũng, hy sinh… Nhờ đâu có những tấm gương đó? Nhờ đức tính của người Việt Nam, nhờ tình yêu  dân tộc, lòng yêu nước; nhờ kết quả của truyền thống gia đình, do tâm thức vững bền trong mỗi con người Việt Nam.

Ở miền Nam, chế độ thực dân mới, nửa phong kiến và sự nghiệp giải phóng dân tộc của chúng ta, đã tạo ra hoặc tác động vào dòng họ - gia đình những yếu tố và tạo ra các loại gia đình thế nào?

Phe địch cố gắng hành xử, duy trì các lọai gia đình – dòng họ theo kiểu một phần phong kiến, một phần tư bản, Pháp, Mỹ; cũng có những người theo kiểu truyền thống.

Ta cố tuyên truyền và thực hiện đời sống mới, nếp sống mới. Cuộc đấu tranh khá quyết liệt.

Ở nông thôn, nông dân, những gia đình dồn sức cho cuộc chiến đấu bám đất giữ làng, tòng quân diệt giặc, mặc khác vẫn duy trì các hình thức tang tế, hôn nhơn truyền thống; các lễ chùa, đình đám thì tạm gác lại. Mê tín dị đoan giảm hẳn, có nơi ăn đủa hai đầu, ca hát tập thể, họ tin rằng phải xây dựng đời sống mới, để góp phần cải tạo đời sống.

Tình yêu bền chặt, chờ đợi chồng đi tập kết, những gương chiến đấu anh dũng hy sinh là nhiều vô kể, tất cả những điều đó đều có mối dây từ sự hun đúc, giáo dục truyền thống ở mỗi gia đình.

Ở các thành thị, có các cuộc vận động văn hóa dân tộc, phụ nữ đòi quyền sống, chống văn hóa phản động, đồi trụy, lai căng. Tuy vậy, một số gia đình cũng bị xâm hại tha hóa, mất chất

Ngày nay, đất nước ta là một, Đảng, Nhà nước và nhân dân cùng chung lo xây dựng gia đình - dòng họ văn hóa, xây dựng đất nước thành một khối “dân giàu, nươc mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Ủy ban quốc gia UNESCO VIỆT NAM tổ chức hội nghị “Gia đình và sự phát triển kinh tế xã hội”.

Ngày 22 và 23 tháng 8 năm 1996, Nhà nước ta tổ chức hội nghị tổng kết công tác gia đình văn hóa ở phía Bắc. Báo chí đã đề cập. Các tỉnh, thành phố ra quyết định công nhận các Hội đồng gia tộc, người dân đã qui tụ, nhận họ, lập nhà thờ tổ, lập gia phả, tổ chức khuyến học, khuyến nghiệp, khuyến tài như đã nêu.

Yếu tố tâm linh trong dòng họ. Ta quan tâm đến phần sâu kín hơn trong tâm hồn con nguời, tiếp cận tới những gì thiêng liêng, huyền ảo, thiết thực, cụ thể nhưng khó chứng minh bằng khoa học hiện thời. Song trong thực tế đó là điều đang có trong nhân dân mà ta phải tôn trọng, hiểu, phải giải thích.

      Việc thờ cúng trong gia đình - dòng họ. Mục đích của việc thờ cúng là tín ngưỡng, là văn hóa dân tộc, là thể hiện tâm lý “chết là thể phách còn là tinh anh”, chết cũng như còn, để vĩnh truyền tôn thống, là quan niệm của dân Việt Nam, như đã nêu.

Việc cúng bái là chữ hiếu, bao gồm “sống nuôi dưỡng tử tế, chết tôn thờ nghiêm túc”, đây cũng là dịp con cháu tề tựu đông đủ, mỗi năm một lần nhắc nhở công tích người chết giỗ, đồng thời cũng là dịp ăn uống, bồi dưỡng sức lao động.

Có đám giỗ tổ (giỗ hội) ở nhà từ đường, cũng có đám giỗ bình thường ở mỗi gia đình có thờ phượng từ ông bà sơ trở xuống. Trong lễ giỗ, ở bàn thờ gia tiên có nhang đèn, vật phẩm cúng tùy từng họ, có nơi cúng với hình thưc “việc lề” như ở Nam bộ, lễ cúng có khấn vái.

Văn khấn nêu rõ người được cúng là ai, con cháu là ai cúng, vật cúng là gì, song phần đặc biệt là lời cầu nguyên vong linh người chết hãy về độ trì, phù hộ cho con cháu, hậu duệ phúc đúc, tai qua nạn khỏi, làm ăn phát đạt, công tác trọn vẹn. Lời cầu nguyện, van vái đó, dân ta tin rằng nó được tổ tiên chứng giám và sẵn lòng độ trì, chấp thuận.

Nhiều dòng họ đang cùng nhau xây dựng nhà từ đường của họ. Đây là nét văn hóa khác ta hãy quan tâm: xây dựng tôn nghiêm, tiết kiệm; kiểu cổ, kiểu tân là tùy nhưng phải có bài vị những bậc tiên tổ để chỗ tôn nghiêm, có lư nhang, chưn đèn.

Sách về nhà thờ tổ của các chi họ Hồ Việt Nam phát hành, đăng hầu hết các nhà thờ tổ của họ từ Bắc tới Nam. Họ Vũ/Võ ở Mộ Trạch (tỉnh Hải Dương), xây nhà thờ họ to lớn, uy nghi. Họ Phan phía Nam cũng có nhà thờ tổ mới xây ở Vinh Lộc… Đây là trung tâm qui tụ, đoàn kết của những dòng họ khác nhau để thờ phượng và bàn bạc kế họach xây dựng dòng họ văn hóa (tiếp đó, các dòng họ khác nhau, đoàn kết với nhau để thành khối đoàn kết chung)

Trong họ làm gì để tạo phúc đức? Phúc đức là do tổ tiên tích lủy lại, phần khác do chúng ta chuyên làm điều lành. Phúc là cuộc sống yên lành thanh thản, là có hậu vận tốt. Có phúc không hẳn là chỉ có tiền của,  giàu có, mà phải có hai chữ ‘bình an”

“Vàng tuy trời chẳng trao tay,

Bình an hai chữ xem tài mấymươi

                                      (Gia huấn ca)

Được tồn tại với thời gian, được yên bình là nhà có phức Nhà có phúc là nhà có con nối dõi tông đường, tồn tại, tiếp nối bao đời về sau, nhà có công tích làm rạng danh gia đình dòng họ, ăn ở tốt đẹp, không làm mất lòng làng xóm, để tiếng thơm, không ai trách cứ. 

Ta không có quan niệm: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Nhà không có con trai, ta có hai cách để tạo phúc – cũng là tổng kết từ truyền thống dòng họ Việt Nam:

Một, có con nuôi để thờ phượng,

Hai, “mua hậu”, nộp cho xã ấp tiền của (thường là đất đai) để được thờ phượng (theo sách “An Nam phong tục sách của Mai Viên Đòan Triên) mà nay không còn nữa, hoặc nữa ta còn có cháu, con anh, con em. Có những chàng rể lại thờ phượng tổ tiên nhà vợ đàng hòang. Nhà hay quốc gia phải trường tồn với thời gian, đây cũng chính là tâm linh!

Phải có lòng nhân nghĩa, nhân áilòng thương nguời, có đức mới tạo phúc đươc. Lòng nhân ái, tình người, thể hiện trong những việc nhỏ, song lòng phải trong sáng và phải trải qua thời gian. Có được lòng nhân thì trời sẽ chứng giám, đây là niềm tin mạnh mẽ, vì người Việt Nam tin có trời, thăm thẵm nghìn trùng mà công bằng, minh bạch khi ra tay thưởng phạt. Người dân từ cá nhân, đến từng gia đình và cả dòng họ, đã hướng theo lòng nhân ái này mà tu dưỡng. Phải từ ông bà, cha mẹ để lại cho con cháu từ đất đai, nhà cửa, của cải cho đến sự học hành, cách đối xử.

Gia lễlà những cách thức, nề nếp, phép tắc định ra từ xa xưa  mà người trong họ phải theo. Quan (lễ kỷ niệm sự ra đời và trưởng thành của đứa trẻ), hôn, tang, tế là những lễ cơ bản trong gia đình, việc cưới hỏi, ma chay, giỗ chạp là không thể không làm.

(Sách “Thọ Mai gia lễ” do Hồ Sĩ Tân, đỗ Tiến sĩ năm 1721 đã sọan ra để thực hiện các lễ trong mỗi nhà và được các gia đình hưởng ứng, mặc dầu có nhiều điều hiện nay không còn thích hợp).

Gia pháp, gia phong, gia huấn: Gia pháp là phép tắc (luật lệ) trong gia đình, bất thành văn. Gia phong là nếp, điều con cháu luôn phải gìn giữ, không làm trái, không làm điếm nhục gia phong, gia huấn là những điều đem ra dạy bảo trong gia đình. Nó thể hiện trong mỗi gia đình hoặc đậm nhạt khác nhau, song ở đâu, lúc nào cũng có (xem sách “Văn hóa gia đình Việt Nam” của GS Vũ Ngọc Khánh, NXB Văn Hóa Thông tin)

Truyền thống dòng họ bao gồm truyền thống văn hóa, truyền thống lao động  và truyền thống yêu nước, cả ba nội dung trên un đúc thành truyền thống dân tộc Việt Nam. Truyền thống lao động chủ yếu là nói về người nông dân, cày sâu cuốc bẩm, bạt núi phá rừng, canh tác trên ruộng đồng để tạo cuộc sống cho con cái. Họ thi gan cùng mưa nắng, gian khổ không cùng, tất cả đều xuất phát từ gia đình nông nghiệp. Là người yêu nước, bị ngọai xâm liên tục, ý chí chống ngọai xâm là thường trực trong con người Việt Nam.

2. Nhận thức các vấn đề then chốt về gia phả: Ta chọn từ gia phả để chỉ chung tông phả, tộc phả, ngọc điệp, là lịch sử của một chi họ cụ thể, ghi theo kiểu riêng, đặc trưng. Ở ba miền: Bắc, Trung, Nam nơi nào, người dân cũng quan tâm đến gia phả, song phần lớn chỉ ghi trong ký ức và sử dụng lối truyền miệng để phổ biến, nên không liên tục, không đầy đủ và mất mát dần.

Có những chi họ, do hoàn cảnh mà phải đổi họ.

Qua công cuộc dựng phả, nghiên cứu và sưu tầm, hiện nay ta có được và nắm biết được nhiều bộ gia phả xưa (phần lớn vào thời Nguyễn), có những bộ nêu tỉ mỉ, hoàn chỉnh, không bị những quan điểm sai trái chi phối.

Lịch sử Gia phả Việt Nam có từ khi nào?

Ta có thời kỳ huyền phả, thời kỳ phôi thai và thời kỳ xuất hiện. Theo sách “Lịch triều Hiến chương lọai chí” của Phan Huy Chú, nước ta bắt đầu có gia phả từ thời Lý. Năm Thuận Thiên thú 17, Lý Thái Tổ (Bính Dần 1026) có lịnh biên sọan Hòang triều ngọc điệp.

Trung Quốc có gia phả từ khi xuất hiện sách “Thế bản”  thời nhà Chu (1111 – 256 trước CN). Châu Âu, thế kỷ thứ V mới bắt đầu thời kỳ phôi thai của gia phả.

Như vậy gia phả Việt Nam có sau gia phả Trung Quốc là hơn 1000 nắm; có trước gia phả Châu Âu là 200 năm. Các nhà làm gia phả Việt Nam đang đặt vấn đề: trước thời Lý, gia phả Việt Nam đã có, nhứt là khi ta có thể mượn chữ Hán để ghi, song tại sao hiện nay ta không có bộ gia phả nào cụ thể để làm chứng?

Trong sách “Di sản Hán – Nôm Việt Nam thư mục đề yếu” của Viện Hán - Nôm Hà nội, có khỏang 300 bộ gia phả cổ. Trung tâm dựng 90 bộ, trong các dòng họ đang giữ (gia phả cổ) mà ta bắt gặp ngày càng nhiều. Trong đó, có 8 quyển, do Chương trình nghiên cứu gia phả Việt Nam, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản, đã dịch và lược khảo những bộ gia phả như: “Đinh tộc gia phả’. “Lê thị gia phả”, Vũ tộc thế hệ sự tích”, “Nguyễn gia phả ký”, Mạc thị gia phả”. Cộng với các tài liệu, sách vở nghiên cứu; ta vừa hiểu được lịch sử, vừa rút ra được những nội dung, cách dựng phả, những quan điểm đúng/sai, bố cục bộ phả. May mắn, chúng ta đã xây dựng được bước đi đúng và tạo ra các cách thức, mẫu hình thích hợp để dựng được bộ phả hoàn chỉnh mà các dòng họ chấp nhận và đúng cho sự nghiệp và quá trình dựng phả ngày hôm nay.

-          Tên bộ gia phả:phải lấy tên theo địa lý hành chánh hiện nay, ghi trước hết thí dụ: GIA PHẢ HỌ VÕ, ẤP BÀ GIẢ, XÃ PHƯỚC VĨNH AN, HUYÊN CỦ CHI, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

-          Lời tựa:Nêu lý do dựng gia phả, quá trình, kết quả, đã cùng làm với ai, ưu khuyết, đề nghị con cháu bổ khuyết và ký tên người dựng trong họ.

-          Phả ký:Là lịch sử phát tích dòng hộ với ông bà tổ sinh sống tại tổ quán này (địa chí ấp), trải qua từng thế hệ (đời) cho đến ngày nay. Đúc kết đặc điểm, tính chất dòng họ, những ưu điểm và đề xuất phương hướng xây dụng dòng họ văn hóa. Viết phần nầy là khó, phải sử dụng tài liệu, tư liệu sử và kiến thức sẵn có của chúng ta.

-          Tộc hệ, Phả hệ:Đây là cách viết sử theo cách riêng cho gia phả, ghi theo từng chi, chi trưởng ghi trước, chi thứ ghi sau, con cả (thứ hai) ghi trước, con thứ ghi sau.Trước tiên, ghi trong khung tên họ cả chồng và vợ (nếu có), ghi năm sanh, năm mất, ghi ngày giỗ, tất cả theo âm lịch. Ghi kỷ sự, hành trạng, công tích từng người. Cuối cùng ghi thứ tự các con.

-          Phả đồ: Có nhiều cách vẽ phả đồ, có thể theo cách sơ đồ tổ chức, vòng tròng đồng tâm, cây gia phả, theo mẫu kiểu vi tính…

-          Ngọai phả:Ghi việc thờ cúng tổ tiên, giỗ tộc, giỗ chạp, văn khấn trong họ, nhà thờ tộc, hội đồng gia tộc nếu có, mô tả các khu mộ.

-          Phụ khảo:Ghi lịch sử thôn ấp, sinh họat địa phương, đình, chùa, trường học, chợ, bến đò. Ghi tiểu sử những người có công tích, mẹ Việt Nam anh hùng. Có khi ghi sơ lược gia phả bà cố ngoại, bà ngoại, hoặc mẹ vào phần nầy.

Vai trò Hán – Nôm trong việc dựng phả: Có dòng họ có gia phả cổ ta phải dịch. Cần sở học về Hán - Nôm cổ, có khi phải dịch những câu liễn, các văn tự khác bằng chữ Hán.

Cách ghi kỷ sự, hành trạng, công tích:  Môn tiểu sử học hướng dẫn cách ghi lai lịch, lý lịch một người: Họ tên đang dùng, họ tên khai sanh, các bí danh, tên húy, tên hiệu. Ngày tháng năm sinh, tổ quán, trú quán; dân tộc, tôn giáo, thành phần gia đình, thành phần và nghề nghiệp bản thân, trình độ văn hóa, ngọai ngữ; ngày và nơi tham gia các tổ chức, ngày vào đảng, chức vụ, nhiệm vụ trải qua, hoàn cảnh gia đình.

Quan hệ xã hội: học trường nào, trình độ tốt nghiệp, quan hệ với ai, đời sống, nếp sống, lịch sử bản thân tlúc nhỏ, lớn lên, lúc tham gia cách mạng, năng lực sở trường…

Cách ghi địa chí thôn ấp: Mô tả về địa lý, lịch sử,  các dòng họ sống chung, đình chùa, chợ búa trong ấp, các lọai bản đồ thôn ấp (thường phải tự vẽ).

Cần nắm vững, nắm chắc về qua trình Nam tiêncủa các đợt di dân từ Trung, Bắc vào, ở đâu vào, tên, tính chất đợt di dân, năm nào, đợt nào, vào đâu để có thể liên hệ với dòng họ ta đang dựng phả.

Chúng ta phải có kỷ năng và bản năng dựng phả. Bản năng là cái vốn có, từ trong chiều sâu của mỗi thành viên, nay ta phát hiện, nhận ra và thổi bùng để nó cháy lên thành ngọn lửa say mê của sự nghiệp dựng phả trong chúng ta. Sự nghiệp nầy sẽ tác động, góp một phần làm ấm lên mỗi họ tộc, bởi dòng họ có phả là dòng họ đã thay đổi về chất rồi!

Sách tham khảo:

-          Văn hóa Huế xưa của Lê Nguyễn Lưu,

-          Văn hóa gia đình Việt Nam của GS Vũ Ngọc Khánh.

-          Các sách thuộc Chương trình nghiên cứu gia phả Việt Nam do GS Phan Huy Lê chủ nhiệm.

-          90 quyển gia phả do Trung tâm gia phả TP HCM dựng

-          Các bộ gia phả Hán – Nôm do Trung tâm địch.

  VÕ NGỌC AN

 

ĐỂ GIA PHẢ TRỞ THÀNH NHÂN TỐ TÍCH CỰC TRONG VIỆC
PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA DÂN TỘC VIỆT NAM

Gia phả là lịch sử của dòng họ. Mỗi dòng họ có gia phả hoàn chỉnh, sẽ phản ánh tòan diện, thấu đáo và sâu sắc đến  nội dung vốn có của dòng họ, tức lịch sử của nhân dân đã được phản ánh. Ta cho rằng cá nhân làm nên lịch sử và quần chúng nhân dân làm  nên lịch sử, mà khối người sau nầy, tức quần chúng nhân dân là chủ yếu, to lớn. Từng gia đình cùng huyết thống, tạo nên dòng họ. Tất cả các dòng họ tạo thành một thực thể là đồng bào. Cả khối đồng bào cùng sống trên dảy đất Việt Nam là dân tộc Việt Nam. Lịch sử Việt Nam, trước hết và trên hết, là lịch sử của đồng bào, của dân tộc Việt Nam.

Gia phả ghi những gi?

Về phần “tái sản xuất ra con người”, và “tái sản xuất ra của cải vật chất để nuôi sống con người”, với tình cảm, ý thức, nhận thức của họ, từ ông bà thỉ tổ đến hậu duệ là đã trải qua mấy chục đời, đó là cả một bộ bách khoa về con người.

Gia phả - giả định là nó đã phát triên hoàn chỉnh, sẽ ghi chép đầy đủ về con người của một đất nước cụ thể. Người chết và người sống, trong họ có bao nhiêu người, tên họ, ngày sanh, ngày mất, nơi chôn cất (người chết); hình thái, vóc dáng, công tích, tính chất từng người. Họ đã tổ chức duy trì, phát huy cuộc sống bằng lao động, sản xuất trên mảnh đất của họ. Mặt khác, họ là khối người thông minh, sáng tạo, họ tư duy những vấn đề  thiêng liêng, bình thường và siêu đẳng, họ có hoặc không tôn giáo, họ cũng hứng thú trong sáng tạo nghệ thuật, từ các hình thức để thờ phụng, đến các loại thi ca, nhạc, họa. Họ cũng là lực lượng chiến đấu chủ yếu để chống kẻ thù, bảo vệ đất nước, cùng với việc chiến đấu chống chọi với thiên nhiên. Truyền thống lao động, truyền thống yêu nước và truyền thống văn hóa là ba cái tích lũy từ bao đời trong các dòng họ Việt Nam.

Dòng họ không có phả, gọi là dòng họ khuyết phả. Khuyết phả khác với có phả, trước hết họ không thể hình dung được, hoặc không thể phát huy được đúng truyền thống bản năng có từ dòng họ mình; hoặc có thụ hưởng,  thừa kế về vật chất như đất đai, nhà cửa, hoặc về tinh thần như tài năng, khiếu kinh doanh, dạy học, âm nhạc…thì cái được thụ hưởng đó, nguyên gốc do đâu và từ đâu, họ không biết, có khi, nhất là về mặt tinh thần họ lại còn cho đó là do thiên tính..

Về tâm lý, người có phả sẽ tự tin, đường hoàng sống trong dòng họ và khi tiếp xúc với xã hội, ngoài phần bản năng, năng lực cá nhân, anh ta còn thấy cả tổ tiên, dòng họ của mình bên cạnh nhứt là trong hòan cảnh gian nan thử thách cao. Từ đó, anh ta cũng sẽ nhìn sang các dòng họ khác: nếu là dòng họ có phả, sự trân trọng, đáng kính sẽ cao hơn! Con người có gốc sẽ khác xa với con người mất gốc, hoặc chưa biết nguồn gốc.

Về mặt xã hội, dòng họ sinh sống, phát triển trên một địa bàn nhứt định, đều có sự quan hệ tiếp giao tỏa rộng ra. Các dòng họ khác, do sự định hình từ bao đời, như là một sự đương nhiên vốn có, đã tạo thành mối quan hệ quen biết, thân thuộc hoặc đã kết thành suôi gia. Nhưng sự quen biết và liên kết ấy, nếu dòng họ có bộ gia phả, thông qua chữ viết, thì sự nhận biết đó sẽ sâu sắc, tòan diện, mau chóng và rộng rãi hơn nhiều. Ở đây chữ viết là phương tiện thông tin mẫu mực. (Trước đó không có chữ viết, họ nhân biết nhau bằng ký ức, bộ nhớ và truyền khẩu và như thế thì  rất dể suy suyển) Bộ phả, vừa ghi chép về dòng họ, vừa là nơi tích lủy, chứa đựng tri thức với tư cách là một bộ sử dùng để nhận biết dòng họ. Dựa vào sự phát triển dòng họ để tự hào, tự tin vì đây thuộc qui luật phát triển con người, hữu thỉ vô chung, tiếp nối mãi mãi…

Như đã nêu, gia phảlà lịch sử của chính bản thân  nhân dân, mặt khác, nó đã nói rõ tổ qúan, về diện tích tự nhiên, lịch sử vùng đất, các dòng họ cùng sốmg chung, nhà ở, nhà thờ tổ, đình chùa, chợ búa… của một xóm ấp. Đây chính là địa chí ấp, tỉ mỉ, chi tiết. Lịch sử sẽ quan tâm đến công tích nhân vật, thí dụ Gia phả  họ Nguyễn – Huỳnh ở ấp Dinh, xã Khánh Hậu, thị xã Tân An, tỉnh Long An, qua “Lời Ngỏ”: “Kiến họ Huỳnh là một trong những họ tộc lớn ở vùng đất phương Nam, hiện diện rất lâu đời, ước tính khoảng đầu thế kỷ thứ 17, mà hiện nay mộ phần ông Nguyễn Công Lượng – (là thân sinh ông Nguyễn Hùynh Đức, là người làm quan dưới triều Lê) tọa lạc tại ấp Dinh, xã Khánh Hậu…”. Bộ gia phả nầy đươc thực hiện với tính  khoa học, khám phá ra nhiều điều mới la qua các tư liệu về văn tế, chiếu chỉ, sắc phong bằng chữ Nho.

Gia phả họ Phan ở ấp Tiền, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi ghi rõ lai lịch ông Phan Văn Khải. Gia phả họ Trương ở ấp  Giồng Dứa, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An cũng ghi rõ lai lịch, từ đời ông sơ, ông cố của ông Trương Tấn Sang… Trong 100 bộ gia phả do Trung tâm nghiên cứu và thực hành gia phả Tp Hồ chí Minh, từ năm 1992 đến nay, mô tả dòng họ nào từ  “miền ngòai” vào đâu, ở đâu trước không có bộ nào mô tả việc các vị tổ đời 1, từ thế kỷ  17 - 18 – 19, khi khai hoang lập xóm ấp mà lại đụng độ với người Khmer, tức không có hiện tượng giành đất, xâm chiếm.

Một mục tiêu lớn của việc dựng phả là việc truy tìm dòng họ, nhân họ, tức quá trình “vấn tổ tìm tông”, kết liên các chi họ (cùng họ) với nhau, để chứng tỏ một họ cụ thể nào cũng sẽ có khả năng từ một ông thỉ tổ xa xưa, song trong thực tế, đây là việc làm khó. Có thể dùng ADN để nhìn nhận, song để xác định quan hệ trên dưới, gần xa thì vô phưong! Có trường hợp việc truy tìm có kết quả, như chi họ Nguyễn ở Long An, qua “phương pháp gia phả học”, đã tổ chức nhận họ đàng hòang.

Gia phả ghi tất cả những vấn đề thuôc nội dung tư tưởng của dòng họ, quan niệm về phúc, làm sao để có phúc, về nề nêp và tập tục, những quan niệm cơ bản đúng đắn của những dòng họ làm cơ sở, từ đó tạo ra những qui phạm, những nề nếp tập tục, củng cố dần, làm sáng thêm văn hóa gia đình - dòng họ hôm nay, cộng vào đó luật pháp lại bảo vệ.

Trong các bộ gia phả đã dựng, quan sát quá trình phát triển các dòng họ từ xưa, chúng ta thấy càng rõ những vấn đề then chốt cho chính ngày hôm nay, gia lể, gia pháp, gia phong, gia đạo … Phải xuất phát từ đây để tiến lên bàn và thực hiện các vấn đề giáo dục gia đình hiện nay. Các bộ gia phả đều ghi nhận việc khuyến học hiên nay: con cháu đỗ đạt, thành đạt ngày càng nhiều; người ta quan tâm đến việc học chữ và học nghĩa, có chương trình khuyến học, khuyến nghiệp và khuyến tài trong các bộ phả. Loại bỏ những tư tưởng hạn chế của Nho giáo, các dòng họ xưa đã vận dụng sách Minh Đạo gia huấn, có nhiều nội dung về giáo dục gia đình đáng quí:

      Phàm nhân bất học (Phàm người chẳng chịu học)

      Minh như dạ hành (Mờ tối như đi đêm)

Ngày nay ta dùng lại “Tiên học lễ, hậu học văn” là đúng. Sách nầy của Trần Minh Đạo đã ghi:

      Huấn đạo chi sơ (Bước đầu dạy bảo)

      Tiên thủ lễ pháp (Trước hết giữ phép)

Qua các bộ phả, nhất là trong phần phả ký, truyền thống quý báu, tốt đẹp của dòng họ mà ta gọi là “tính ưu việt của dòng họ”, là phần giáo dục trong gia đình, nó đã un đúc từ nghìn xưa, là nền tảng của sự phát triển. Đúc kết tiêu chuẩn giáo dục gia đình nói chung qua gia phả, là rất khó. Tiêu chuẩn đó hiện nay chưa có, song gia đình nào cũng nói đựơc cái cơ bản của sự giáo dục nầy. Cũng từ sách Minh Đạo gia huấn, đã nêu một số nguyên tắc, người ta thuộc hoặc không, nhưng trong cách sống đều thể hiện đầy đủ: làm cha phải có lòng thương, làm con thì phải có hiếu, làm anh thì phải yêu em, làm em thì phải kính anh (cung), làm chồng thì phải vui hòa, làm vợ thì phải nhu thuận. Đó là nguyên tắc sông của gia đình, hiểu theo cách bây giờ cũng không thoát những chuẩn mựccơ bản đo.

Trong các bộ gia phả, Phật giáo, Thiên chúa giáo, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và các tín ngưỡng khác, khi đề cập đến dòng họ, môn gia phả không bỏ qua một lọai tín ngưởng nào. GS Vũ Ngọc Khánh đã nêu đại ý: Nhận thấy các tôn giáo, bằng cách của mình đã tác động trực tiếp, tích cực đến việc giáo dục gia đình – nhất là giáo dục đạo đức Phật giáo tuy không có những phương châm tu thân, tề gia , trị quốc như đạo Nho. Chữ hiếu hay nói về công đức của cha mẹ, đạo Phật nói cụ thể và nhiều hơn Nho giáo. “Lạy cha ba lạy một quì , Lạy mẹ bốn lạy con đi lấy chồng”. Đó là ca dao xuất phát từ Phật giáo , cách lạy đó là cách lạy của Phật. Vị vua đi tu Phật Trần Nhân Tông, qua sách “ Thập Thiện” đã dạy ; “Không sát sinh, không trộm cắp. Không tà dâm, Không nói dối, Không nói lới ly gián , Không nói lời ác, Không nói lời tạp uế , Không tham lam , Không giận dữ , Không hà tiện. Với bài phú “Cư Bần Lạc Đạo”, cũng của Trần Nhân Tông: “Bụt ở trong nhà , chẳng phải tìm xa”. Phật giáo cho đi tu là để tạo phúc: “Đã xây chín đợt phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”.

Đạo Thiên chúa lúc đầu vào Việt Nam có những điều rao giảng không phù hợp với văn hóa dân tộc Việt Nam như cấm không thờ phụng tổ tiên, không tin thần Phật, cho tổ tiên là có tội ….; về sau, có cái đã chấn chỉnh. Trái lại Thiên Chúa rất coi trọng gia đình. Kinh Thánh đã nói nhiều đến “ Sự thánh thiện của hôn nhân”, ca ngợi “ Người phụ nữ có đức hạnh”. “Ai bỏ rơi cha mình là phạm thượng”, sách Mat thêu “ chớ ngoại tình , đừng li dị” .

Ở Phát Diệm, có những bài thơ vè về cụ Sáu, tức linh mục Trần Lục, nêu chi tiết, cụ thể để dạy đàn bà con gái , việc tiếp khách, việc ăn làm, việc đi, việc đứng; cách ngồi, cách ăn cơm. Linh mục nầy là người đã thiết kế xây nhà thờ Đá ở Phát Diệm 1891, một nhà thờ độc đáo, một kỳ công của kiến trúc nhà thờ Việt Nam (Nhà thờ Ba Chuông ở Tp. Hồ Chí Minh hiện nay, cũng theo phong cách, kiểu dáng cổ ấy )

Qua một số tín ngưỡng khác cho thấy người dân tin có Trời, tin có Đạo Thánh, tín ngưỡng về bà Mẹ (Mẫu Cửu Trùng, Mẫu Thượng Ngàn, Bà Liễu Hạnh ). Trời, Thánh, Mẹ… đều có những lý luận, phương châm, sách dạy về tu dưỡng, làm lành lánh dữ một cách gần gũi, thuyết phục, không cao xa .

Dòng họ là những người sáng tạo ra ca dao, chuyện cổ tích, đồng thời cũng là những người thụ hưởng chúng.

Những câu như “ Con người có tổ có tông. Như cây có cội như sông có nguồn”, thường xuất hiện trong một bộ gia phả hoặc trong lời tựa hoặc trong phả ký. Hoặc trong những câu trực tiếp giáo dục gia đình, ứng xử, khẳng định giá trị dòng họ. Con cháu chịu sự giáo dục của ông bà, cha mẹ và cả tổ tiên. Dòng họ Việt Nam chú ý đến giống nòi: “Lấy vợ xem tông, Lấy chồng xem họ ”, qua cưới hỏi , họ có sự lựa chọn. Các dòng họ sống có nghĩa tình , từ trong họ đến ngoài họ .., Các anh em gắn bó nhau từ trong một gia đình , “ như thể tay chân”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng , Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

Trong sáng tác và thụ hưởng, văn học dân gian khi nói về đạo đức tình cảm, kinh nghiệm ứng xử, kiến thức quê hương, kiến thức thường thức, những bộ gia phả sâu sắc cũng không quên đề cập, đưa vào khi dựng gia phả họ Trương ở Gò Công, có những người chuyên sáng tác những bài ca tài tử, bài vè …

Chúng ta cũng có những tác phẩm thành văn được ghi lại trong những bộ gia phả cổ.

Mộ Trạch Vũ Tộc Thế Hệ Sư Tích ” do ông Võ Văn Sổ dịch, là bộ gia phả được ông Vũ Phương Lan (cháu đời 15, chi 3 họ Vũ ở Mộ Trạch), Tiến sĩ đời Lê Cảnh Hưng (1740 – 1786 ) dựng, một mặt nêu rõ các nhân vật Trạng nguyên, Tiến sĩ làm nên quan tướng các triều, đồng thời phải nói đây là gia phả  của văn học, của thi thơ Việt Nam., là một  dòng họ “Nhân hậu và Trí tuệ” (chữ do Vũ Khiêu).

Riêng với ông Hoàng Giáp (1502) Tống hiên Vũ Cán, các bài thơ và ký của ông về cảnh quang và nhân vật Mộ Trạch được coi là kho tàng quí hiếm.

Ở mấy trang đầu, phần phả ký cũng đã giới thiệu câu tiễn do Tham nghị Vũ Đăng Hiển làm:

“Bế thời tận tống thiên lai khứ

Khai nhựt trùng nghinh Bá Phước lai

Nhứt đoàn vân lập trung nghi thạnh

Vạn cổ hương danh miếu mạo quang.”

Ngày khai nghinh Bá Phước

Trực Bế tống thiên lai

Một đám mây lành che miếu võ

Muôn năm hương khói tỏa vung nghi

                                                    (do Võ Văn Sổ dịch)

Cũng trong bộ gia phả Mộ Trạch nói trên, những chuyện vui dân gian về “Trạng vật”, “Trạng cờ” cũng được nêu lên một cách sinh động. Kỷ sự của mỗi vị Trạng nguyên, Tiến sĩ phần cuối lại có những bài thơ của Tô Quận Công tức Trạng nguyên Lê Quang Bí (cháu ngoại của họ Vũ) hoặc của Thọ Lãnh Bá là những bài thơ Đường luật hoặc tứ tuyệt sắc sảo .

Như thế, quả là ngành gia phả đã có trong truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam.

Ở Mỹ, việc nghiên cứu về gia tộc, dòng họ thuộc về  bộ môn gia phả học. Một số trường đại học lại xếp gia tộc, dòng họ vào xã hội sử.

Ở Trung Quốc và Á Động nói chung, ngoài khía cạnh sử học, người ta còn chú ý đến khía cạnh đạo đức tâm lý.

Dựng gia phả là nói về con người – những con người cùng một huyết thống, cho nên các bộ gia phả dựng thành công, nói chung là một tác phẩm văn học – lịch sử .

Sưu tập đầy đủ các bộ gia phả có từ trong lịch sử, cộng với các bộ gia phả dựng mới ngày càng nhiều thêm, ta sẽ có một tài sản văn hóa phi vật thể to lớn, dày đặc những con người, sự kiện tinh thần và vật chất của dân tộc. Lúc ấy ta cũng có một Viện Nghiên cứu Gia phả Việt Nam, ta cũng có những trường cao đẳng, đại học với những khoa giảng về gia phả, về dòng họ và cũng như vậy trong nhân dân, họ tộc nào cũng có người thông thạo cách dựng gia phả cho mình.

Về ngành văn hóa, xem đây là một sự nghiệp, có những hướng dẫn cách xây dựng một bộ gia phả cho khắp cùng xã ấp thì là một điều tốt đẹp. Song hiện nay, chúng ta chỉ mới bắt đầu từ một “ Trung tâm nghiên cứu và thực hành gia phả Tp.Hồ Chí Minh ” (với mục tiêu phục hồi ngành gia phả Việt Nam, với phương châm “Nghiên cứu gia phả là khoa học, thực hành gia phả là thiêng liêng”) – thì quả là sức lay động còn yếu, độ thấm còn mỏng. hiệu quả còn ít./.

                                                 Ngày 5 tháng 3 năm 2009

VÕ NGỌC AN


Những bài mới hơn

Những bài cũ hơn