Hôm nay : 292
Tháng hiện tại : 2744
Tổng lượt truy cập : 1684208
Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) quy định các quốc gia ven biển có các vùng biển là nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Chiều rộng của các vùng biển này được tính từ đường cơ sở dùng để tính lãnh hải của quốc gia ven biển. UNCLOS 1982 quy định rất rõ quy chế pháp lý của từng vùng biển.
1. Nội thủy
Điều 8 của UNCLOS 1982 quy định nội thủy là toàn bộ vùng nước tiếp giáp với bờ biển và nằm phía trong đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải. Tại nội thủy, quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối như đối với lãnh thổ đất liền của mình.
2. Lãnh hải
Lãnh hải là vùng biển nằm phía ngoài đường cơ sở. Theo luật biển quốc tế cho đến những năm 60 của thế kỷ 20, chiều rộng của lãnh hải của quốc gia ven biển chỉ có 3 hải lý (mỗi hải lý bằng 1.852m). Theo luật biển quốc tế hiện đại, cụ thể là điều 3 của UNCLOS 1982 thì chiều rộng tối đa của lãnh hải là 12 hải lý.
Các quốc gia ven biển có chủ quyền đối với lãnh hải của mình. Chủ quyền đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải là tuyệt đối. Chủ quyền đối với vùng trời phía trên lãnh hải cũng là tuyệt đối. Tuy nhiên, chủ quyền đối với vùng nước lãnh hải không được tuyệt đối như trong nội thủy bởi vì ở lãnh hải của quốc gia ven biển, tàu thuyền của các quốc gia khác được quyền qua lại không gây hại.
Quốc gia ven biển có quyền ban hành các quy định để kiểm soát và giám sát tàu thuyền nước ngoài thực hiện việc qua lại lãnh hải của mình trong một số vấn đề (an toàn hàng hải, điều phối giao thông đường biển; bảo vệ các thiết bị, công trình, hệ thống đảm bảo hàng hải; bảo vệ tuyến dây cáp và ống dẫn ở biển; bảo tồn tài nguyên sinh vật biển; ngăn ngừa vi phạm pháp luật của quốc gia ven biển liên quan đến đánh bắt hải sản; bảo vệ môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; và ngăn ngừa các vi phạm về hải quan, thuế khóa, nhập cư, y tế) và quy định hành lang để tàu thuyền đi qua.
3. Vùng tiếp giáp lãnh hải
Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển nằm ngoài và sát với lãnh hải. Chiều rộng của vùng tiếp giáp lãnh hải cũng không quá 12 hải lý. Quốc gia ven biển có quyền thi hành sự kiểm soát cần thiết nhằm ngăn ngừa việc vi phạm các luật và quy định về hải quan, thuế khóa, nhập cư hay y tế trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình.
4. Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ)
Đó là vùng biển nằm phía ngoài lãnh hải và có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở (vì lãnh hải 12 hải lý, nên thực chất vùng đặc quyền kinh tế có 188 hải lý). Đây là một chế định pháp lý hoàn toàn mới vì theo luật biển quốc tế cho đến những năm 50 của thế kỷ 20, các quốc gia ven biển không có vùng biển này.
Theo Điều 56 của UNCLOS 1982, trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật ở đó. Cho đến nay, tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế mà các quốc gia ven biển đang khai thác chủ yếu là tôm, cá.
Quốc gia ven biển cũng có quyền chủ quyền đối với các hoạt động khác như sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió.
UNCLOS 1982 quy định các quốc gia khác, bất kể là quốc gia có biển hay không có biển, được hưởng một số quyền nhất định ở trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển như quyền tự do hàng hải, quyền tự do hàng không.
5. Thềm lục địa
Thềm lục địa của quốc gia ven biển là phần đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển. Trên thực tế, rìa ngoài của thềm lục địa ở các khu vực có khác nhau: Có nơi hẹp, không đến 200 hải lý; nhưng có nơi rộng đến hàng trăm hải lý. Điều 76 của UNCLOS 1982 quy định rất rõ ràng. Thềm lục địa của quốc gia ven biển rộng tối thiểu 200 hải lý (kể cả khi thềm lục địa thực tế hẹp hơn 200 hải lý). Nếu thềm lục địa thực tế rộng hơn 200 hải lý thì quốc gia ven biển có thể mở rộng thềm lục địa của mình đến tối đa 350 hải lý hoặc không quá 100 hải lý kể từ đường đẳng sâu 2.500m. Tuy nhiên, để mở rộng thềm lục địa quá 200 hải lý thì quốc gia ven biển liên quan phải trình cho Ủy ban Thềm lục địa của Liên hợp quốc báo cáo quốc gia kèm đầy đủ bằng chứng khoa học về địa chất và địa mạo của vùng đó. Sau đó, Ủy ban Thềm lục địa của Liên hợp quốc sẽ xem xét và ra khuyến nghị.
Điều 77 của UNCLOS 1982 quy định trong thềm lục địa của mình, các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa của mình. Hiện nay, các nước ven biển đang khai thác dầu và khí để phục vụ phát triển đất nước. Sau này, khi các nguồn tài nguyên ở trên đất liền khan hiếm thì các quốc gia ven biển sẽ khai thác các tài nguyên khác ở thềm lục địa của mình. Cần lưu ý là quyền chủ quyền đối với thềm lục địa mang tính đặc quyền ở chỗ nếu quốc gia đó không thăm dò, khai thác thì cũng không ai có quyền khai thác tại đây nếu không được sự đồng ý của quốc gia ven biển.
Nguồn tin: Facebook
Những bài mới hơn
Những bài cũ hơn