Hôm nay : 114
Tháng hiện tại : 4333
Tổng lượt truy cập : 1685797
Đó là nhận xét của TS. Trần Du Lịch - đại diện nhóm tư vấn phát triển vùng trong đề dẫn về hội thảo với chủ đề “Phát triển Đà Nẵng trở thành thành phố mang tầm vóc khu vực ASEAN và Châu Á: Từ ý tưởng đến giải pháp” được tổ chức ngày 12/7 do UBND TP Đà Nẵng tổ chức lần thứ II.
Có 11 tham luận và hàng chục ý kiến hướng đến tìm các giải pháp xây dựng TP Đà Nẵng thành đô thị ngang tầm với các đô thị hiện đại trong khu vực và nhấn mạnh đến đặc trưng của một “đô thị đáng sống” hay “thành phố sống tốt”.
Theo TS. Trần Du Lịch, để Đà Nẵng trở thành một đô thị ngang tầm với các đô thị hiện đại trong khu vực và thật sự như “một viên kim cương tỏa sáng trên bờ biển Đông ra thế giới” thì nhiệm vụ của Đà Nẵng còn nặng nề, còn nhiều thử thách trong vài thập niên tới.
Một ý tưởng, khuyến nghị của TS Trần Du Lịch đã nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu; đó là việc xây dựng Đà Nẵng phải tuân thủ nghiêm ngặt triết lý phát triển đô thị “đáng sống” mà hội thảo lần I đã đặt ra. Muốn tuân thủ triết lý phát triển như vậy phải xây dựng một bộ tiêu chí về đô thị trong tương lai.
TS Trần Du Lịch đề nghị nên tham khảo bộ tiêu chí của tổ chức đánh giá về đô thị rất nổi tiếng là Mercer đã được thế giới thừa nhận, đưa vào xếp hạng “đô thị sống tốt”, để xây dựng hệ thống tiêu chí phát triển Đà Nẵng.
Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, Đà Nẵng đang phải đối diện nhiều vấn đề, mà đầu tiên là “đã đạt được một số cái nhất nên rất dễ hài lòng, lúc ấy chỉ còn một cách duy nhất là vượt qua chính mình”. Cách để Đà Nẵng vượt qua chính mình là nhìn vào thời đại, một thời đại mà ý tưởng về phát triển, về lối sống và cách sống đã thay đổi.
TS Võ Trí Thành phát biểu: Đà Nẵng không phải là thành phố đi sau để trở thành một thành phố tầm cỡ khu vực và châu Á mà là một thành phố có rất nhiều điểm bắt đầu cùng với những thành phố đã phát triển hơn mình rất nhiều rồi. Một trong số đó là sự ra đời của nhiều loại hình công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin như điện toán đám mây, dữ liệu lớn... mà thế giới cũng như Việt Nam đều đang giai đoạn bắt đầu. Liệu Đà Nẵng có đủ tầm nhìn cao xa để vượt qua cả 2030 và 2050, không chỉ trở thành một thành phố ngang tầm ASEAN và châu Á mà là một mẫu hình mới đi cùng với thời đại không.
Ông cũng cho rằng để sớm đưa Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm dịch vụ lớn của cả nước, vừa là trung tâm giao thương trong nước vừa là cửa ngõ giao thương với nước ngoài, thành phố cần ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ có chất lượng cao như du lịch, thương mại, tài chính – ngân hàng, giáo dục…
Với các ngành này, TS Võ Trí Thành cho rằng nên phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn với các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, có thương hiệu riêng để cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới. Bên cạnh đó cần hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại, nâng cao hiệu quả của hoạt động xuất nhập khẩu để Đà Nẵng trở thành điểm đến của các dòng hàng hóa trong và ngoài nước…
TS. Trần ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch Việt Nam cho rằng, dựa trên những thuận lợi về địa thế có sông, có biển, có núi, để trở thành một thành phố ngang tầm ASEAN và châu Á, Đà Nẵng cần phát triển bến du thuyền, xây dựng thành phố trên cao và chiếu sáng cho sông Hàn để thu hút du khách, nhà đầu tư đến với Đà Nẵng.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - ông Văn Hữu Chiến - cho biết, hội thảo lần này nêu ra những hướng đi, những cách nhìn mới có giá trị hiện thực cao và tầm nhìn dài hạn về phát triển TP Đà Nẵng xoay quanh 3 nội dung lớn: phát triển đô thị và không gian đô thị; phát triển Đà Nẵng thành trung tâm du lịch, dịch vụ chất lượng cao và trung tâm công nghiệp công nghệ cao phù hợp xu hướng phát triển khu vực ASEAN và châu Á.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng mong muốn tiếp tục hoàn thiện ý tưởng sáng tạo, có giá trị cao; cụ thể hóa những nhóm giải pháp hữu hiệu để xây dựng Đà Nẵng ngang tầm các thành phố ASEAN và châu Á.
Công Bính
Nguồn tin: dantri.com.vn
Những bài mới hơn
Những bài cũ hơn