09:04 ICT Thứ bảy, 21/09/2024

Thống kê truy cập

Hôm nayHôm nay : 211

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 11153

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 1676297

Trang chủ » Tin tức Internet » Đạo lý - Kiến thức cuộc sống

Tất niên xóm - một nét đẹp văn hóa

Thứ sáu - 25/01/2013
Chuyện ăn tất niên để "tống cựu nghinh tân” từ xưa đã phổ biến trong từng gia đình, dòng họ. Cuối năm làm một mâm cơm thịnh soạn trước để cúng tổ tiên, sau con cháu gặp gỡ sum vầy tiễn năm cũ, đón năm mới cầu mong phúc lộc đầy nhà. Nhưng những năm trở lại đây, ăn tất niên xóm đang trở thành một nét đẹp văn hóa về tình làng nghĩa xóm mỗi khi Tết đến Xuân về.
 
 
Cúng tất niên ở một khu dân cư
Ảnh: TL
 
Theo phong tục Việt Nam cúng Tất niên lúc đầu được hiểu như là hoàn tất công việc trong năm, tức cúng các tổ nghề đã phù hộ cho công việc làm ăn được thuận lợi. Vì vậy những gia đình buôn bán, kinh doanh hay làm một nghề nào đó để sinh sống như: Nghề đóng giày, thợ may, thợ cắt tóc, thợ rèn, nghề hát tuồng, hát bội… đều có tục lệ cúng tất niên, nhưng vì không phải thợ nào cũng có vị tổ nghề rõ ràng nên dần dà mọi người đều cúng. Lễ cúng này thường vào các ngày từ sau 23 đến 29 hoặc 30 Tết.
 
Người xưa có câu "bán bà con xa, mua láng giềng gần”; lấy hàng xóm, láng giềng làm người thân, tối lửa tắt đèn có nhau…Mặc dù mỗi người, mỗi gia đình có những hoàn cảnh, công việc khác nhau; tất cả đều phải tất bật với công việc để mưu sinh; có người đi từ mờ sáng đến nửa đêm mới về. Vì vậy tuy là hàng xóm, nhà cạnh nhà nhưng đôi khi cả năm chưa gặp mặt nhau, thậm chí còn chưa biết tên nhau, chưa biết nghề nghiệp của nhau, chưa chào hỏi nhau đúng nghĩa là tình làng, nghĩa xóm; những trường hợp trong xóm có việc tang chay, hiếu, hỉ.. thì tang quyến hoặc chủ nhân của việc hiếu hỉ mới chào hỏi xã giao…Vì vậy, để tạo nên mối quan hệ láng giềng cũng như tạo mối đoàn kết trong chòm xóm thì lễ  tất niên xóm được nhiều nơi quan tâm và tổ chức một cách nghiêm túc. Quanh năm, ngồi lại với nhau một bữa, tình cảm ngày càng thắt chặt hơn, mọi điều đều chín bỏ làm mười để nhìn thấy nhau lại vui vẻ. Cũng chính vì những cuộc tất niên xóm mà dù mỗi người một quê nhưng họ ngày càng gắn bó với nhau. Ai cũng quan tâm đến nhau, đoàn kết như anh em.
 
Thường thì việc định ngày giờ làm lễ tất niên xóm chọn là ngày nghỉ, việc thông báo cho tất cả các thành viên trong xóm được giao cho một người được xóm tín nhiệm giao làm trưởng xóm. Trưởng xóm giao việc đi chợ, nấu nướng cho các phụ nữ - ngoài các món "ắt có và đủ” cho lễ nghi (tức mâm cúng), các món còn lại các bà nội trợ tự bàn bạc để mỗi năm các món ăn được thay đổi.
 
Lễ tất niên xóm thường được tổ chức vào cuối buổi chiều, sau khi trưởng xóm vừa là chủ tế cúng bái, tạ ơn thành hoàng, đất đai… sau đó là bữa tiệc tất niên được bày dọn giữa sân hoặc giữa đường nhỏ nơi thuận tiện nhất trong xóm. Tất cả các thành viên đều có mặt, mọi người cụng ly đón chào năm mới… Điều quan trọng nhất là xen lẫn với những câu chuyện vui là những góp ý cho từng gia đình trong việc sinh hoạt như:  Buổi tối cần giữ yên lặng không gây ồn ào để cho trẻ con học bài, không được nhậu nhẹt say sưa, tránh việc bạo lực gia đình, vợ chồng không được gây gổ, cãi cọ nhau, khuyên bảo các thanh thiếu niên tránh các tệ nạn xã hội… Những góp ý, phê bình rất chân thật; Góp ý những điều mà trong năm khó có dịp nói với nhau. Qua mỗi một năm với những góp ý chân thành như vậy, các gia đình đã có sự thay đổi rõ rệt và càng ngày xóm giềng càng văn minh, sống, cư xử với nhau đúng nghĩa tình làng nghĩa xóm …
 
 Tưởng chừng trong thời kinh tế thị trường, quanh năm làm ăn bon chen, cái lối sống thờ ơ, lạnh lùng với nhau của người thành thị đã lan về đến xóm thôn. Nhưng không, ăn tất niên xóm là một nét đẹp văn hóa đã hình thành và đang lan rất rộng ra nhiều thôn xóm. Cái đạo nghĩa tối lửa tắt đèn có nhau, bán anh em xa, mua láng giềng gần của ông bà xưa để lại không bao giờ cũ, mà đang được hiện diện và phát huy.
HUY YẾN

Những bài mới hơn

Những bài cũ hơn