20:33 ICT Thứ năm, 18/04/2024

Thống kê truy cập

Hôm nayHôm nay : 635

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 8648

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 1520597

Trang chủ » Tin tức Internet » Tin sự kiện - xã hội

Tàu con thoi Endeavour giã biệt không gian

Thứ năm - 07/02/2013
(TT&VH) - Tàu Endeavour và phi hành đoàn 6 người đã vừa rời khỏi Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) để trở về nhà, qua đó kết thúc nhiệm vụ cuối cùng của tàu con thoi "ít tuổi" nhất.

Theo sau nhiệm vụ của Endeavour, cũng chỉ còn một chuyến bay cuối cùng của tàu Atlantic nữa, là chương trình tàu con thoi của Mỹ chính thức đóng cửa.

Báo chí Mỹ cho biết tàu Endeavour đã ngắt kết nối với với trạm ISS lần cuối cùng vào gần nửa đêm ngày 29/1, khi hai tàu đang bay trên một địa điểm cách mặt đất Bolivia chừng 320km.

Hoàn thành phần việc của người Mỹ ở ISS

"Thuận buồm xuôi gió nhé, các anh bạn" - phi hành gia Ronald Garan đang ở trên ISS cất tiếng chào từ biệt, lúc Endeavour từ từ tách ra. "Cám ơn sự giúp đỡ của các anh" - chỉ huy Endeavour, Mark Kelly, đáp lại. Theo kế hoạch, Endeavour sẽ trở về Trái đất vào sớm ngày 1/6, kết thúc nhiệm vụ kéo dài 16 ngày.

 

 

 

Tàu con thoi Endeavour trong lần kết nối cuối cùng với ISS


Trong chuyến bay cuối cùng, Endeavour đã mang theo một thiết bị phát hiện tia vũ trụ trị giá 2 tỉ USD và nó sẽ nằm trên trạm vũ trụ này trong suốt một thập kỷ tới. Thiết bị này có tên máy đo phổ từ Alpha (AMS), sẽ chịu trách nhiệm thu từ 25 - 40 triệu hạt vũ trụ mỗi ngày để phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học. Các nhà khoa học hy vọng dữ liệu thu được sẽ chứa thông tin về phản vật chất, vật chất tối và năng lượng tối, qua đó hé lộ ánh sáng về nguồn gốc vũ trụ.

Với việc lắp AMS, NASA coi như đã hoàn thành 100% công việc của họ ở ISS. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nga hiện có ý định lắp thêm 1-2 module nữa vào ISS trong tương lai. Nhưng các nước khác có phi hành gia ở ISS đều đã lắp đặt xong các thiết bị chính của họ, đủ để sử dụng trong cả thập kỷ tới.

Ngoài ra, Kelly và các cộng sự cũng cung cấp cho ISS nhiều phụ kiện thay thế để phục vụ cho việc nâng cấp, sửa chữa trong tương lai. Họ còn sửa một số hệ thống hỗ trợ sự sống quan trọng, nhằm giúp ISS ở trong điều kiện tốt nhất trong những năm tới, khi chương trình tàu con thoi không còn hoạt động.

Con tàu của những sứ mệnh khó khăn

Endeavour lẽ ra đã không ra đời, nếu không có vụ nổ tàu Challenger hồi năm 1986. Năm 1987, Quốc hội Mỹ đã thông qua việc cho phép chế tạo mới một tàu con thoi để thay thế Challenger, sau khi thấy rằng lựa chọn này gây tốn kém ít hơn so với việc nâng cấp tàu thử nghiệm Enterprise thành phiên bản hoàn chỉnh.

Việc chế tạo Endeavour, vốn dựa nhiều vào các phụ tùng còn dư của tàu Discovery và Atlantis, đã khiến con tàu mới có trọng lượng nhẹ nhất và giá thành rẻ nhất trong 5 tàu con thoi từng bay vào vũ trụ của Mỹ.

 

 

 

Và tách khỏi ISS để trở về Trái đất


Endeavour cũng là tàu con thoi đầu tiên sử dụng dù hãm có đường kính 12m, nhờ đó sẽ giảm được từ 300-600m trong quãng đường cần thiết để dừng hoàn toàn tàu con thoi. Ngoài ra hệ thống điện và các đường ống bên trong Endeavour được thiết kế lại để phục vụ các nhiệm vụ kéo dài được tới 28 ngày, dù thực tế nhiệm vụ lâu nhất của một tàu con thoi chỉ kéo dài có 17 ngày. Những biến đổi này mãi sau mới được thêm vào các tàu con thoi khác.

Chuyến bay đầu tiên của Endeavour diễn ra lần đầu vào ngày 7/5/1992 và một trong những nhiệm vụ đầu tiên của con tàu là "tìm và bắt" vệ tinh viễn thông INTELSAT VI đang bay trong quỹ đạo nhưng không còn hoạt động. Kể từ đó tới nay, nó đã thực hiện thêm 24 chuyến bay khác. Do tính chất "trẻ trung", hiện đại nên Endeavour thường được sử dụng cho các sứ mạng có độ khó cao.

Nó từng được dùng để sửa kính viễn vọng Hubble lần đầu, lắp module Unity, chính là module đầu tiên của người Mỹ trên ISS. Nó cũng là con tàu lắp module Kibo cho người Nhật trên ISS. Chính nó đã đuổi bắt thiết bị bay tự do SFU của Nhật Bản và tìm kiếm, tóm được, mang về Trái đất vệ tinh EURECA nặng 4,5 tấn của châu Âu. Con tàu này cũng chịu trách nhiệm đưa nữ phi hành gia người Mỹ gốc Phi đầu tiên, cô Mae Jemison, vào vũ trụ trong chuyến bay ngày 12/9/1992.

Ngoài những nhiệm vụ khó, Endeavour còn thực hiện vài nhiệm vụ khá kỳ lạ như chăm sóc những con ếch mang thai và chở theo một chiếc máy bán nước ngọt Coke lên ISS. Tính tới nay con tàu đã bay vòng quanh Trái đất 4.670 lần.

“Thi hành án tử” cho chương trình tàu con thoi

Trong suốt lịch sử tồn tại kéo dài mấy chục năm, chương trình tàu con thoi bị chỉ trích vì đã không thể thực hiện lời hứa là giảm chi phí bay lên quỹ đạo Trái đất. Các tính toán của NASA cho thấy chi phí trung bình cho mỗi lần phóng tàu con thoi lên tới 450 triệu USD.

Trong nhiều thập kỷ, chương trình tàu con thoi còn bị công kích bởi những câu hỏi liên quan tới mục đích tồn tại của nó, vì những cuộc phóng thường bị trì hoãn kéo dài. Ngoài ra, 2 vụ tai nạn nổ tàu diễn ra vào năm 1986 và 2003, khiến 14 phi hành gia ưu tú thiệt mạng, đã để lại dấu tích xấu cho chương trình.

Vụ nổ tàu Challenger hồi năm 1986 là cơ sở để Bộ Quốc phòng từ bỏ ý định dùng tàu con thoi để đưa các gói hàng quân sự lên vũ trụ. Còn vụ nổ tàu Columbia hồi năm 2003 trong lúc trở lại mặt đất đã khiến các nhà điều tra kết luận rằng phương tiện này chứa quá nhiều rủi ro. Đây được xem là án tử hình cho tàu con thoi. Các chính quyền Tổng thống G.W. Bush và Barack Obama đã đóng vai trò lực lượng thi hành án, khi quyết định chấm dứt chương trình tàu con thoi.

Tuy nhiên với việc Endeavour về hưu, giới phân tích đều đồng tình rằng nó và các con tàu khác đã phục vụ đất nước rất hiệu quả, giúp Mỹ đạt nhiều thành tựu đột phá trong không gian. “Thật buồn khi chứng kiến ngày cuối cùng của Endeavour, nhưng đã tới lúc để chúng ta chuyển sang một chương mới" - giám đốc chương trình bay của tàu con thoi, ông Gary Horlacher nói với báo giới hôm 30/5.

Được biết sau khi về hưu, Endeavour sẽ được đưa về điểm dừng chân cuối cùng là Trung tâm Khoa học California, Los Angeles.

Tường Linh


Những bài mới hơn

Những bài cũ hơn