Từ đầu thế kỷ XX đến năm 1955, Đà Nẵng chỉ có 45 đường phố được đặt tên, trong đó có đến 40 đường mang tên bằng tiếng Pháp và chỉ 5 đường mang tên Việt thuần túy gồm 2 địa danh là Đò Xu, Quảng Nam và 3 nhân danh là Đồng Khánh, Đỗ Hữu Vị, Gia Long.
Đường Đò Xu sau năm 1955 đổi thành đường Võ Tánh, sau năm 1975 đổi thành đường Núi Thành. Sở dĩ đặt tên này (Đò Xu) là do trên tuyến đường có bến đò Xu đưa khách từ mạn bắc (nay thuộc phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) sang mạn nam (nay thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) sông Cẩm Lệ và ngược lại. Tương truyền, ngày đó người qua lại đò này chỉ trả tiền bằng tiền xu.
Đường Quảng Nam sau năm 1955 đổi thành đường Trưng Nữ Vương và mang tên đó đến nay. Người Pháp đặt tên đường Quảng Nam là do đường này chạy từ trung tâm Đà Nẵng về hướng Quảng Nam.
Đường Đồng Khánh sau năm 1975 nối dài với đường Hùng Vương và mang tên Hùng Vương. Đồng Khánh là hoàng đế thứ 9 của nhà Nguyễn, tại vị từ năm 1885 đến 1889. Đây là ông vua không chống Pháp, sách của Trần Trọng Kim viết: “Đồng Khánh tính tình hiền lành, hay trang sức và cũng muốn duy tân, ở rất được lòng người Pháp”.
Đường Gia Long sau năm 1975 đổi thành đường Lý Tự Trọng. Trên đường Gia Long có Ty Cảnh sát Đà Nẵng của chế độ cũ nên trước năm 1975 người ta thường gọi là “Ty Gia Long”. Gia Long là hoàng đế đã thành lập nhà Nguyễn, vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, ở ngôi từ năm 1802 đến khi qua đời năm 1820.
Đường Đỗ Hữu Vị mang tên phi công đầu tiên của Việt Nam và cả Đông Nam Á. Ông được người Pháp đặt tên đường cùng với 2 vị vua người Việt là do có công với “mẫu quốc” Pháp. Ông là con thứ hai của Đỗ Hữu Phương (còn gọi là Tổng đốc Phương), một điền chủ giàu có lừng lẫy tiếng tăm ở Nam Kỳ khi người Pháp mới chiếm miền Nam. Đỗ Hữu Vị tốt nghiệp trường Taberd, được cha gởi qua Pháp du học tại trường Collège St.Barbe ở Paris, nói và viết Pháp văn như Pháp. Sau 3 năm ra trường, ông xin theo học không quân.
Lúc bấy giờ thế giới mới phát minh máy bay, làm phi công được xem là rất phi thường. Ông làm phi công tác chiến trong phi đoàn ở Maroc, trở thành phi công đầu tiên của Việt Nam và cả Đông Nam Á. Để cổ vũ tinh thần người dân thuộc địa phục vụ cho “mẫu quốc”, Pháp gởi ông về Việt Nam lái máy bay biểu diễn ở Sài Gòn và Hà Nội, dân chúng khâm phục, hãnh diện và bàn tán sôi nổi một thời.
Chiến tranh Thế giới thứ nhất (1914 - 1918) bùng nổ, ông trở qua Pháp tham gia đánh Đức. Trong một lần giao tranh tại sông Somme, ông bị thương nặng rồi chết, được tưởng thưởng nhiều huy chương và truy thăng đại úy. Pháp cho in hình ông trên con tem phát hành khắp Đông Dương, lấy tên ông đặt cho nhiều trường học, nhiều đường ở Việt Nam thời đó.
Việc Pháp đặt tên đường Đỗ Hữu Vị cùng với 2 vị vua Việt Nam trên đất Tourane nhượng địa là một trong những cách quảng bá sự văn minh của “mẫu quốc” qua hình ảnh một người dân thuộc địa đã “Pháp hóa”.
Đường Đỗ Hữu Vị sau năm 1955 đổi thành đường Hoàng Diệu.
Nói thêm, sau năm 1955, ở Đà Nẵng chỉ có hai tên đường là Pasteur và Yersin là được giữ lại đến bây giờ, tất cả 38 tên đường tiếng Pháp còn lại đều được đổi thành tên Việt.