Tiện ích - Ứng dụng

 

Truyện

Tài liệu

Ngày này
năm xưa

Danh bạ
điện thoại

Bản đồ Học viện

Thư viện ảnh

Dự báo thời tiết

Danh nhân

 

Giải trí

 

Video Clip

Truyền hình

Nhạc Online

Phim Online

 

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 1


Hôm nayHôm nay : 6

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2094

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 2661157

Trang chủ » Tin Tức » Công nghệ

Điện toán đám mây – Xu hướng công nghệ mới tại Việt Nam


Bắt đầu từ giữa năm 2007, thuật ngữ công nghệ thông tin có thêm một từ mới, điện toán đám mây (clouds computing). Cho đến nay cả thế giới đang nói về điện toán đám mây, nhưng điện toán đám mây là gì, nó được dùng như thế nào và phục vụ cho ai thì vẫn còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng.

 

Một cách khoa học, điện toán đám mây được hiểu là một mô hình điện toán trong đó công việc được giao cho một tập hợp các kết nối, dịch vụ và phần mềm có thể truy cập được thông qua internet. Tập hợp các kết nối, dịch vụ và phần mềm được xây dựng dựa trên một mạng máy tính, định vị đâu đó trên thế giới và được gọi là “đám mây”. Thao tác công việc từ xa trên đám mây dịch vụ cho phép người sử dụng truy cập vào những trung tâm điện toán sở hữu những máy tính có cấu hình mạnh. Chỉ cần sử dụng những máy tính có cấu hình thấp hay thiết bị PDA, người sử dụng có thể truy cập tới những kho dữ liệu và những trung tâm điện toán khổng lồ với những dịch vụ cần thiết cho công việc. Chính vì lý do dó, điện toán đám mây trước đó được miêu tả như là điện toán theo yêu cầu.

Ví dụ dưới đây có thể là một minh hoạ đơn giản nhất để làm sáng tỏ định nghĩa về điện toán đám mây. Trước năm 2000, người sử dụng muốn dùng dịch vụ gì đều phải mua bản quyền, đĩa CD để cài lên máy tính cá nhân như phần mềm kế toán, quản lý địa chỉ, số điện thoại,  quản lý nhân viên. Xu hướng này thời đó tỏ ra khá hiệu quả khi chỉ cần một vài thao tác, người dùng có thể tìm ra những thông tin cần thiết về một nhân viên nào đó hay địa chỉ và số điện thoại của một cá nhân. Tuy nhiên, tất cả các dữ lỉệu đều được lưu trữ trên máy tính cá nhân chính vì thế khả năng di chuyển linh hoạt của những dịch vụ này không cao trừ khi người sử dụng sở hữu một máy tính xách tay. Ngày nay không ai làm như thế nữa. Chỉ cần một thiết bị PDA hay một máy tính cá nhân có kết nối internet, người dùng cá nhân có thể tìm kiếm những thông tin cần thiết được lưu trữ đâu đó trên mạng internet. Có rất nhiều dịch vụ về quản lý thông tin cá nhân, thư điện tử trên internet mà người dùng có thể khai thác như Yahoo mail, Gmail, facebook, …. Các công ty không còn phải mua bản quyền các phần mềm về quản lý nhân viên, quản lý tài chính, …  không còn phải đầu tư những máy tính có cấu hình mạnh mẽ để làm máy chủ chứa dữ liệu của công ty. Thay vào đó, công ty chỉ cần trả tiền sử dụng dịch vụ, cụ thể hơn, tất cả các phần mềm về quản lý nhân viên, quản lý tài chính, đã được một nhà cung cấp dịch vụ cài đặt tại một trung tâm điện toán nào đó. Các máy chủ có dung lượng bộ nhớ lớn cũng được những nhà cung cấp dịch vụ cài đặt và công ty có thể thuê để lưu trữ dữ liệu của công ty.

Sức mạnh tính toán của điện toán đám mây được triển khai thông qua các hệ thống tính toán phân tán, kết hợp với công nghệ ảo hoá máy tính và song song.  Đối ngược với mô hình tính toán truyền thống trên máy tính cá nhân, nơi mà tài nguyên máy tính cá nhân được dùng để xử lý các công việc từ đầu đến cuối và trả kết quả cho người sử dụng, mô hình điện toán đám mây chỉ sử dụng máy tính cá nhân của người dùng như giao diện giữa người sử dụng và các trung tâm dữ liệu và điện toán. Nói cách khác, máy tính cá nhân chỉ là nơi để soạn thảo yêu cầu và gửi yêu cầu đến trung tâm điện toán thông qua một giao diện nào đó như Web.

Điện toán đám mây thường bị lẫn lộn với điện toán lưới, điện toán theo yêu cầu hay điện toán tự trị. Đâu là sự khác nhau giữa chúng. Điện toán lưới (grid computing) là một dạng của điện toán phân tán, trong đó tồn tại một siêu máy tính ảo, là sự bao gồm một tập hợp các máy tính đơn liên kết với nhau và hoạt động phối hợp để thực hiện các tác vụ cực lớn, tác vụ này có thể được chia nhỏ để thực hiện song song trên những máy tính đơn của tập hợp máy tính đó. Điện toán theo yêu cầu (utility computing) là khối tài nguyên máy tính như bộ nhớ, bộ xử lý trong vai trò một dịch vụ riêng biệt và cụ thể tương tự với các công trình hạ tầng kỹ thuật truyền thống chẳng hạn như điện lực hay mạng điện thoại.  Điện toán tự trị là những hệ thống có khả năng tự vận hành, quản lý và xử lý những vấn đề xảy ra trong quá trình vận hành. Điện toán đám mây được nhìn nhận như là một bước phát triển tự nhiên tiếp theo từ những mô hình trên. Những hệ thống điện toán đám mây hiện nay đều có khả năng tự trị và có khả năng xử lý những tác vụ lớn như điện toán lưới, và riêng biệt cụ thể cho một yêu cầu nào đó như điện toán theo yêu cầu.


Trung tâm điện toán

Có lẽ Amazon là nơi thương mại hóa các trung tâm điện toán đầu tiên mặc dù kỹ thuật này đã được sử dụng từ lâu. Năm 2006, Amazon chào mời dịch vụ mang tên Amazon Web Services (AWS). Bất kỳ ai có thẻ tín dụng cũng có thể vào đây thuê một máy ảo trên hệ thống máy tính khổng lồ của Amazon để chạy ứng dụng. Các nhà điều hành AWS có thể nhanh chóng bổ sung máy chủ khi nhu cầu tăng hay tắt bớt khi nhu cầu giảm. Dịch vụ này có giá rất rẻ.

Amazon không phải là công ty trực tuyến duy nhất xây dựng các trung tâm điện toán quy mô lớn. Google cũng đang điều hành một mạng lưới toàn cầu mấy chục trung tâm điện toán với hơn 2 triệu máy tính. Người dùng thường ngày tìm kiếm thông tin trên mạng internet thông qua Google Search chính là đang dùng dịch vụ điện toán đám mây của Google. Microsoft đang đầu tư tiền tỷ để bổ sung chừng 35.000 máy chủ mỗi tháng. Yahoo cũng đang bận rộn xây dựng các nhà máy điện toán kiểu như thế.

Như vậy, xu hướng sắp tới là các doanh nghiệp có trung tâm dữ liệu riêng lẻ sẽ củng cố chúng theo hướng cắt giảm (vì các trung tâm loại này có hiệu năng rất thấp – chỉ chừng 6% năng lực xử lý) tập trung vào một ít trung tâm thật sự có hiệu quả. Còn các doanh nghiệp kinh doanh trung tâm dữ liệu sẽ phát triển mạnh, rồi cho doanh nghiệp bên ngoài thuê. Trước mắt các doanh nghiệp vừa và nhỏ là khách hàng chính vì doanh nghiệp lớn chưa chắc đã an tâm giao phó dữ liệu của mình cho người khác quản lý. Cũng có thể họ sẽ chuyển giao dần dần các loại dữ liệu không quan trọng, ví dụ NASDAQ thuê AWS để cung cấp dịch vụ tìm thông tin giao dịch cũ, gọi là Market Replay.

Phần mềm đám mây

Xu hướng phần mềm trở thành một dạng dịch vụ được cung cấp qua mạng Internet ngày càng rõ nét. Quan trọng hơn, các ứng dụng, dù có qua mạng hay không, sẽ không còn là một gói phần mềm ngày càng cồng kềnh – chúng sẽ bao gồm nhiều bộ phận cấu thành để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Thuật ngữ đầu tiên được sử dụng cho xu hướng này là kiến trúc hướng dich vụ – SOA (Service Oriented Architecture). SOA thoạt tiên xuất hiện trong các ứng dụng mã nguồn mở nhưng sau đó các hãng lớn cũng chuyển sang hướng này vì các ứng dụng của họ ngày càng cồng kềnh, không đáp ứng nổi sự linh hoạt mà khách hàng cần. Thay vì cung ứng cho khách hàng những phần mềm chuyên biệt như quản lý tài chính hay quản lý khách hàng, các nhà cung cấp dịch vụ giới thiệu các cụm phần mềm có thể kết hợp tùy ý để làm ra loại phần mềm mới, ứng với nhu cầu của từng khách hàng. Sử dụng SOA các doanh nghiệp có thể tích hợp hệ thống công nghệ thông tin ngày càng phức tạp bằng cách biến chúng thành tập hợp các dịch vụ để đan xen chúng vào các quy trình kinh doanh.

Việc thương mại hóa SOA cho giới doanh nghiệp vẫn còn rất sơ khai nhưng ngược lại, ứng dụng chạy trên web cho người tiêu dùng thì phát triển mạnh. Ví dụ, tận dụng Google Map kết hợp với danh sách nhà bán, nhà cho thuê từ Craglist, người ta làm ra Housingmaps.com, chuyên đáp ứng nhu cầu tìm nhà thuê, nhà bán nhanh chóng, có cả bản đồ chi tiết. Hàng loạt dịch vụ kết hợp như thế đã ra đời, người dùng có thể tự mình kết hợp các mô-đun lại với nhau để tạo ra ứng dụng cho mình như tin tức kèm hình ảnh, âm thanh hay kết nối…. Hồi tháng 4-2008, Salesforce.com và Google tuyên bố tích hợp dịch vụ online của họ, qua đó người dùng Salesforce (hỗ trợ quản lý khách hàng) có thể chuyển dữ liệu qua các ứng dụng trên mạng của Google.

Thiết bị kết nối

Nếu các trung tâm dữ liệu và phần mềm ứng dụng là bản thân “đám mây”, các thiết bị kết nối sẽ kéo chúng về thế giới thật nơi con người sẽ thông qua đó tương tác trở lại với các “đám mây”. Sự ra đời của các thiết bị PDA, như điện thoại di động G1 của Google hay trình duyệt Chrome là nhằm phục vụ cho mục đích kết nối đó. Xu hướng sản xuất loại máy tính xách tay bé xíu – các netbook – cũng không nằm ngoài nỗ lực này. Máy đầu cuối không cần mạnh, chỉ cần có tính di động cao và kết nối tốt. Quá trình tính toán sẽ do đám mây đảm nhận.

Thời gian gần đây,chủ đề “điện toán đám mây” đang là một trong những chủ để được nhắc đến nhiều nhất tại các sự kiện công nghệ tại Việt Nam, nhất là sau hội thảo “Hành trình tới công nghệ điện toán đám mây” do Microsoft tổ chức ngày 2/3/2011 tại Hà Nội, với sự tham dự của hơn 300 chuyên gia IT và các nhà lãnh đạo của các doanh nghiệp.


Khái niệm cơ bản

Điện toán đám mây (Cloud computing) có thể hiểu một cách đơn giản là: các nguồn điện toán khổng lồ như phần mềm, dịch vụ… sẽ nằm tại các máy chủ ảo (đám mây) trên Internet thay vì trong máy tính gia đình và văn phòng (trên mặt đất) để mọi người kết nối và sử dụng mỗi khi họ cần. Với các dịch vụ sẵn có trên Internet, doanh nghiệp không phải mua và duy trì hàng trăm, thậm chí hàng nghìn máy tính cũng như phần mềm. Họ chỉ cần tập trung sản xuất bởi đã có người khác lo cơ sở hạ tầng và công nghệ thay họ. Bạn có thể truy cập đến bất kỳ tài nguyên nào tồn tại trong “đám mây (cloud)” tại bất kỳ thời điểm nào và từ bất kỳ đâu thông qua hệ thống Internet.

Điện toán đám mây – công nghệ của thời đại mới

Như vậy, cloud computing chỉ là khái niệm hoàn chỉnh cho một xu hướng không mới bởi nhiều doanh nghiệp hiện không có máy chủ riêng, PC chỉ cài một số phần mềm cơ bản còn tất cả đều phụ thuộc vào cloud. Chẳng hạn, họ đăng ký dịch vụ hosting cho website công ty, thuê công cụ quản lý doanh thu từ Salesforce.com, lấy dữ liệu khảo sát thị trường từ tổ chức Survey Monkey… Và tất nhiên, họ dùng Google để tìm kiếm, phân tích, chia sẻ và lưu trữ tài liệu.

Hiện trạng phát triển công nghệ “điện toán đám mây” tại Việt Nam

Dù được thế giới dự đoán sẽ là “cơn sóng thần công nghệ ” song khái niệm “điện toán đám mây vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam.”

IBM là doanh nghiệp tiên phong khai trương trung tâm điện toán đám mây tại Việt Nam vào tháng 9/2008 với khách hàng đầu tiên là là Công ty cổ phần công nghệ và truyền thông Việt Nam (VNTT). Sau đó, Microsoft là một trong những “đại gia” tiếp bước điện toán đám mây ở thị trường Việt Nam, nhưng hiện vẫn đang trong giai đoạn phát triển thử nghiệm.

Theo Ông Võ Tấn Long, Tổng Giám đốc công ty IBM Việt Nam: “Điện toán đám mây không còn là xu hướng mà là thực tế đang diễn ra. Có thể nói Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ở ASEAN đưa vào sử dụng điện toán đám mây. Từ năm 2008 đến nay, ngày càng có nhiều khách hàng tìm đến các dịch vụ điện toán đám mây của IBM”.

Tiếp đến, điện toán đám mây ở Việt Nam bắt đầu có những tín hiệu khả quan khi khi FPT – nhà công nghệ hàng đầu của Việt Nam đã khẳng định vị thế tiên phong của mình trong công nghệ bằng lễ ký kết với Microsoft châu Á-Trend Micro để hợp tác phát triển “đám mây” ở châu Á. Nhận định về hợp tác này, đại diện Trend Micro cho rằng, điện toán đám mây sẽ đem lại cơ hội cho Việt Nam bởi công nghệ hoàn toàn mới sẽ giúp giới trẻ Việt Nam vốn rất năng động sẽ có thêm điều kiện sáng tạo và phát huy tài năng của mình. Đồng thời, với tiềm năng về nhân lực, cơ sở hạ tầng và nhất là “tính sẵn sàng” của FPT hai bên sẽ không chỉ dừng lại ở cung cấp dịch vụ về điện toán đám mây ở Việt Nam mà sẽ vươn ra toàn cầu.

Sau cuộc ký kết đó một tuần, FPT tiếp tục hợp tác cùng “đại gia” Microsoft vào tháng 05/2010. Tâm điểm của hợp tác này là một thỏa thuận nhằm phát triển nền tảng điện toán đám mây dựa trên công nghệ của Microsoft. Hai bên đều cùng hướng đến việc phát triển nền tảng cho các dịch vụ đám mây bao gồm truyền thông, hợp tác, lưu trữ dữ liệu và các dịch vụ hạ tầng, nhằm phục vụ nhu cầu của đông đảo khách hàng.

Gần đây nhất, “Journey to the cloud” (Hành trình tới công nghệ điện toán đám mây) với châm ngôn “New ways to do new things” là chủ đề hội thảo do Microsoft tổ chức hôm 02/03/2001 vừa qua tại Hà Nội, đã thu hút sự tham dự của hơn 300 chuyên gia IT và các nhà lãnh đạo của các doanh nghiệp. Điều này chứng tỏ những vấn đề về điện toán đám mây hiện đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp trong nước, những người đang kiếm tìm giải pháp nâng cao năng suất cho doanh nghiệp.

Tuy vậy, tiếp theo sau hội thảo ngày 02/03, “Vietnam Cloud computing Day 2011” (Ngày Điện toán đám mây Việt Nam 2011) diễn ra ngày 9/3 tại Hà Nội cũng đưa ra nhận định: mặc dù điện toán đám mây hiện đang được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước phát triển trên thế giới bởi lợi ích đáng kể mà nó đem lại, nhưng ở Việt Nam các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự mặn mà với công nghệ này. Tuy nhiên theo các chuyên gia nhận định, đây chính là giải pháp tối ưu để các doanh nghiệp nước ta giảm thiểu chi phí cũng như tăng hiệu suất làm việc ở mức tối đa.

Về thực trạng ứng dụng điện toán đám mây ở các doanh nghiệp Việt Nam, có thể rút ra kết luận như sau: Hiện nay đã có một vài doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đưa điện toán đám mây vào ứng dụng và hiệu suất kinh doanh được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên số lượng là khá ít. Phần lớn vẫn chỉ dừng ở mức quan tâm và tìm hiểu.


Phát triển điện toán đám mây tại Việt Nam – còn nhiều thách thức

Không nằm ngoài xu thế chung của ngành công nghệ thông tin thế giới, Việt Nam đang dần tiếp cận dịch vụ đám mây thông qua các dự án của một số doanh nghiệp nước ngoài như Microsoft, Intel … Công nghệ này được coi là giải pháp cho những vấn đề mà nhiều công ty đang gặp phải như thiếu năng lực công nghệ thông tin, chi phí đầu tư hạn chế… Hầu hết các nhà lãnh đạo công nghệ thông tin đều khá kỳ vọng khi nhận định về công nghệ này.

điện toán đám mây liệu có phát triển tại Việt Nam?

Ông Dương Dũng Triều, Giám Đốc điều hành FIS chia sẻ: “Chúng tôi nhận ra nhiều lợi ích khi đồng hợp tác xây dựng trung tâm dữ liệu sử dụng công nghệ điện toán đám mây của Microsoft. Hai bên chia sẻ tầm nhìn  về tương lai của ngành tin học -nơi mà các dịch vụ điện toán đám mây sẽ trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam vào năm 2015- và chúng tôi có mục tiêu  trở thành những người dẫn đầu trong lĩnh vực mới mẻ này.”

Theo ông Nguyễn Huy Cương, CEO của Tinh Vân Consulting, hiện nay nhiều công ty đang hoang phí tài nguyên như không khai thác hết công suất của hệ thống máy chủ, đầu tư quá nhiều về mặt con người. Trong khi đó, về lý thuyết, cloud computing sẽ cho phép doanh nghiệp không cần tập trung quá nhiều cho cơ sở hạ tầng hoặc nâng cấp ứng dụng, không đòi hỏi nguồn nhân lực lớn và có thể dễ dàng thay đổi quy mô khi cần.

Ông Hoàng Lê Minh, Viện trưởng Viện công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam (NISCI), khẳng định điện toán đám mây là mục tiêu mà thế giới cũng như ngành công nghệ thông tin trong nước hướng tới và đây chính là nhân tố thúc đẩy các quá trình chuyển đổi kinh doanh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Intel nhận định thì điện toán đám mây chắc chắn không phải dành cho tất cả mọi người và cho mọi nhu cầu. Mặc dù lợi ích của điện toán đám mây là không thể phủ nhận, nhưng các doanh nghiệp cần cân nhắc đến các yếu tố khác nhau khi tính đến chuyện ứng dụng điện toán đám mây, cụ thể như: rào cản kỹ thuật, an toàn thông tin, nguồn vốn để hiện đại quy trình kinh doanh bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, giảm chi tiêu cho phần cứng, phần mềm, an toàn bằng thuê ngoài phần mềm cơ sở hạ tầng, tính linh hoạt và khả năng mở rộng của nguồn lực công nghệ thông tin trước khi quyết định ứng dụng điện toán đám mây vào sản xuất kinh doanh. Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ.

Bên lề hội nghị “Ngày Điện toán đám mây Việt Nam 2011”, ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc công nghệ của công ty Cisco, chia sẻ còn nhiều khó khăn trong việc triển khai điện toán đám mây tại Việt Nam. Theo ông, vấn đề chính sách, đường truyền băng thông và nhận thức của doanh nghiệp là những thách thức lớn nhất với công nghệ mới này.

Đồng thời, một số doanh nghiệp cho biết họ đã và đang sử dụng các dịch vụ đám mây miễn phí như Google Apps, nhưng vẫn cần thời gian để tìm hiểu nhiều hơn những lợi ích cũng như rủi ro về tính an toàn dữ liệu. Ông Nguyễn Thiện Tâm, Giám đốc khách hàng của Công ty Sutrix Media Việt Nam, cho biết nếu sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây thì đòi hỏi mỗi nhân viên phải có kỹ năng nhất định về công nghệ thông tin. Hiện công ty có sử dụng Google Docs, nhưng chỉ dừng ở mức độ trao đổi, chia sẻ tài liệu.

Không chỉ có vậy, Ông Lê Đức Quyết, Phó giám đốc Công ty cổ phần Thế giới vận tải, cho biết ông vẫn còn e ngại khi đưa những thông tin liên quan đến tài chính của công ty lên dịch vụ điện toán đám mây vì không biết được dữ liệu của mình ở đâu đó trên mạng. Ông Quyết cũng nói mô hình ứng dụng điện toán đám mây phụ thuộc nhiều vào Internet mà chưa chắc lúc nào cũng có thể truy cập vào Internet.

Tóm lại, người viết mượn lời của ông Hoàng Lê Minh – Viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và Nội dung số Việt Nam -  để kết thúc bài viết này: “Bản chất của điện toán đám mây là sự hội tụ các thành tựu về nghiên cứu phát triển các công nghệ mới; các quan điểm về ứng dụng CNTT hiện nay ở trên thế giới cũng như Việt Nam. Điện toán đám mây cũng là một trong những khái niệm mơ hồ nhất từ trước đến nay chúng ta gặp phải. Nó cũng giống như cái gì ở trên cao, ở trong mây, chúng ta không thể nhận biết được. Nhưng đó cũng chính là mục tiêu mà hiện nay ngành CNTT truyền thông đang hướng tới”.

Có thể nói điện toán đám mây đang tạo cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, thông minh và tiết kiệm chi phí hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam đang có điều kiện thuận lợi để sử dụng những tiện ích này. Vấn đề là bản lĩnh của doanh nghiệp có dám ứng dụng công nghệ mới vào quản lý điều hành sản xuất kinh doanh hay không mà thôi. Vì vậy, dù công ty ở quy mô lớn hay nhỏ, bạn cũng nên thử dùng dịch vụ này, nếu không có thể bạn đã bỏ lỡ một cơ hội kinh doanh trong tương lai.

(Theo XHTT)

Những tin mới hơn

 

   Website: vinhphat.org  *  Email: vinhphatdn@gmail.com

Powered by: Nukeviet CMS