Hôm nay : 3
Tháng hiện tại : 471
Tổng lượt truy cập : 1734972
Ngay từ khi mới ra đời, chính quyền cách mạng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách đòi hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người đứng đầu phải vô cùng khôn khéo, mưu lược và quyết đoán trong mọi hành động. Ngày 31 tháng 5 năm 1946, trước khi sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao toàn quyền lãnh đạo cho cụ Huỳnh Thúc Kháng - Nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Thấy cụ có vẻ băn khoăn, lo lắng, Bác chỉ dặn một câu ngắn gọn: Cụ ở nhà “Dĩ bất biến ứng vạn biến”.
Đây vừa là nguyên lý triết học, vừa là nguyên tắc trong binh pháp của người phương Đông. Nó thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa cái bản thể và cái biểu hiện, cái bất biến và cái khả biến, lấy tĩnh để chế động. Trong đó cái bản thể có tính ổn định, không thay đổi, ngược lại cái biểu hiện lại luôn vận động, biến đổi và chuyển hóa không ngừng trên cơ sở, nền tảng là cái bản thể. Qua câu nói này, Bác muốn nhấn mạnh rằng: trong quá trình lãnh đạo cách mạng, phải mềm dẻo, chủ động, sáng tạo, linh hoạt từ những tình huống, hoàn cảnh cụ thể dựa trên cơ sở của những nền tảng không thể thay thế, biến đổi được. Trong cuộc sống hằng ngày cũng vậy, mỗi người cần phải nắm giữ, kiên định cái bản thể, cái lớn lao, quan trọng nhất của mình từ đó có thể thay đổi, điều chỉnh, ứng biến một cách linh hoạt những cái nhỏ, vụn vặt... Đừng vì những biểu hiện nhỏ nhặt mà đánh mất cái toàn cục, cái căn bản. Phải đứng trên quan điểm của cái bất biến mà quan sát, dung hòa, điều tiết bản thân và vạn vật một cách phù hợp với quy luật vận động.
Triết lý “Dĩ bất biến ứng vạn biến” được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình. Trong cái bất biến có bốn vấn đề luôn tác động qua lại, xuyên thấm và chuyển hóa lẫn nhau là: độc lập, dân chủ, tự do và hạnh phúc. Vấn đề quan trọng đầu tiên có vai trò quyết định đối với các vấn đề còn lại là độc lập. Một đất nước chịu sự đô hộ, nhân dân bị áp bức, bóc lột của kẻ thù thì nhất định không thể có được tự do, dân chủ và hạnh phúc. Mọi chiến lược, sách lược và hoạt động đều phải dựa trên cái bất biến đầu tiên là độc lập. Trên cơ sở đó Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định nhiệm vụ quan trọng nhất của cách mạng là giành độc lập cho dân tộc: “Cái mà tôi cần nhất là Tổ quốc tôi được độc lập; dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Sau khi Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được khai sinh, “toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Độc lập là cơ sở, là tiền đề để xây dựng Nhà nước dân chủ của dân, do dân, vì dân. Trong bài viết “Dân vận” với bút danh X.Y.Z đăng trên báo Sự thật, số 120, ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu quyền lợi đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Có như thế nhân dân mới được hưởng tự do và hạnh phúc thực sự. Nếu độc lập là mục tiêu hàng đầu thì tự do và hạnh phúc lại là mục đích cuối cùng vì xét cho cùng cái mà chúng ta hi sinh xương máu, chiến đấu đến cùng là để toàn dân được hưởng tự do, ấm no và hạnh phúc “Nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập đó chẳng có ý nghĩa gì”.
Phát biểu trong buổi họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta đã hi sinh phấn đấu giành độc lập. Chúng ta đã giành được rồi... Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn và cần phải có một thời gian dài với những chiến lược phù hợp và phải quyết tâm không kém khi thực hiện nhiệm vụ giành độc lập. Theo Bác, khi “đã hy sinh làm cách mạng thì nên làm cho đến nơi để khỏi phải hi sinh nhiều lần, để dân chúng được hạnh phúc”.
Khi nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc nó sẽ tác động ngược trở lại làm cho độc lập càng thêm vững bền, trường tồn mãi mãi. Có độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc còn phải không ngừng vươn lên trở thành một quốc gia giàu mạnh về mọi mặt làm cho bốn yếu tố trong cái bất biến trở nên vững vàng, vĩnh cửu có khả năng chống lại mọi cái vạn biến, mọi âm mưu thù địch và chống phá cả bên ngoài lẫn bên trong. Một điểm nữa cũng vô cùng quan trọng trong cái bất biến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là độc lập phải luôn gắn liền với sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, hòa bình và hữu nghị. “Dân Việt Nam ta đã đủ tư cách độc lập tự do. Ai không thừa nhận ta tự do, độc lập thì không được. Bắc, Trung, Nam là đất nước Việt Nam. Chúng ta đều chung một tổ tiên, dòng họ, đều là ruột thịt, anh em. Không ai có thể chia rẽ con một nhà, không ai có thể chia rẽ nước Việt Nam. Một ngày nào Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi còn ăn không ngon, ngủ không yên”. Khắp các vùng Bắc, Trung, Nam bao gồm cả vùng biển, vùng trời tồn tại một cách thống nhất ngay từ buổi đầu của lịch sử.
Để đạt được mục tiêu đặt ra, chúng ta có thể thực hiện bằng nhiều con đường, nhiều cách thức, phương pháp khác nhau nhưng phải dựa trên nền tảng và giữ vững cái bất biến. Trên cơ sở đó, triết lý “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” có giá trị thời sự và là bài học cần thiết cho Đảng và Nhà nước ta trong mọi thời đại, mọi hoàn cảnh khác nhau. Cái bất biến của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn mang giá trị bản thể luận sâu sắc. Đó chính là cái tâm bình tĩnh, trí tuệ minh mẫn, tỉnh táo trong mọi trường hợp, cho dù đó là tình thế cấp bách nhất. Trên cơ sở cái bất biến mà ứng phó, giải quyết, tháo gỡ tình huống một cách đúng đắn, phù hợp và hiệu quả... Nếu không nắm giữ được cái bất biến, lập tức sẽ rơi vào tình trạng nóng nảy, mất bình tĩnh dẫn đến hành động chủ quan, sai lầm. Trong những tình huống nhạy cảm chỉ cần một hành động sai lầm nhỏ có thể gây họa lớn cho nhân dân, cho đất nước.
“Dĩ bất biến ứng vạn biến” đã trở thành nguyên lý cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh khi giải quyết các vấn đề ngoại giao và đấu tranh cách mạng của Đảng ta. Nó thể hiện rất rõ mối liên hệ biện chứng của ba vấn đề: tính nguyên tắc, kiên định mục tiêu chiến lược với tính linh hoạt, uyển chuyển giữa đường lối cách mạng và phương pháp cách mạng; giữa kế thừa và đổi mới. Trong điều kiện đất nước, nhất là tình hình biển Đông thời gian gần đây có nhiều diễn biến phức tạp thì quan điểm “Dĩ bất biến ứng vạn biến” trong tư tưởng Hồ Chí Minh càng được Đảng và Nhà nước ta vận dụng một cách tối ưu.
Như đã phân tích ở trên: cái “bất biến” là độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Đây là quyền lợi tối thượng, là điều thiêng liêng không có bất cứ sức mạnh nào có thể thay đổi được. Mọi hành động, chính sách, sách lược của chúng ta phải hoàn toàn dựa trên cơ sở đó vì vậy tại các diễn đàn Quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng luôn thể hiện quan điểm nhất quán rằng: “Việt Nam không đánh đổi chủ quyền thiêng liêng của mình lấy thứ hữu nghị viển vông, lệ thuộc”… Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, coi trọng chính nghĩa, tình hữu nghị láng giềng nhưng cũng không bao giờ khuất phục trước kẻ thù... Đây là nhân tố sức mạnh cao nhất, kết hợp đấu tranh bằng đàm phán hòa bình với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực.
Bằng chính sách kiềm chế, bình tĩnh và linh hoạt, kịp thời ứng phó với âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch, tuyệt đối không để rơi vào tình thế bất ngờ, mắc mưu, tạo cớ để Trung Quốc gây xung đột, đồng thời tránh tình trạng bất ổn và bảo toàn lực lượng cho cả quân đội và dân ta trên biển Đông. Trên mặt trận đấu tranh ngoại giao, chúng ta tích cực tuyên truyền, khai thác mọi phương tiện thông tin, mọi diễn đàn… để làm cho các nước trong khu vực và trên thế giới hiểu rõ bản chất của sự việc, thông qua đó tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế... Trên cơ sở những bằng chứng đầy đủ và thuyết phục về chủ quyền biển đảo, đặc biệt là Trường Sa và Hoàng Sa, Đảng - Nhà nước ta chuẩn bị đầy đủ hồ sơ pháp lý buộc Trung Quốc phải chấm dứt mọi hành động xâm phạm trái phép chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông và chuẩn bị phương án khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Một vấn đề nữa cần nói thêm là các tầng lớp nhân dân phải tuyệt đối bình tĩnh và kiên trì đấu tranh dưới sự chỉ đạo của Đảng - Nhà nước, tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định đã đặt ra, không manh động, mắc mưu diễn biến hòa bình của các thế lực phản động. Vì lòng yêu nước, tự hào dân tộc, chúng ta quyết tâm đấu tranh đến cùng nhưng phải tôn trọng và gắn liền với lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, gắn tinh thần yêu nước với tôn trọng và chấp hành nghiêm chính sách - pháp luật… Trong lúc này, tốt nhất là thể hiện lòng yêu nước bằng cách cố gắng hoàn thành tốt hơn nữa chức trách, nhiệm vụ của mình góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược cũng như quan điểm “Dĩ bất biến ứng vạn biến” của Đảng - Nhà nước ta trong tình hình hiện nay.
Bằng triết lý, “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, những kinh nghiệm quý báu từ lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng dũng cảm, kiên cường, bất khuất của nhân dân ta, dưới sự chỉ đạo tài tình, sáng suốt của Đảng - Nhà nước, chúng ta nhất định sẽ giành thắng lợi hoàn toàn trong quá trình đấu tranh giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nguyễn Thanh Tuấn – Hồ Bích Thủy
Những bài mới hơn
Những bài cũ hơn