12:31 ICT Thứ tư, 04/12/2024

Thống kê truy cập

Hôm nayHôm nay : 72

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1527

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 1736028

Trang chủ » Tin tức Internet » Tin sức khỏe » Chế độ ăn uống

Điều trị bệnh viêm đại tràng và chế độ ăn uống đối với người bị viêm đại tràng

Thứ ba - 26/06/2012

Viêm đại tràng là một bệnh tiêu hoá thường gặp, tỷ lệ mắc bệnh trong nhân dân cao ở nhiều nước đang và kém phát triển do mức sống còn thấp nên điều kiện vệ sinh trong ăn uống ít được chú trọng. Bệnh khởi phát từ một đợt viêm đường tiêu hoá cấp tính do nhiễm khuẩn các vi khuẩn hay các ký sinh vật qua ăn uống nhưng không được điều trị triệt để dẫn tới hiện tượng nhờn thuốc, kháng thuốc. Sau nhiều lần tái phát, bệnh chuyển sang Viêm đại tràng mạn tính.

     Bệnh viêm đại tràng mạn tính có biểu hiện là rối loạn tiêu hoá, chướng bụng, đau bụng, phân rối loạn (khi lỏng, khi nát, khi táo), không thoải mái sau khi đại tiện và có cảm giác mót muốn đi nữa,… Bệnh thường xuyên tái phát, ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ gây trở ngại cho sinh hoạt và công việc thường ngày. Việc điều trị bệnh Viêm đai tràng mạn tính hiện nay gặp rất nhiều khó khăn không chỉ ở Việt Nam mà còn tại nhiều nước trên thế giới chính là do tình trạng nhờn thuốc và kháng thuốc, việc điều trị bằng thuốc tân dược hiện nay chủ yếu để khắc phục các triệu chứng (chữa đi ngoài, giảm co thắt ruột, giảm đau,…)

     Theo các chuyên gia, dù đại tràng chỉ dài 150 cm nhưng có rất nhiều bệnh lý khác nhau và có thể chia  thành 2 nhóm: bệnh lành tính và ác tính. Trong mỗi nhóm bệnh, tùy theo triệu chứng, mức độ lại có những loại bệnh khác nhau và cách điều trị cũng khác nhau.

Bệnh đại tràng lành tính

     Triệu chứng chung: Thông thường chúng ta hay nghĩ đến bệnh lành tính là viêm đại tràng. Thực ra, khi có những triệu chứng như đau quặn, mót rặn, đại tiện nhiều lần và phân có nhầy mũi là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau của đại tràng.

* Bệnh phình đại tràng bẩm sinh: Thường gặp hơn cả là phình đại tràng bẩm sinh do các hạch thần kinh.

     Triệu chứng: Táo bón, nhiều ngày không đại tiện, phân to và rắn, đôi khi phải dùng thuốc thụt hậu môn thì mới đại tiện được. Một số trường hợp sẽ gây ra chứng tắc ruột do phân, gây đau bụng, nôn, chướng bụng và người bệnh phải đến ngay viện cấp cứu.

* Viêm đại tràng: Trong lòng đại tràng bị tác động của vi khuẩn làm cho viêm đỏ, phù nề, thậm chí có những chỗ bị tổn thương mất một phần niêm mạc ruột thành ổ loét. Trước đây do dân trí, kinh tế xã hội chưa phát triển, vệ sinh ăn uống chưa tốt nên tỷ lệ người bệnh viêm đại tràng còn chiếm trên 6% dân số. Từ sau chiến tranh kết thúc, kinh tế phát triển, văn hóa được nâng cao, tỷ lệ người bị mắc bệnh viêm đại tràng giảm hẳn, chỉ còn chưa đến 7/1000 dân, tỷ lệ nữ nhiều hơn nam, nông thôn bị nhiều hơn thành phố và thường gặp ở người trưởng thành do thói quen sinh hoạt, ăn uống không đảm bảo vệ sinh.

- Triệu chứng: Đau quặn, mót rặn, phân nhầy mũi, đau quặn từng cơn (do đại tràng co bóp) khắp bụng, nhất là dưới rốn. Cơn đau có thể nặng hay nhẹ, thưa hay dày tùy vào mức độ viêm, cơn đau kèm theo cảm giác muốn đi ngoài mà không đi được.

- Nguyên nhân: Có nhiều loại vi khuẩn đường ruột có thể gây viêm đại tràng. Nếu do ly a míp gây nên thì người ta gọi bệnh ly (kiết lỵ). Nếu biểu hiện mạnh ở các triệu chứng như đau nhiều, đi đại tiện nhiều lần thì là viêm đại tràng cấp. Viêm đại tràng cấp nếu điều trị không triệt để có thể dẫn đến viêm đại tràng mãn tính.

     Tuy nhiên, có một số bệnh (nữ nhiều hơn nam) bị rối loạn chức năng co bóp của đại tràng, cũng có biểu hiện đau quặn, mót rặn nhưng không đi ngoài nhầy mũi, đây là chứng viêm đại tràng cơ năng, thường xảy ra khi thay đổi thời tiết hoặc ăn các thức ăn lạ như thức ăn tanh (cua, cá…) hoặc thức ăn lên men (dưa, cà…). Đối với những bệnh này thường chỉ cần dùng thuốc điều chỉnh co bóp ruột chứ không phải dùng kháng sinh đường ruột.

- Điều trị: Điều trị viêm đại tràng phải do bác sĩ khám chẩn đoán tìm ra nguyên nhân sau đó kê đơn thuốc. Các thuốc hay dùng trong điều trị viêm đại tràng là: Kháng sinh đường ruột (Biceptol, Flagyl, Flagentyl…) và thuốc điều hòa nhu động ruột (Visceralgin, Dobridat, Rekalat…)

- Phòng bệnh: Có chế độ vệ sinh ăn uống hằng ngày, ăn chín, uống sôi, không ăn thức ăn ôi thiu, không ăn các thức ăn chế biến từ thực phẩm nhiễm bệnh (thịt lợn bị bệnh tai xanh, thịt gà bị bệnh cúm…) không ăn quá nhiều thức ăn lên men chua như dưa, cà… Đồng thời, khi có các triệu chứng nghi ngờ bị viêm đại tràng, cần đến bác sĩ chuyên khoa khám và điều trị đúng thuốc, đúng bệnh và triệt để.

     Ngoài hai bệnh thường gặp nêu trên, còn rất nhiều Bệnh đại tràng khác có những triệu chứng giống như viêm đại tràng như bệnh polyp đại tràng, bệnh túi thừa đại tràng, bệnh đại tràng đôi, đại tràng dài hoặc teo đại tràng…

     Trong đó, bệnh polyp đại tràng là loại bệnh có một hay nhiều cục thịt thừa ở trong lòng đại tràng. Nếu có rất nhiều polyp trong đại tràng thì gọi là đa polyp (polyps). Bệnh có tính di truyền từ mẹ sang con, khi có vài triệu chứng như đau bụng, rối loạn tiêu hóa. Khi mắc bệnh này, nên đến bệnh viện để phát hiện kịp thời và điều trị bằng các phương pháp như nội soi cắt polip hoặc phẫu thuật cắt đoạn ruột bị tổn thương.

     Một bệnh nữa thường gặp (người châu Âu mắc nhiều hơn châu Á, người mập nhiều hơn người gầy) là bệnh túi thừa đại tràng, rất nhiều người chỉ phát hiện được khi tình cờ chụp hoặc soi đại tràng hoặc xuất hiện khi đã có biến chứng khi thủng hay viêm túi thừa. Không có thuốc điều trị bệnh túi thừa đại tràng, chủ yếu là chế độ ăn hợp lý để tránh biến chứng viêm túi thừa phải phẫu thuật cấp cứu .

Bệnh đại tràng ác tính

     Bệnh ác tính của đại tràng hay gọi là bệnh ung thư đại trực tràng là một bệnh hay gặp. Một số bệnh lý đại tràng nêu trên cũng có thể chuyển thành ung thư như: loét đại tràng lâu ngày, bệnh đa polyp phát hiện muộn có thể một vài polyp biến đổi thành ung thư.

- Triệu chứng:

     Đau quặn, mót rặn, đại tiện phân nhầy máu mũi, giai đoạn muộn sẽ làm người bệnh gầy sút cân, thiếu máu, thậm chí một số khối u quá lớn sẽ gây biến chứng tắc ruột.

- Điều trị:

     Phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột có khối u và những vùng xung quanh bị nó xâm lấn. Tùy theo kết quả xét nghiệm tế bào để điều trị tia xạ, hóa chất hay miễn dịch kèm theo.

- Phòng ngừa:

     Cũng giống như việc phòng bệnh viêm đại tràng, để phòng bệnh ung thư đại trực tràng thì vệ sinh ăn uống và an toàn thực phẩm là phương thuốc hữu hiệu nhất. Các nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều thịt làm tăng nguy cơ mắc bệnh, ngược lại chế độ ăn nhiều rau, quả, củ, chất xơ sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Tránh các thức ăn lên men, muối chua, các loại thực phẩm có hóa chất, các loại rau quả có dư lượng thuốc tăng trưởng, thuốc trừ sâu, không nên ăn các thực phẩm nướng cháy quá.

- Xét nghiệm phát hiện khối u sớm:

* Chụp X quang khung đại tràng có thuốc cản quang cũng có thể định hướng trong chẩn đoán bệnh. Xét nghiệm này có thể thực hiện được ở hầu hết các bệnh viện.

* Soi đại tràng ống mềm: Là biện pháp tốt nhất để phát hiện u đại tràng, qua ống soi mềm bác sĩ có thể nhìn thấy toàn bộ tình trạng bên trong của đại trực tràng và có thể lấy được một phần khối u để xác định đó là u lành hay ác.

* Siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ cũng góp phần rất quan trọng trong phát hiện ung thư đại trực tràng, nhất là phát hiện xâm lấn, hạch và di căn hạch .

* Gần đây nhất chụp PET là một kỹ thuật đánh giá rõ ràng tổn thương do u gây ra cũng như những di căn của khối u.


Người viêm đại tràng mạn nên ăn các thực phẩm như gạo, khoai tây, thịt nạc, cá nạc, sữa đậu nành và nên hạn chế trứng, sữa, nem rán, thịt mỡ, đậu đen, hành sống, rượu bia…

     Nguyên tắc ăn uống là phải đủ thành phần các chất dinh dưỡng: Chất đạm (protein): 1 g/kg mỗi ngày. Năng lượng: 30-35 kcal/kg mỗi ngày tùy theo từng bệnh nhân. Chất béo: ăn hạn chế, không quá 15 g/ngày. Đủ nước, muối khoáng và các vitamin.

     Người viêm đại tràng mạn nên ăn các loại thức ăn như: Gạo, khoai tây, thịt nạc, cá nạc, sữa đậu nành, sữa không có lactose, các loại rau xanh nhiều lá như rau ngót, rau muống, rau cải…

     Không nên ăn các loại thực phẩm như: Trứng, sữa, nem rán, thịt mỡ, đậu đen, hành sống, rượu, bia, cà phê, nước ngọt có ga vì các loại thực phẩm này gây đầy hơi, chướng bụng. Cũng không nên ăn các thực phẩm có nhiều lactose như sữa, nhiều đường như quả ngọt, mật ong, nhiều sorbitol (có trong một số bánh kẹo ngọt) vì bệnh nhân có biểu hiện kém hấp thu các loại đường này, do đó ăn vào sẽ gây chướng bụng, đầy hơi và tiêu chảy.

     Tránh dùng thức ăn cứng như rau sống, bắp luộc ảnh hưởng đến vết loét. Khi chế biến thức ăn, nên hấp hoặc luộc, hạn chế xào, rán.

Thay đổi chế độ dinh dưỡng là một yếu tố quan trọng trong việc điều trị căn bệnh viêm đại tràng. Bệnh nhân cần tăng cường ăn chất xơ, đồng thời phải kiêng rất nhiều thứ như chất béo, chất kích thích và một số loại thuốc.

Sau đây là một số điều trong ăn uống mà bệnh nhân viêm đại tràng mạn cần lưu ý:

     1. Những ngày không đau: Để giữ gìn sức khỏe, tạo sức đề kháng, tăng sức chịu đựng trong lúc bị cơn đau hành hạ, hãy tranh thủ ăn uống tẩm bổ những khi bệnh chưa dở “chứng”.

     2. Khi bị táo bón: Giảm chất béo, tăng chất xơ (đặc biệt là dưới dạng hòa tan như pectin, inuline, oligofructose…). Ăn làm nhiều bữa nhỏ, chừng hơn 2 tiếng lại ăn một bữa.

     3. Khi bị tiêu chảy: Tránh hẳn chất xơ dạng không tan như cellulose để thành ruột khỏi bị “cọ xát”. Không ăn rau sống, trái cây khô, trái cây đóng hộp, nếu ăn trái cây tươi thì phải gọt bỏ vỏ (kể cả nho). Có thể ăn trái cây xay nhừ như chuối, táo.

     4. Tránh chất kích thích: Những thực phẩm có chất kích thích thần kinh như cà phê, chocolate, trà…đều phải kiêng.

     5. Hạn chế các sản phẩm từ sữa: Trong sữa có loại đường lactose rất khó tiêu. Ngoài ra, chất đạm của sữa có thể gây dị ứng cho bệnh nhân. Hãy thay thế bằng sữa đậu nành.

     6. Hạn chế mỡ: Tránh những thức ăn có hàm lượng dầu mỡ quá cao như các món rán, xào, sốt.

     7. Tránh các thuốc kháng viêm, giảm đau không steroid: Những thuốc như Aspirin, Ibuprofen, Naprosyn, Voltaren, Feldene… có thể “ăn mòn” niêm mạc dạ dày, ruột, làm tăng nguy cơ xuất huyết.

     8. Uống 1 viên đa sinh tố, muối khoáng mỗi ngày: Những viên này chứa ít nhất 400 mcg axit folic, khắc phục tình trạng thiếu axit này do dùng thuốc Sulfasalazine.

Lưu ý: Bệnh viêm đại tràng mạn có thể nặng thêm nếu bệnh nhân có những vấn đề về tâm lý như trầm cảm, lo âu… Vì vậy, người bệnh cần thực hiện các phương pháp chống stress như tập thể dục, tập dưỡng sinh (thở bằng bụng, vận dụng cơ hoành, ngồi thiền, tập yoga).

Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp cho bạn điều trị bệnh hiệu quả hơn!(Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ)


Những bài mới hơn

Những bài cũ hơn