12:09 ICT Thứ sáu, 19/04/2024

Thống kê truy cập

Hôm nayHôm nay : 206

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 8926

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 1520875

Trang chủ » Tin tức Internet » Tin sự kiện - xã hội

Kỳ duyên sau 40 năm

Thứ năm - 26/11/2015
Câu chuyện về cuộc hội ngộ bất ngờ giữa một anh hùng LLVTND Việt Nam và vị tướng Thái Lan được lan truyền nhiều ở thủ đô Viêng-chăn.

Chùa Thạc Luổng, TP Viêng-chăn (Lào), chiều 24-6-2011, du khách vào ra thắp hương bỗng khựng cả lại khi chứng kiến người đàn ông cao to, nước mắt ràn rụa, ôm chầm một người đàn ông khác dáng nhỏ thó. Đây chính là hai sĩ quan cao cấp: Đại tá Nguyễn Đức Chuyển, Anh hùng LLVTND, nguyên Phó phòng Quân báo Quân khu 5 và Thiếu tướng Soraphot Nirandara, Trưởng Trung tâm liên kết các quốc gia láng giềng, Bộ Tổng Chỉ huy, Quân đội Hoàng gia Thái Lan. Vị tướng Thái Lan đã tìm được ân nhân cứu mạng của mình trong trận chiến cách đây tròn 40 năm.

Cuộc gặp gỡ ngày ấy...

Đại tá Nguyễn Đức Chuyển nhớ như in những ngày chiến đấu trên đất bạn Lào năm 1971. Lúc đó anh là đại đội trưởng Đại đội trinh sát thuộc Trung đoàn 1- Sư đoàn 2, Quân khu 5. Sau khi cùng Sư đoàn tham gia chiến dịch đường 9- Nam Lào, đơn vị anh tiếp tục hành quân lên cao nguyên Bô-lô-ven với nhiệm vụ đánh quân ngụy Lào, giúp bạn giải phóng vùng Hạ Lào. Sau khi ta đánh chiếm quận Pắk- soòng thuộc tỉnh Chăm-pa-sắc, TX Pắk-xế bị uy hiếp, địch tăng cường quân tái chiếm Pắk- soòng.

Trước sự thúc ép của Mỹ, giới cực hữu trong chính quyền Thái Lan đã đưa quân sang ứng cứu. Cùng với các mũi tấn công như gọng kìm siết chặt quân địch, chặn đường chạy của chúng, Trung đoàn giao cho Nguyễn Đức Chuyển trực tiếp chỉ huy 10 đồng chí trinh sát chặn cây số 38 không cho địch từ phía tây chạy về Pắk- xế. 11 giờ đêm địch đưa một đại đội Thái Lan đến chi viện. Tuy nhiên do ta chủ động bố trí lực lượng trên đồi, nhanh chóng  cắt đứt địch nhỏ lẻ ra mà đánh nên chúng  trở tay không kịp và tháo chạy tán loạn vào rừng cà-phê đang mùa ra trái. Cách anh khoảng 20 mét, một lính áo rằn ri chạy thục mạng. Viên đạn từ phía sau bay tới, người lính ngã xuống và giơ tay lên hàng. Đó là một lính Thái Lan còn rất trẻ chừng hơn 20 tuổi. Viên đạn ở chân làm máu chảy nhiều. Anh Chuyển dùng băng cá nhân băng bó. Người lính kêu khát nước, anh lại đổ bi đông nước của mình vào bi đông. Anh ta uống ừng ực, gương mặt trông có vẻ hiền lành, tươi dần, rồi lục tìm trong túi ra đưa cho anh Chuyển giấy chứng minh thư, lột cả đồng hồ đang đeo trong tay cho anh Chuyển. Phẩy tay từ chối, anh dìu người lính vào bóng cây râm mát và gần hơn về phía đường để đồng đội anh ta có thể tìm thấy dễ dàng. Anh nói ngắn gọn "tôi đi" rồi vội vã chạy theo đồng đội ở phía trước.

 

Đại tá Nguyễn Đức Chuyển (trái) và Thiếu tướng Soraphot Nirandara. 

...và 40 năm sau

40 năm trôi qua, công việc bận rộn của một cán bộ quân báo, Đại tá Nguyễn Đức Chuyển gần như đã quên người lính Thái Lan năm ấy. Cho đến một ngày của tháng 6-2011, anh đi cùng ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào được bạn mời thăm lại chiến trường xưa. Các anh đã đi thăm Nam Lào, Trung Lào và hành trình cuối cùng là thăm thủ đô Viêng-chăn. Đoàn được bạn đưa đi thăm chùa Thạc Luổng. Khi đoàn đang chậm rãi vào đây thì một người đàn ông cao lớn liên tục hỏi thăm các đồng chí trong đoàn rằng có ai từng ở cao nguyên Bô-lô-ven không. Bỗng dưng cặp mắt ông ta như sáng lên khi thấy Đại tá Nguyễn Đức Chuyển và giọng lạc đi: "Có phải anh đã chiến đấu ở Pắk- soòng năm 1971?". Nguyễn Đức Chuyển gật đầu xác nhận. Vốn tiếng Lào khá tốt đã giúp anh kể khá tỉ mỉ trận đánh năm ấy. Người đàn ông hỏi: "Ông có nhớ một người lính Thái Lan bị thương dưới vườn cà-phê không?". - "Có, tôi đã băng bó cho anh ta. Không biết bây giờ anh ấy ra sao?". Người đàn ông ôm chặt Đại tá Chuyển và nghẹn ngào: "Tôi chính là người đó. Mới gặp ông tôi đã linh tính ông là ân nhân của tôi ngày nào. Xin phép tôi được ôm hôn ông!". Anh ta một lần nữa áp đôi má nhòe nước mắt vào Đại tá Nguyễn Đức Chuyển. Cả đoàn khách tham quan lặng đi vì tình huống bất ngờ. Người đàn ông giơ chân lên, chỉ vết sẹo, giọng chưa hết xúc động: "Ông đã bốn lần cứu tôi: Khi tôi trên đường chạy trốn, ông chỉ bắn tôi bị thương. Sau đó khi đến gần, ông cũng không tiếp tục bóp cò, dù mạng sống của tôi hoàn toàn nằm trong tay ông. Thấy tôi chảy máu, ông đã băng bó, cầm máu cho tôi, nếu không tôi đã mất máu và đã chết rồi. Khi tôi khát nước, ông cho tôi uống và như vậy cho tôi thêm cơ hội sống. Ơn cứu mạng ấy làm sao tôi có thể quên".

Người lính Thái Lan nói với đám đông đang vây quanh rằng, 40 năm qua, ông luôn nhớ về hành động cao đẹp của bộ đội Việt Nam. Đó cũng là một trong những lý do thôi thúc ông sống tốt, có mục tiêu, lý tưởng, từ binh nhì trở thành vị tướng hiện nay. Ông đã nhiều lần đi hỏi thăm người lính Việt Nam nhưng không biết ở đâu. Trên đất Thái Lan kể cả nước Lào chỗ nào có đoàn tham quan nói tiếng Việt Nam ông đều dò la hỏi. Ông hay đến các ngôi chùa lớn, có tiếng linh thiêng, thắp hương, đặt vòng hoa, hy vọng Phật phù hộ cho ông tìm được ân nhân năm xưa. Chuyến đi công tác kết hợp thăm chùa Thạc Luổng cũng là mục đích ấy.

 Thiếu tướng Soraphot Nirandara nói với Đại tá Nguyễn Đức Chuyển rằng, chắc chắn ông sẽ sang Đà Nẵng và đến tận nhà thăm ân nhân của mình. Ông muốn đi bằng con đường ngoại giao hơn là du lịch nên có thể sắp xếp lâu hơn. Lòng đầy quyến luyến, ông tìm ban tổ chức chuyến đi, xin được gặp Đại tá Nguyễn Đức Chuyển một lần nữa trên đất Lào, tuy nhiên do cận ngày về, lịch đã bố trí khít nên kế hoạch này không thực hiện được.

Câu chuyện về cuộc hội ngộ bất ngờ giữa một anh hùng LLVTND Việt Nam và vị tướng Thái Lan được lan truyền nhiều ở thủ đô Viêng-chăn. Người dân nước bạn thêm yêu mến những người lính quân tình nguyện Việt Nam. Còn Đại tá Nguyễn Đức Chuyển khi được hỏi về hành động đầy nhân đạo, ấm áp tình người năm ấy, ông đã trả lời nhỏ nhẹ: "Mình là bộ đội Cụ Hồ mà...".

Thứ sáu, 10/2/2012

Hồng Vân

Nguồn tin: cadn.com.vn


Những bài mới hơn

Những bài cũ hơn