Hôm nay : 295
Tháng hiện tại : 11237
Tổng lượt truy cập : 1676381
Ngày 5-1, ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế (BHYT) và Thanh toán đa tuyến khu vực phía bắc (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết mọi người dân có thể tra cứu được thông tin về ngành nghề làm việc, mức hưởng BHYT, nơi sinh sống và nơi đăng ký điều trị… trên thẻ BHYT.
Theo đó, người dân hoàn toàn có thể tra cứu thông tin về giá trị sử dụng thẻ BHYT của mình trên hệ thống thông tin giám định BHYT (tại địa chỉ https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/pages/tra-cuu-thoi-han-su-dung-the-bhyt.aspx).
Kết quả khi nhập đủ các thông tin về mã thẻ, họ tên, ngày/năm sinh và mã xác thực sẽ cho người dân thông số về thời hạn sử dụng thẻ, thời gian cấp thẻ và các quyền lợi chủ thẻ BHYT được hưởng khi khám chữa bệnh (KCB).
Tại hệ thống này các cơ sở KCB cũng biết được thông tin về được đối tượng đến khám có tiếp tục được cấp thẻ mới hay không để tiếp tục thanh toán chi phí KCB BHYT đối với trường hợp thẻ BHYT còn giá trị sử dụng hoặc không thanh toán đối với những trường hợp hệ thống báo thẻ BHYT hết giá trị sử dụng.
Người dân tự tra cứu thông tin về quyền lợi của cá nhân khi tham gia BHYT
“Do đó, nếu trường hợp thời điểm đầu năm 2018 người bệnh chưa nhận được thẻ mới thì thông qua mã số thẻ của năm trước (năm 2017) cơ sở KCB sẽ biết được bệnh nhân này có được hưởng BHYT hay không. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi cho người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh không bị gián đoạn khi đã đóng BHYT nhưng lại chưa nhận được thẻ mới”- ông Đức khẳng định.
Hiện mức hưởng của người tham gia đã được mã hóa ở ký hiệu in trên thẻ BHYT. Theo đó mã thẻ BHYT gồm 15 ký tự, được chia thành 4 ô. Trong đó, 2 ký tự đầu (ô thứ nhất): được ký hiệu bằng chữ, là mã đối tượng tham gia BHYT. Ký tự tiếp theo (ô thứ 2): được ký hiệu bằng số (theo số thứ tự từ 1 đến 5) là mức hưởng BHYT. Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì mức hưởng BHYT ghi trên thẻ BHYT là mức hưởng của đối tượng có quyền lợi cao nhất.
– Ký hiệu bằng số 1: Được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế về danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán dịch vụ kỹ thuật; chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật, bao gồm các đối tượng hưởng có ký hiệu là: CC, TE.
– Ký hiệu bằng số 2: Được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỷlệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế); chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật, bao gồm các đối tượng hưởng có ký hiệu là: CK, CB, KC, HN, DT, DK, XD, BT, TS.
– Ký hiệu bằng số 3: Được quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế); 100% chi phí KCB tại tuyến xã và chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% tháng lương cơ sở, bao gồm các đối tượng hưởng có ký hiệu là: HT, TC, CN.
– Ký hiệu bằng số 4: Được quỹ BHYT thanh toán 80% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỉ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế); 100% chi phí KCB tại tuyến xã và chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% tháng lương cơ sở, bao gồm các đối tượng hưởng có ký hiệu là: DN, HX, CH, NN, TK, HC, XK, TB, NO, CT, XB, TN, CS, XN, MS, HD, TQ, TA, TY, HG, LS, PV, HS, SV, GB, GD.
– Ký hiệu bằng số 5: Được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB, kể cả chi phí KCB ngoài phạm vi được hưởng BHYT; chi phí vận chuyển, bao gồm các đối tượng hưởng có ký hiệu là QN, CA, CY.
Ký hiệu trên thẻ thể hiện quyền lợi được quỹ BHYT chi trả
Chẳng hạn trên thẻ BHYT có ký HC (đứng đầu sau dãy số in trên thẻ): Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
CH: Người lao động làm việc trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và tổ chức xã hội khác.
DN: Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.
– NN: Người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên tham gia có quy định khác.
HT: Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng;
TB: Người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
CT: Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng;
XB: Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng;
TN: Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp;
QN: Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác tại Ban Cơ yếu Chính phủ; học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách Nhà nước theo chế độ, chính sách như đối với học viên Quân đội;
-CA: Sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ và sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn kỹ thuật, hạ sỹ quan, chiến sỹ nghĩa vụ đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, học viên công an nhân dân hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách Nhà nước;
CY: Người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác tại các tổ chức cơ yếu thuộc các Bộ, ngành, địa phương;
MS: Người đã thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đang hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách Nhà nước;
CC: Người có công với cách mạng, bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8/1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
HD: Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đương nhiệm;
TE: Trẻ em dưới 6 tuổi, kể cả trẻ đủ 72 tháng tuổi mà trong năm đó chưa đến kỳ nhập học;
HN: Người thuộc hộ gia đình nghèo;
DT: Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn;
CN: Người thuộc hộ gia đình cận nghèo;
HS: Học sinh đang theo học tại các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;
SV: Sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở dạy nghề thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo N.Dung (Người lao động)
Những bài mới hơn
Những bài cũ hơn